
Kỹ thuật viên Tuấn Anh thực hiện chụp X-quang khám sàng lọc bệnh lao trên xe lưu động với sự hỗ trợ của AI - Ảnh minh họa: HÀ QUÂN
Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, trong đó yêu cầu đảm bảo hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện trên toàn quốc, chậm nhất trong tháng 9-2025.
Đẩy nhanh hoàn thành bệnh án điện tử
Hiện nay mới chỉ có 153/1.500 cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước công bố triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử. Đến ngày 30-9 tới, các bệnh viện trên toàn quốc phải hoàn thành nhiệm vụ này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng hàng đầu. Vì vậy các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện, ưu tiên nguồn lực, huy động các nguồn lực để triển khai, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ tại tất cả các bệnh viện.
Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử phải đảm bảo thực chất, đem lại hiệu quả cụ thể, nâng cao năng suất, chất lượng khám chữa bệnh, phòng bệnh, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân và cơ sở y tế.
Để đảm bảo tiến độ đề ra, Bộ Y tế yêu cầu Cục Khoa học công nghệ và đào tạo chủ trì việc sửa đổi, cập nhật thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn thiện bộ danh mục thuật ngữ lâm sàng, bộ danh mục chỉ số cận lâm sàng để áp dụng trong hồ sơ bệnh án điện tử.
Bộ cũng giao Cục Quản lý y, dược cổ truyền chủ trì hoàn thiện bộ danh mục về chuyên môn, thuật ngữ lâm sàng lĩnh vực y, dược cổ truyền để áp dụng trong hồ sơ bệnh án điện tử.
Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh y tế trên hệ thống RIS-PACS.
Tất cả những nhiệm vụ này yêu cầu hoàn thành trong tháng 4.
Riêng về nguồn lực tài chính, Bộ Y tế cho biết sẽ kết cấu chi phí ứng dụng công nghệ thông tin trong giá dịch vụ khám chữa bệnh. Nhiệm vụ này Bộ Y tế giao Vụ Kế hoạch - Tài chính và yêu cầu hoàn thành trong tháng 6-2025.
Hướng đến tính đúng, tính đủ giá viện phí
Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, từ năm 2024, chi phí trong giá thành toàn bộ của dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm 4 cấu phần: nhân công; chi phí trực tiếp; chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định và chi phí quản lý.
Hầu hết các bệnh viện mới được tính chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, hai phần còn lại chưa được tính.
Theo đó, chi phí công nghệ thông tin được xếp vào nhóm chi phí quản lý.
Việc đưa chi phí ứng dụng công nghệ thông tin vào giá dịch vụ khám chữa bệnh được kỳ vọng sẽ giúp các bệnh viện có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Người tham gia bảo hiểm y tế cũng sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán các chi phí, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao cơ sở hạ tầng và quản lý bệnh viện như hiện nay. Viện phí tính đúng tính đủ sẽ từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Trường Nam, phó giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), cho biết trung bình mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần đầu tư hơn 10 tỉ đồng để triển khai bệnh án điện tử. Với những bệnh viện quy mô lớn như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức… ở Hà Nội, số tiền đầu tư lớn hơn rất nhiều.
Do hiện nay chi phí này chưa được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh nên nhiều bệnh viện còn chưa có nguồn lực để chuyển đổi số mạnh mẽ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận