Sạt lở bờ sông Ngọn Rào chỉ còn cách đường Hồ Chí Minh khoảng 15 mét - Ảnh: Quốc Nam |
Khu vực sạt lở nghiêm trọng kéo dài gần một cây số dọc bờ phía nam sông Ngọn Rào qua thôn 4 Phúc Đồng. Đây là con sông chảy từ hướng xã Xuân Trạch về Phúc Trạch.
Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở nghiêm trọng chỉ mới xảy ra khoảng 4-5 năm gần đây. Đoạn sông chảy qua địa bàn này ngoằn ngoèo nên cứ nước lũ về là gây sạt lở. Hiện vườn nhà của hàng chục hộ dân dọc khu vực này chỉ còn cách mép sông một vài chục mét. Vài nhà đã phải di dời vì sạt lở.
Tình trạng sạt lở sông Ngọn Rào còn đe dọa nghiêm trọng trạm y tế xã Phúc Trạch và tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua đây.
Trạm y tế này được xây kiên cố 2 tầng khoảng hơn 15 năm trước. Hiện tại, mép sông đã lấn vào bờ chỉ còn cách trạm hơn 20 mét. Khu nhà vệ sinh của trạm chỉ còn cách gần chục mét nữa là tới mép sông. Bờ sông đoạn này bị lở nham nhở. Đứng trên bờ nhìn xuống có thể thấy những đường nứt toác chạy dài hơn mười mét từ trên bờ theo đường thẳng đứng xuống sông.
Ông Nguyễn Lương Ngọc, trạm trưởng trạm y tế xã Phúc Trạch cho hay, đoạn sông chảy qua trạm y tế cũng nằm đúng đoạn eo của sông, nên tốc độ tàn phá của nước sông khi lũ về nhanh chóng mặt. Cứ mỗi mùa lũ đi qua là sông lấn vào thêm vài mét đất. Nhiều hôm đang cấp cứu bệnh nhân trong trạm còn nghe đất ngoài mép sông đổ ập xuống nước.
Chỉ sau vài năm, mép sông đã ăn sâu vào đất liền vài chục mét tại khu vực sau lưng trạm y tế xã Phúc Trạch - Ảnh: Quốc Nam |
Riêng tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn bờ sông chạy dọc theo đường này bị sạt lở dài gần 100 mét. Hiện mép sông chỉ còn cách mép đường khoảng 15 mét. Theo những người dân địa phương, tốc độ sạt lở của đoạn sông này cũng nhanh không kém những điểm khác. Nếu không có giải pháp hiệu quả thì chỉ vài năm nữa là sông sẽ sạt đến sát mép đường.
Ông Nguyễn Văn Lương, bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch khẳng định nguy cơ sạt lở đối với đường Hồ Chí Minh và trạm y tế xã là có thật.
Theo ông Lương, sau đợt lũ gây sạt lở dữ dội năm 2013, xã đã báo cáo lên cấp trên tìm giải pháp ngăn chặn. Đến năm 2014 có một đoàn cán bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra tình hình sạt lở tại khu vực sát đường Hồ Chí Minh và trạm y tế xã nhưng sau đó chưa thấy có giải pháp gì cho vùng này.
Theo ông Lương, nguyên nhân chính là do tình trạng phá rừng từ phía thượng nguồn. Từ năm 2012 trở về trước cũng nhiều năm lũ về rất lớn nhưng tình trạng sạt lở rất ít.
Chỉ từ sau đợt lũ năm 2013 đến nay tốc độ sạt lở mới trở nên khủng khiếp. Đó cũng là giai đoạn rừng đầu nguồn phía Xuân Trạch bị tàn phá dữ dội nhất.
Ông Nguyễn Quang Tiến, chủ tịch UBND xã Phúc Trạch nói hiện xã không có giải pháp nào khác khả dĩ để hạn chế sạt lở, vì việc này nằm ngoài khả năng của xã.
“Với tình hình hiện tại, chỉ biết chờ tỉnh và trung ương vào cuộc mới mong giải quyết được tận gốc hiện trạng này”, ông Tiến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận