25/09/2017 11:30 GMT+7

Sạt lở đe dọa tương lai Đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 3,9 triệu ha, có địa chất rất phức tạp, trầm tích bở rời có chiều dày khá lớn, tình hình xói lở rất phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Sạt lở đe dọa tương lai Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Thách thức lớn

Theo khảo sát của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), hiện Đồng bằng sông Cửu Long có gần 400 điểm sạt lở, 150 khu vực bồi lắng trong giai đoạn từ đầu và cuối mùa lũ với chiều dài trên 450 km.

Một vấn đề nghiêm trọng nhất là hiện nay, hiện tượng sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ mà còn xuất hiện cả ở mùa khô. Điều này vẫn đang diễn ra rộng khắp, từ các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch, với mức độ sạt lở ngày càng lớn và khốc liệt hơn.

Bên cạnh đó, hầu hết bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị xói lở với nhiều mức độ khác nhau. Những đoạn bờ biển có tốc độ xói lở mạnh (từ 30-100 m/năm) là Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang); Hiệp Thạnh, Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh); Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu)… Tại tỉnh Sóc Trăng, đoạn bờ biển từ ấp Biển Trên, thị trấn Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu đến khu vực giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu đang bị xâm thực mạnh.

Dải đất ven biển tỉnh Cà Mau có chiều dài 254 km. Từ năm 1973 đến nay, một số đoạn bờ biển bị xói lở nghiêm trọng, nhất là khu vực từ cửa sông Tràng Tràm đến xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, diện tích đất mất đi gần 4.890 ha. Khu vực cửa sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến rạch Tiểu Dừa (huyện U Minh), trung bình mỗi năm mất 22 ha đất…

Khu vực chạy dọc theo tuyến đê biển của vùng bán đảo Cà Mau cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều nơi đã mất rừng, có nơi cây rừng bị sóng đánh bật gốc nằm la liệt, bờ biển bị sạt lở vào sát tới gần chân đê khiến cho cư dân sống quanh khu vực này rất lo lắng.

Hiện tượng sạt lở ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu thường xảy ra nghiêm trọng hơn vào khoảng thời gian đầu và cuối mùa mưa lũ. Đối với một số khu vực được xem là điểm nóng, tình trạng này còn xuất hiện nhiều, với quy mô lớn từ vài trăm mét đến cả vài cây số như: Thị xã Tân Châu, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên của tỉnh An Giang; thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành của tỉnh Đồng Tháp; TP. Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long...

Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 51 đoạn sông cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài hơn 165 km. Trong đó, mức độ đặc biệt nguy hiểm đã được cảnh báo rõ ở những đoạn có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn gồm đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An - huyện Phú Tân; đoạn sông Hậu qua xã Châu Phong - thị xã Tân Châu, qua xã Bình Mỹ - huyện Châu Phú và khu vực sông chảy qua các phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình của thành phố Long Xuyên.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, thời gian qua nguyên nhân chủ yếu gây xói lở bờ sông, biển là do hiện tượng tự nhiên địa chất và sự bồi lắng xảy ra ở những đoạn sông cong, việc quản lý chưa tốt hành vi xâm chiếm bãi, lòng sông để xây công trình và nhà ở. Ngoài ra nạn khai thác cát trái phép và phương tiện đường thủy chở quá tải cũng là nguyên nhân chính dẫn đến làm gia tăng nguy cơ gây xói lở ở nhiều địa phương.

Theo Viện Kỹ thuật biển (Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam, Bộ NN&PTNT), việc khai thác cát quá mức sẽ tạo ra những hố sâu dưới lòng sông và sẽ phải cần một khoảng thời gian rất dài, những hố này mới được bồi đắp trở lại nhờ dòng chảy. Vì vậy, trong một thời gian ngắn, những hố sâu này sẽ lấy vật liệu ở bờ để tự bồi đắp, rồi lâu ngày, tại bờ sẽ xuất hiện hiện tượng hàm ếch. Nguy hiểm hơn, ở những chỗ khai thác cát sẽ bị sạt lở bờ rất nhanh.

Ngăn ngừa sạt lở bằng cách nào?

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng trong bảo vệ bờ biển, giải pháp công trình cứng như kè bê tông, đá đổ… đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên giải pháp này cần nguồn đầu tư lớn với chi phí thực tế từ 80-100 tỷ đồng/km. Do đó, các công trình này chỉ nên áp dụng ở những đoạn bờ biển xung yếu, sạt lở nghiêm trọng nhằm bảo vệ khu dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng. Còn về lâu dài cần áp dụng giải pháp "công trình mềm" là bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn và hệ sinh thái đa dạng ven biển.

Trước mắt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên tập trung đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn và hệ thống đê nhỏ ven biển vì ít tốn kém mà hiệu quả có thể không thua gì những công trình đê biển đồ sộ. Rừng ngập mặn ven biển có vai trò quan trọng và cần phải có 3 đai cây điển hình là đai cây tái sinh, đai cây tiêu tán sóng có tầng tán nằm trong biên độ triều và cây đai cao có tầng tán nằm chủ yếu trên mực nước triều cường.

Đai rừng ngập mặn ven biển có vai trò hết sức quan trọng trong việc cân bằng bùn cát. Tuy nhiên, rừng ngập mặn ven biển nước ta đã và đang tiếp tục bị suy thoái nghiêm trọng, do đó việc khôi phục rừng ngập mặn trong điều kiện xói lở bãi triều hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Giải pháp "tường mềm" giảm sóng, tạo bồi lắng để trồng cây ngập mặn là hướng giải quyết hợp lý.

Với các giải pháp chống sạt lở bờ sông, rạch thì nhiều chuyên gia, nhà khoa học có chung nhận định tình trạng sạt lở bờ sông, rạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra rất thường xuyên, trên phạm vi rộng nên không thể xây dựng công trình bảo vệ cho toàn bộ hệ thống được. Do đó, cần chú trọng đến các giải pháp phi công trình, ứng dụng thử nghiệm các loại vật liệu, công nghệ mới, chú trọng đến các giải pháp sử dụng vật liệu đơn giản, thân thiện với môi trường, giá thành rẻ. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy hoạch khai thác lợi ích tổng hợp lòng dẫn sông, kênh rạch như nuôi trồng thủy sản, khai thác cát, xây dựng cơ sở hạ tầng ven bờ…bảo đảm không gây tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, một đặc thù lâu nay của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long là vẫn hình thành các khu dân cư chạy dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch, kèm theo đó là các tuyến đường giao thông dân sinh. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lớn cũng bám theo sông Hậu, sông Tiền nhờ giao thông thuận lợi. Vì thế, khi xảy ra sạt lở sẽ bị thiệt hại hết sức nặng nề.

Trước tình hình này, các địa phương nên tiến hành khoanh vùng cụ thể các khu vực sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm để trên cơ sở đó, có thống kê và lập kế hoạch di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân nhằm sớm ổn định cuộc sống.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp