Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân khai báo y tế tại chốt trạm Phan Văn Trị (TP.HCM) trong những ngày giãn cách - Ảnh: NHẬT THỊNH
Cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM ngày 11-6 vẫn chưa quyết định có gia hạn thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM nữa hay không.
Tuy nhiên Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cùng các sở ngành liên quan họp với quận Gò Vấp và 12 (nơi đang có khu vực giãn cách xã hội theo chỉ thị 16), đồng thời nghiên cứu tình hình sớm đề xuất phương án cho Ban chỉ đạo quyết định.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết trong 10 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, hầu hết người dân chấp hành tốt các quy định. Lưu lượng giao thông qua lại quận giảm một nửa so với ngày thường. Số lượng người dân ra ngoài khi không cần thiết rất ít.
Ông Nguyễn Trí Dũng nhận định Gò Vấp chỉ cần giãn cách 15 ngày vì hiệu quả của đợt giãn cách có sự chuyển biến rõ. Những ngày giãn cách còn lại tình hình dịch sẽ có chuyển biến tốt. Từ đó, ông kiến nghị không giãn cách xã hội thêm sau 0h ngày 15-6 để không kéo dài thêm khó khăn cho người dân.
Trong khi đó, chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu đề xuất tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 cho toàn quận. Chủ tịch UBND quận Tân Bình lại kiến nghị vừa qua TP.HCM đã áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15+, nay nên áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 thêm một tuần.
Phát biểu kết luận, chủ tịch UBND TP.HCM nhận định các ca nhiễm cộng đồng thời gian qua vẫn chưa kiểm soát được hết.
Theo đó, khâu khó và đáng lo nhất hiện nay là phát hiện các ca nhiễm khi người dân đến khám bệnh tại các bệnh viện. Ngành y tế cần tiếp tục giám sát chặt và điều tra các trường hợp đến khám sàng lọc tại các bệnh viện để truy vết, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm.
Ông Phong cho rằng dù dịch bệnh chưa lây lan trong các khu công nghiệp nhưng cần đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các cơ sở lao động, đơn vị trên địa bàn.
Nâng cao năng lực xét nghiệm, huy động mọi lực lượng để nâng công suất xét nghiệm lên 100.000 mẫu đơn/ngày. Sẵn sàng phương án khi TP có 5.000 ca nhiễm. Phân công 7 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 với 2.000 giường, với 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở; triển khai thêm các bệnh viện dã chiến với 3.000 giường.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông cần có kế hoạch truyền thông, trao đổi thông tin với các địa phương, tránh tình trạng các địa phương áp dụng các biện pháp thái quá với TP.HCM vì không nắm hết tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.
Cũng theo ông Phong, TP đã thành lập tổ công tác mua và tiêm vắc xin COVID-19 gồm Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức và một số chuyên gia trong ngành y tế tham gia. Tổ này sẽ có nhiệm vụ đàm phán, tham mưu mua và tổ chức tiêm vắc xin như thế nào.
Bên cạnh chương trình vắc xin của các cơ quan trung ương, mục tiêu của TP.HCM là tiêm đầy đủ cho người dân TP, thậm chí hỗ trợ các địa phương khác.
Còn ca nhiễm, vẫn cần giãn cách
Một chuyên gia dịch tễ ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng việc tiếp tục giãn cách hay không thì trước khi hết giãn cách khoảng vài ngày, nếu không tìm thấy một ca nhiễm nào mới trong cộng đồng có thể không cần giãn cách thêm.
Tuy nhiên nếu số ca nhiễm vẫn còn như hiện nay, TP.HCM sẽ phải tính toán phương án tiếp tục giãn cách, tùy theo mức độ và khu vực để đảm bảo không bùng phát đợt dịch mới.
HƯƠNG THẢO
Thăm dò ý kiến
Ngày 14-6 là thời hạn cuối giãn cách tại TP.HCM, trong khi số ca mắc mới vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận