Ảnh: REUTERS
Tuần qua sẽ không quá khi gọi là "tuần của Facebook" khi thông tin liên quan tới bê bối rò rỉ dữ liệu của 50 triệu người dùng mạng xã hội trở thành nội dung áp đảo trên các tít báo chí quốc tế.
Trong bối cảnh vụ bê bối của Facebook liên quan công ty Cambridge Analytica ngày càng gia tăng, cộng thêm sức nóng từ công luận chỉ trích, nhiều người bắt đầu tự hỏi liệu vụ việc này sẽ gây tổn thất cho Facebook tới mức nào.
Hãng tin Quartz (Mỹ) phân tích về các kịch bản Facebook có thể đối mặt thời gian tới:
Facebook sẽ bị siết "vòng kim cô"?
Facebook đã là một gã khổng lồ Goliath của thung lũng Silicon đủ lâu tới mức có lẽ họ không hề nghĩ tới chuyện có một chàng David nào khác tồn tại trên đời.
Tuy nhiên tỉ phú Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft có thể kể cho ông chủ Facbook một câu chuyện khác.
Vào những năm 1990, các nhà quản lý chống độc quyền của Mỹ đã thực sự đặt được "gọng kìm" của họ lên sự độc quyền với phần mềm Windows của công ty Microsoft.
Bất chấp cuộc điều trần mạnh mẽ, quyết liệt của ông Gates trước Bộ Tư pháp năm nào, bất chấp việc Microsoft công khai trở thành đối thủ số 1 của nhà chức trách Mỹ, rốt cuộc họ cũng đã phải "thu bớt nanh vuốt" để có thể tồn tại.
Mặc dù phán quyết của tòa về việc phân tách Microsoft rốt cuộc đã bị đảo ngược trong phiên tòa phúc thẩm, nhưng Microft cũng không bao giờ trở lại được là đúng nó như giai đoạn trước khiếu kiện.
Cuộc tranh tụng đằng đẵng 21 năm đã buộc Microsoft phải thu hẹp những hoạt động kinh doanh bành trướng của họ tại những thị trường mới. Các sản phẩm của họ buộc phải có tính tương thích rộng rãi hơn.
Những thỏa thuận pháp lý cũng khiến Microsoft hoàn toàn "tê liệt" trong cuộc cách mạng tiếp theo của web, từ đó tạo điều kiện xuất hiện cho các "ngôi sao" như Google và Apple.
Điều quan trọng hơn nữa, văn hóa làm việc của Microsoft cũng đã thay đổi. Một công ty khởi nghiệp dám chấp nhận rủi ro và tính phí rất nặng đã trở thành một công ty "nhút nhát", đi xuống và chỉ mới tới gần đây mới phục hồi lại được vị thế.
Tuy nhiên "tội lỗi" của Microsoft cũng chưa bao giờ lên tới mức tạo điều kiện giúp các nước đối đầu can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ.
Việc Microft nắm thế thượng phong so với các công ty khác ở Mỹ vào thời của họ có lẽ không thể sánh được với thế "ông hoàng" của Facebook trong việc kiểm soát quảng cáo trên mạng xã hội hiện nay.
Theo đó, những bài học từ Microsoft là người ta không cần phải thắng trong một vụ kiện chống độc quyền thì mới có thể "dìm chết" một công ty hoặc kéo lùi lại công ty đó cả một thế hệ.
Người ta có thể không cần chia tách Facebook, nhưng người ta vẫn có thể biến nó trở thành một cái bóng nhút nhát của chính nó.
Ảnh: TECHCRUNCH
Facebook sẽ mất người dùng?
Sau bê bối Cambridge Analytica, nhiều người tuyên bố trên mạng xã hội là họ sẽ "cắt đứt" với Facebook. Con số này không hề nhỏ, và rất có thể nó sẽ còn tạo nên một cơn "đại hồng thủy" người dùng rủ nhau rút khỏi mạng xã hội này.
Trên thực tế số người dùng Facebook cũng đang giảm dần tại Mỹ và Canada, hai thị trường sinh lời nhiều nhất của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên nếu bạn nhìn vào quy mô to lớn thực sự của Facebook một cách lý trí, bạn sẽ thấy ngay cả khi 1 triệu người rút khỏi nền tảng này để tỏ thái độ phản đố (con số này tương đương với số người dùng hàng ngày tại Mỹ và Canada rút khỏi Facebook trong quý vừa qua), bạn sẽ thấy nó chỉ là 0,05% trong tổng lượng cư dân Facebook.
Chưa kể là việc rời bỏ Facebook rất khó khăn. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống nhiều người: Nơi lưu trữ hàng thập kỷ ký ức, nơi tìm kiếm những người bạn đã gặp, hộ chiếu số của tất cả mọi thứ, cách để kết nối bạn với cộng đồng….
Chưa kể là tại nhiều nước, người ta còn dùng Facebook cho công việc, họ dùng nó để kinh doanh. Với không ít người, Facebook còn đồng nghĩa với Internet vì đó là nguồn thông tin duy nhất của họ.
Facebook sẽ mất khách hàng?
Trên thực tế, bê bối Cambridge Analytica đã làm sáng tỏ hơn bao giờ hết một sự thật, những người dùng không phải khách hàng thực sự của Facebook, chính các nhà quảng cáo mới là khách hàng thực sự.
Việc nhiều người dùng tẩy chay Facebook đã khiến một số đối tác quảng cáo tuyên bố dừng hợp tác với mạng xã hội này, tuy nhiên phần lớn các nhà quảng cáo sẽ chỉ quay lưng với Facebook trong trường hợp số người dùng giảm tới mức 2 con số, đó là quan điểm ông Brian Wieser, chuyên gia phân tích tại công ty Pivotal Research.
Việc công luận ồn lên quan điểm tẩy chay Facebook cũng được cho là sẽ không khiến các đối tác quảng cáo của Facebook dễ dàng "buông tay", giống như cách họ đã làm với YouTube khi quảng cáo của họ bị hiển thị bên cạnh những video có nội dung cực đoan, thù địch trước đây.
"Các nhà quảng cáo vẫn luôn làm một việc chẳng khác gì mấy so với cách làm của công ty Cambridge Analytica", ông Wieser phân tích. "Vậy nên quý vị không thể nhục mạ một nhà quảng cáo bởi vì tất cả các nhà quảng cáo khác đều đang làm như vậy".
Một số nhà quảng cáo nhỏ hơn như Mozilla và Sonos đã tuyên bố dừng quảng cáo trên Facebook. Tuy nhiên cả hai đều để ngỏ khả năng sẽ quay lại trong điều kiện thích hợp, khi Facebook có những thay đổi chính sách bảo vệ thông tin người dùng.
Facebook sẽ mất những gì nữa?
Đây phải chăng chỉ mới là khởi đầu cho "dấu chấm hết" của Facebook như nhiều người đoán định? Không ít đại gia công nghệ khác của Mỹ từng đối mặt với tình huống mà Facebook có thể sẽ phải trải qua tới đây.
Như Microsoft từng "nếm mật nằm gai" trong suốt giai đoạn cuối những năm 1990 và những năm 2000 để đối phó với các vụ kiện chống độc quyền nhằm vào phần mềm của họ.
Và như những gì đã xảy ra, mọi người đều thấy rõ, Microsoft đã lỡ nhịp trong cuộc cách mạng di động, không thể "xoay trục" thành công chiến lược kinh doanh của họ từ phần mềm máy tính sang phần mềm dành cho thiết bị di động.
Cũng trong cùng khoảng thời gian khó khăn của Microsoft, Yahoo, từng một thời là công cụ tìm kiếm và dịch vụ email hàng đầu, cũng đã không thể nhận ra nguy cơ từ Google và lĩnh vực tìm kiếm di động.
Ở thời hoàng kim của mình, công ty Yahoo có giá hơn 100 tỉ USD. Tuy nhiên vào lúc thoái trào, năm 2016, nó chỉ bán được cho tập đoàn Verizon với giá hơn 5 tỉ USD.
Hay một công ty khác của Mỹ là IBM đã mất vị thế bao trùm thị trường của họ khi vẫn nỗ lực bán các máy tính lớn ra thị trường trong bối cảnh người dùng đã chuyển sang các loại máy tính cá nhân.
Trong tất cả những trường hợp ấy, người dùng đều rời bỏ một cái cũ để tìm tới những lựa chọn mới tốt hơn.
Microsoft đã có thể hồi phục sau sóng gió nhờ vào sự lãnh đạo thông minh và những đường hướng kinh doanh mới; Nhưng Yahoo thì không thể. Còn IBM đã mất một khoảng thời gian khá dài để vật vã chuyển mình theo chiến lược mới.
CEO của Facebook, Mark Zuckerberg - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên lại cũng phải nói rằng cho tới nay chưa từng có một công ty Internet nào có quy mô ngang ngửa như Facebook tồn tại.
MySpace, một hiện tượng mạng xã hội đầu tiên cũng chỉ có khoảng 100 triệu người dùng vào thời kỳ đỉnh cao của nó. Con số đó chỉ bằng 1/20 số người dùng Facebook hiện tại.
Hiện có khoảng 3,8 tỉ người dùng Internet, trong đó có 2,1 tỉ người dùng Facebook. Facebook cũng sở hữu luôn mạng xã hội Instagram, ứng dụng có khoảng 800 triệu người dùng và WhatsApp, ứng dụng nhắn tin có 1,3 tỉ người dùng.
Năm 2017, tổng thu nhập của Facebook là hơn 40 tỉ USD. Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của họ cũng vào khoảng 460 tỉ USD, ngay cả sau đợt bán tháo cổ phiếu công ty này xảy ra tuần trước.
Điều này có nghĩa, ngay cả khi Facebook mất hết cả nhà quảng cáo và người dùng sau bê bối này, họ vẫn còn khả năng duy trì thêm một thời gian dài nữa.
Vậy nên ngay cả trong trường hợp Facebook trở thành một MySpace tiếp theo, rõ ràng việc xóa bỏ được hơn 2 tỉ người dùng trong một sớm một chiều là chuyện không dễ xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận