Phóng to |
Sông Vu Gia lấn vào thôn Phước Yên làm hàng trăm người dân khốn đốn - Ảnh: Tấn Vũ |
Nhiều ngày nay, người dân thôn Phước Yên thay nhau ra canh chừng đất lở bên dòng Vu Gia. Những mảng đất to thi thoảng rơi đùng xuống vực sông sâu hay một vết nứt dài vào sát mé làng đều được dân cấp báo cho chính quyền. Dân trong làng không còn nhận ra dòng sông, cánh đồng nơi mình canh tác hàng chục năm qua. Sông giờ đây là một dòng nước hung hãn, đục ngầu, chảy cuồn cuộn. Những bờ tre gai là rào chắn giữ đất, ngăn nước sông ở cuối làng đã bị nước cuốn phăng ra giữa dòng và nhấn chìm trong tích tắc. Đất đai, ruộng vườn, hoa màu, nhà cửa... lần lượt bị cuốn trôi trước sự bất lực của người dân. Những bãi dâu, cánh đồng trồng bí đao, mướp đắng, đu đủ giờ đây chỉ là một bãi rác hỗn độn, ngả nghiêng trong dòng nước.
Theo ông Huỳnh Thiên, việc đất làng bị sạt lở là hậu quả của việc chỉnh trị dòng Vu Gia lấy nước đổ về TP Đà Nẵng. Ông lý giải: “Từ mùa mưa năm 2009, khi có bờ kè chỉnh trị sông Vu Gia thì ngôi làng bắt đầu xói lở. Năm nay, Nhà nước cho kè 1,3km nhưng đơn vị thi công mới kè được 700m thì dòng chảy bị uốn nén xộc vào làng gây ra sạt lở...”. |
Ông Huỳnh Thiên, trưởng thôn Phước Yên, bày tỏ: “Nguy lắm rồi. Chỉ có một đêm mà dòng sông ngoạm vào đất làng gần 100m, chiều dài gần 2km. Nếu không có phương án, ngôi làng này có nguy cơ bị xóa sổ!”. Theo ông Thiên, toàn thôn có 40 nhà dân bị đe dọa, hàng trăm hộ dân khác đang lâm vào cảnh khốn đốn vì cánh đồng Bàu Tròn rộng hơn 20ha trước mặt bị sạt lở hoàn toàn. Thửa ruộng nào chưa bồi lắng thì bị cát vùi sâu hàng mét không thể cải tạo, canh tác.
Lo lắng trước tình hình sạt lở và nguy cấp của người dân, chính quyền huyện Đại Lộc đã làm đơn gửi UBND tỉnh kêu cứu. Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Phan Đức Tính cho biết huyện chỉ có thể di dời dân trong trường hợp lũ lớn, nguy cấp, gắn biển báo nguy hiểm nơi sạt lở..., còn chi phí cho một phương án xây dựng kè thì phải chờ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho hay chính quyền tỉnh cũng chỉ trông chờ vào trung ương vì chi phí đầu tư cho hạng mục kè sông này là quá lớn. “Trong khi chờ dự án từ trung ương phê duyệt, trước mắt tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai các phương án bảo vệ dân” - ông Thu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận