Hiện trường vụ gãy sập nhà bè hải sản Vĩnh Tiến - Ảnh: MINH TRÂN |
Nhiều nhà bè trên vịnh Vĩnh Hy đều không có giấy phép vận tải thủy nội địa, không đăng ký, đăng kiểm theo thông tư 43 của Bộ GTVT theo kiểm tra của đoàn liên ngành thanh tra Sở GTVT, Công an tỉnh và Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận.
Ông Hồ Sỹ Sơn, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Thuận cho biết sẽ chủ động phối hợp cùng Sở GTVT, các đơn vị chức năng và địa phương để bàn bạc kỹ và tham mưu cho UBND tỉnh để đề ra quy định, tiêu chí duy trì hoạt động ở Vĩnh Hy, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và lấy lại hình ảnh cho du lịch Vĩnh Hy.
Phải có tiêu chuẩn đảm bảo an toàn riêng
Theo một giảng viên ngành xây dựng, về kết cấu, phần nổi của nhà bè cũng tương tự như các công trình dân dụng khác, nhưng khác một điểm là nhà bè được đặt nổi trên mặt nước, có phần chìm dưới nước là các phao nhựa.
Chính phần chìm này mới là yếu tố quyết định độ an toàn của toàn bộ công trình.
Do vậy, khi chuyển đổi công năng từ nhà bè bình thường sang nhà hàng nổi phục vụ cho hàng trăm du khách thì cần có một tiêu chuẩn kỹ thuật riêng.
“Vì đây là một công trình đặc biệt nên không thể áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật dành cho các công trình bình thường” - giảng viên này cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhà bè hay bất kỳ công trình xây dựng nào, dù có di chuyển trên mặt nước hay không, có gắn động cơ hay không, cũng đều cần các điều kiện đảm bảo an toàn cho con người.
“Rất nhiều vấn đề phải được quy định rõ ràng, cụ thể như tải trọng tối đa, phương tiện đảm bảo an toàn, hệ thống phao, điều kiện thời tiết thế nào thì được phép hoạt động, khi có gió bão thì phải chống thế nào, neo ra sao,…
Ngoài ra, nếu nhà bè bình thường muốn biến thể, chuyển công năng thành nơi kinh doanh hoạt động nhà hàng, du lịch thì cũng phải có tiêu chuẩn riêng và phải tuân theo tiêu chuẩn đó mới được hoạt động” - PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp nói.
Những bè hải sản trên vịnh Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận - Ảnh: Tiến Thành |
Nên có quy định riêng
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, khi chưa có quy định, tiêu chí cụ thể mà đã cho phép đưa vào sử dụng những nhà hàng nổi dạng bè này, đến khi có tai nạn thì mới bắt đầu nghiên cứu tiêu chuẩn thì liệu rằng có kịp?
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, phải có quy định cho tất cả các địa phương về vấn đề này, vì không chỉ có làng bè Vĩnh Hy, mà làng bè ở rất nhiều nơi khác cũng đang làm du lịch. Do vậy cần có tiêu chuẩn chung để tiện cho việc quản lý và kiểm định chất lượng.
Không những đề ra tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật mà còn phải đề ra cơ quan quản lý, trình tự cấp phép, cách thức và thời gian kiểm định,…
Theo tiến sĩ luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, trước thực trạng pháp luật quy định chưa rõ về những công trình nổi như hiện nay thì việc quy trách nhiệm cần phải xác định được các nội dung cơ bản là nhà hàng nổi có phải xin giấy phép xây dựng hay không và nhà hàng nổi có phải đăng ký, đăng kiểm hay không.
“Nếu là phương tiện phải đăng kiểm thì trách nhiệm thuộc về Cục đăng kiểm, nếu không phải đăng kiểm thì trách nhiệm thuộc về cơ quản quản lý UBND cấp tỉnh”, TS.LS Thế Trạch nói.
Theo ông Trạch, để thống nhất các nội dung trong công tác quản lý, cần có quy định cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm quản lý loại công trình này thuộc sự quản lý của cơ quan nào.
Thông tư 43 liệu có điều chỉnh nhà hàng nổi dạng bè? Tại mục 1.4.13 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa hành kèm theo Thông tư 61/2013 của Bộ GTVT quy định các loại phương tiện thủy nội địa (gọi chung là tàu), trong đó có nhà hàng nổi. Theo định nghĩa, nhà hàng nổi là phương tiện thủy nội địa chở khách, có đăng ký kinh doanh nhà hàng nổi phục vụ ăn uống trên phương tiện mà không bố trí các buồng ngủ lưu trú trên phương tiện. Thông tư 43 của Bộ Giao thông vận tải (năm 2012) quy định về các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi. Thông tư này quy định về các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trên đường thủy nội địa. Ví dụ như các yêu cầu về vật liệu, kết cấu và trang thiết bị, trang bị an toàn, bảo vệ môi trường,… Tuy nhiên, trong phần phạm vi điều chỉnh, Thông tư này cũng ghi rõ “không điều chỉnh nhà hàng nổi có kết cấu phần chìm dưới nước dạng bè được liên kết bằng các biện pháp thủ công”. Theo ông Trần Văn Nam, chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải thì các nhà bè đều do bà con tự thiết kế và hoạt động du lịch tự phát. Như vậy, nhà hàng nổi dạng bè liệu có nằm trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư 43? Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định 28, quy định về việc quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Quy định này có ghi rõ những yêu cầu về kích thước cơ bản, sức chở, trang thiết bị, điều kiện an toàn của các phương tiện nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống có phần chìm dưới nước là các phao nhựa được liên kết với nhau và liên kết với khung sườn bằng các biện pháp thủ công. Quy định này không áp dụng đối với các nhà hàng nổi được quy định theo Thông tư 43. Đây là một trong những quy định về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật về phương tiện nhà hàng bè nổi hiện nay. Tuy nhiên, quy định này chỉ có phạm vi điều chỉnh trong địa phận tỉnh Quảng Bình. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp:
>> Ông Hồ Sỹ Sơn:
>> Ông Trần Văn Nam:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận