Sat lở bên kia sông nhưng những ngôi nhà bên này sông bị sóng đánh sập - Ảnh: TẤN VŨ
Dãy nhà ba cha con ông Ngô Văn Tiên, Ngô Văn Mẫn, Ngô Văn Thông ở sát nhau, cách bờ sông Trường hơn 100 mét, bên triền núi khá cao.
Không ai nghĩ ngọn đồi bên kia sông có thể và nếu có lở cũng chẳng thể nào ảnh hưởng đến bên này bởi dòng sông rộng đến cả trăm mét chưa kể các bãi bồi dài ra.
Bốn căn nhà nằm nơi triền núi, cách bờ sông hàng trăm mét nát vụn, gạch đá ngổn ngang. Căn nhà to nhất làng chỉ còn đống gạch, bàn, ghế, giường, tủ, xe máy nát vụn.
Căn nhà mới xây của bà Lê Thị Nga nằm sát mé sông Trường. Cơn sóng đánh bật tất cả, nhà chỉ còn cái nền với những mảng tường vỡ nát.
Đau lòng nhất là cụ ông Nguyễn Duy Tứ, 84 tuổi, đang ngồi trong nhà thì bị sóng cuốn đi mất. Mấy ngày nay gia đình bà Nga cùng dân làng chia nhau đi tìm nhưng vẫn chưa tìm nhưng mọi thứ vẫn vô vọng.
Nước sông dâng như "sóng thần"!
Trở lại Trà Giang 2 ngày sau lũ rút, tuyến đường từ trung tâm huyện Bắc Trà My vào Trà Giang còn ngập ngụa bùn đất đỏ quạch. Những người đàn bà bồng bế trẻ con thất thần đứng bên dòng sông sâu hoắm cuộn chảy.
Trời ngớt mưa, dọc bờ sông trường cây cối cuốn ngỗn ngang, từng tốp người chia nhau đi dọc bờ sông tìm kiếm. Những bụi tre trốc gốc dọc ven sông được những người dân chặt.
Trên bờ những người đàn ông dọn dẹp, thu lượm những gì còn sót lại sau trận "sóng thần" khiếp đảm.
Anh Ngô Văn Mẫn, ngồi thừ bên căn nhà đổ nát chẳng nói nên lời. Tài sản tích cóp một đời nay chỉ là đống gạch vụn. Những chiếc xe máy của gia đình cũng bị sóng đập bể nát nằm ngả nghiêng.
Chị Phạm Thị Thuận, vợ anh Mẫn, kể rằng: "Lúc đó trời mưa rất to. Bên kia sông có tiếng nổ đùng đùng như bom. Ngọn núi nứt ra, tràn xuống sông, nước dưới lòng sông chồm lên cao cả chục mét ập vào dãy nhà của chúng tôi".
Chị Thuận kể rằng khi đó đứng ngoài sân cùng đứa con gái nhỏ, con sóng bất ngờ trùm qua đầu, qua mái nhà, cuốn hai mẹ con ra sông. Chị thấy đứa con chới với trôi trong dòng nước xoáy.
"Tôi quyết bơi theo cứu nó, có chết hai mẹ con cùng chết. Ơn trời tôi tóm được mái tóc lôi vào bờ. Hai mẹ con chạy lên núi. Nhìn về căn nhà, con bé khóc: "Mẹ ơi! Nhà mình mất rồi", chị Thuận nói.
Sạt lở bên kia sông nhưng những căn nhà bên này sông bị sóng đánh nát - Ảnh: TẤN VŨ
Đất lở, nhà sập
Đi dọc Trà My những ngày sau lũ rút, đâu cũng thấy cảnh núi lở nhà sụp đổ. Ngay thị trấn Trà My, chính quyền phải giăng dây cảnh báo người qua lại khu vực nguy hiểm. Trong khi đó những căn nhà sát mé vực bị đất đá đè, bùn đất ập thẳng vào bếp, sập tường.
Đường dây điện 220kV ngã chỏng chơ trên sườn núi.
Trụ điện 220kV đoạn qua huyện Bắc Trà My, Quảng Nam bị gãy đổ - Ảnh: TẤN VŨ
Ông Trần Anh Tuấn, chủ tịch huyện Bắc Trà My, cho biết do địa hình của huyện quá nhiều đồi núi, dù chính quyền đã quy hoạch gom dân, phân 30 khu dân cư nhưng số dân còn ở ven rừng, sườn đồi quá lớn.
"Trước khi xảy ra vụ núi lở đè 9 người ở thôn Đàng Bộ thì chính quyền đã cưỡng chế di dời kịp thời 70 người dân trong 10 căn nhà ở Trà Bui. Và sau đó 10 nhà này bị núi lở đè sập hoàn toàn. Nếu không cương quyết, đó là thảm họa", ông Tuấn nói.
Công nhân khắc phục đường dây sạt lở do lũ lụt - Ảnh: TẤN VŨ
Trong khi đó tại huyện Nam Trà My, quốc lộ 40B bị chia cắt bởi hơn 20 điểm sạt lở nặng khiến mọi thứ ách tắc hoàn toàn. Ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch huyện này - cho biết: "Phải nhiều ngày nữa mới thông đường lên trung tâm huyện. Thông tin liên lạc chỉ mới khôi phục chiều 7-11".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận