Cuộc khám nghiệm do PC15 chủ trì có sự tham gia của Phòng Kỹ thuật hình sự (PC21), Công an quận Hoàng Mai, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty cầu 7 Thăng Long và đại diện nhà thầu chính - liên danh Tổng công ty xây dựng cầu Thăng Long và Sumitomo (Nhật Bản).
Tại hiện trường, bốn thanh dầm bêtông dự ứng lực hình chữ I (mỗi thanh dài 33m) thuộc làn bên trái đường hướng Pháp Vân - Linh Đàm bị đổ gãy đã được bóc bỏ bạt che phủ để lộ ra ba vết gãy trên mỗi thanh dầm. Theo một cán bộ điều tra, các thanh dầm này được thiết kế có kết cấu chịu lực theo phương thẳng đứng (hình chữ I), nếu bị xô lệch, nằm ngang thì đã có khả năng tự gãy chứ không rơi xuống đất.
Phóng to |
Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường - Ảnh: ANH QUANG |
"Nguyên nhân gần như chắc chắn nhất do lỗi thi công của nhà thầu đã không đảm bảo các quy định an toàn trong tổ chức thi công, việc giằng chống một số thanh dầm sau khi được gác trên trụ cầu không được đảm bảo tốt. Vì vậy khi một trong các thanh dầm bị đổ đã làm các thanh còn lại dịch chuyển và đổ gãy theo hiệu ứng domino". |
Nếu có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án.
Đến chiều 19-4, việc khám nghiệm hiện trường vẫn được tiến hành. Sau khi khám nghiệm bề mặt phía trên, các thanh dầm sẽ được cẩu đi nơi khác để tiếp tục khám nghiệm phần dưới đất, và từ đó có thể xác định điểm rơi đầu tiên của các thanh dầm. Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, trưởng phòng PC21 Công an Hà Nội, tham gia khám nghiệm cho biết sẽ lấy mẫu giám định chất lượng để phục vụ công tác điều tra.
Có mặt tại hiện trường ông Nguyễn Đức Ý - giám đốc Công ty cầu 7 Thăng Long (đơn vị trực tiếp thi công tại nhịp 73 -74, nơi xảy ra sự cố) - nhận định về chủ quan nguyên nhân có thể do thanh giằng giữa các dầm sau năm tháng tồn tại đã bị han gỉ. Vì vậy khả năng giằng kéo bị yếu đi; hoặc có thể mối hàn giữa các thanh giằng đã được làm không kỹ.
“Cột chống thanh dầm trong phương án thi công là có và ở các vị trí khác cũng có. Còn tại vị trí này khi xảy ra sự cố tôi đang ở xa hiện trường, về tới nơi thì hiện trường được phong tỏa nên không rõ” - ông Ý trả lời khi được hỏi về việc công an chưa tìm thấy cột chống thanh dầm tại các phiến dầm đã sập.
Phóng to |
Nhiều đoạn thép chịu lực của các thanh dầm bị đứt tại các vị trí đứt gãy của các thanh dầm - Ảnh: ANH QUANG |
Cũng chiều nay, trả lời các câu hỏi của báo chí về việc sập đổ bốn thanh dầm, ông Phạm Thanh Bình - phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long (PMU Thăng Long - thay mặt Bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư dự án cầu cạn Pháp Vân kéo dài) - cho biết: Sau khi kiểm tra, nguyên nhân gần như chắc chắn nhất do lỗi thi công của nhà thầu đã không đảm bảo các quy định an toàn trong tổ chức thi công, việc giằng chống một số thanh dầm sau khi được gác trên trụ cầu không được đảm bảo tốt. Vì vậy khi một trong các thanh dầm bị đổ đã làm các thanh còn lại dịch chuyển và đổ gãy theo hiệu ứng domino.
Trách nhiệm chính trong sự cố này thuộc về nhà thầu và sau khi làm rõ, PMU Thăng Long cũng sẽ chịu trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết không dưới 10 lần PMU Thăng Long đã nhắc nhở bằng miệng cũng như văn bản đối với Tổng công ty Xây dựng Thăng Long về việc đảm bảo biện pháp an toàn khi thi công nhưng nhà thầu đã không thực hiện nghiêm túc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận