23/12/2014 10:01 GMT+7

Sập hầm thủy điện: Thi công công trình trên nền đất yếu

MAI VINH - LÂM HOÀI
MAI VINH - LÂM HOÀI

TT - Chiều 22-12, ông Võ Nhật Thăng, chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần thủy điện Long Hội, đã có mặt tại cuộc họp rút kinh nghiệm trong công tác cứu hộ các nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Ðạ Dâng.

Ông Võ Nhật Thăng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện Long Hội, chủ đầu tư công trình thủy điện Đạ Dâng - Ảnh: M.Vinh

Tại đây, ông Thăng thừa nhận đường hầm xây dựng trên nền đất yếu, nhiều cát. Bên lề cuộc họp, khi các nhà báo chất vấn về việc biết nền đất yếu tại sao vẫn thi công thì ông Thăng lảng tránh.

Tại cuộc họp, ông Thăng cho biết đơn vị thi công đầu tiên là Tổng công ty xây dựng Lũng Lô. Sau một thời gian thì chuyển Công ty cổ phần thủy điện Long Hội (Công ty Long Hội), công ty này mời đơn vị thi công mới là Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm (Vinavico).

“Khi đơn vị thi công vấp phải đất lún, đất nhiều cát, nước ngầm rỉ mạnh, cuốn theo cát chảy từ trong lòng đất vào đường hầm, chúng tôi quyết định dừng lại vì Vinavico không xử lý được tình huống phức tạp” - ông Thăng nói.

Ông cho biết đoạn đường hầm xảy ra tai nạn không phải do Công ty Sông Ðà 505 thi công. Ông nói: “Ðơn vị này mới tiếp quản công trình, đang dọn vệ sinh và gia cố giàn chống sập thì xảy ra vụ tai nạn”.

Sau khi Vinavico không tiếp tục thi công thì đường hầm bị bỏ không khoảng 10 tháng. Về nguyên nhân sập hầm, ông lý giải: “Bắt đầu thi công thì phải đưa xe cộ máy móc vào gây rung chấn. Trước đó trời lại mưa cả tháng nên cát theo nước thấm xuống những tấm chắn vốn đã bị mục”.

Khi kết thúc buổi họp, ông Thăng từ chối trả lời báo chí, chỉ nói: “Ngày mai sẽ tổ chức họp báo tại Hà Nội”. Khi các phóng viên yêu cầu ông cho biết thời gian và địa điểm cụ thể thì ông Thăng không nói thêm điều gì.

Trong một diễn biến khác, chiều qua, ông Lê Quang Hùng - thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết quá trình thi công công trình thủy điện Ðạ Dâng kéo dài hơn 10 năm (từ năm 2003 đến nay), muốn xác định trách nhiệm của các bên liên quan thì phải căn cứ vào quy mô công trình và thời điểm áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Cụ thể, trước năm 2013 sẽ áp dụng theo nghị định 209: các cơ quan quản lý nhà nước, kể cả ngành xây dựng lẫn ngành công thương, không kiểm soát về thẩm tra thiết kế hay công tác nghiệm thu trực tiếp công trình, chủ yếu kiểm soát việc thực thi văn bản quy phạm pháp luật.

Còn sau năm 2013 thì áp dụng theo nghị định 15, phân công rõ về quản lý nhà nước với công trình thủy điện. Cụ thể, Bộ Xây dựng thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát việc tuân thủ pháp luật. Còn từng công trình thủy điện thì tùy theo quy mô, Bộ Công thương hoặc Sở Công thương sẽ kiểm tra thiết kế và công tác nghiệm thu công trình.

“Từ đây, riêng đối với thủy điện Ðạ Dâng phải xác định được lỗi xảy ra ở thời điểm nào, ở khâu nào, lúc đó sẽ vận dụng các quy định của pháp luật để xử lý. Về trách nhiệm kiểm soát, quản lý chất lượng công trình thủy điện Ðạ Dâng, căn cứ vào quy mô thì thuộc về Sở Công thương địa phương. Còn về sự cố thì trong mọi trường hợp, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính” - ông Hùng nói.

Ðánh giá về nguyên dân dẫn tới sự cố sập hầm, ông Hùng cho rằng qua kiểm tra thực địa với hàng nghìn mét khối đất đá bị sập xuống, chắc chắn kết cấu hầm có vấn đề.

“Trước mắt chưa thể nói xuất phát từ đâu, nhưng về nguyên tắc có thể do điều kiện địa chất phức tạp, khảo sát địa chất chưa chặt chẽ, thiết kế chưa đúng quy chuẩn hoặc thi công có vấn đề, việc giám sát thi công chưa chặt chẽ...” - ông Hùng phân tích.

Ông Hùng cho biết hiện cơ quan chức năng đã đình chỉ thi công công trình, phong tỏa hiện trường, phong tỏa hồ sơ chất lượng công trình, đồng thời tổ chức giám định sự cố. Trong ngày 21-12, Bộ Xây dựng cũng có báo cáo Chính phủ về sự việc, kiến nghị Thủ tướng cho lập tổ giám định do Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan khác.

Nhiều lần thay đổi nhà thầu thi công

Theo báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Xây dựng, dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo gồm hai công trình là công trình Nhà máy thủy điện Đạ Dâng (thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) có công suất 14MW và Nhà máy thủy điện Đạ Chomo (thuộc xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) có công suất 9MW. Đây là công trình xây dựng thuộc cấp III, thực hiện theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý, được khởi công vào tháng 12-2003.

Các chủ thể có liên quan đến dự án này bao gồm: chủ đầu tư công trình ban đầu là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, đến năm 2007 chuyển đổi chủ đầu tư sang Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội;

nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật là Viện Thiết kế thủy lợi và điện lực Nam Ninh (Trung Quốc) và nhà thầu tư vấn thiết kế hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và tư vấn thủy lợi điện lực; nhà thầu tư vấn giám sát thi công là Công ty cổ phần tư vấn Nhật Thăng - VNT6;

nhà thầu thi công hạng mục hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng thì ban đầu do Công ty cổ phần xây dựng Lũng Lô 2, sau đó chuyển sang Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm thực hiện đào và gia cố đoạn 600m đầu hầm, nay chuyển Công ty cổ phần Sông Đà 505 thi công vỏ bọc bêtông (đoạn còn lại do Công ty cổ phần Sông Đà 10 thi công).

 

MAI VINH - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp