31/07/2020 09:47 GMT+7

Sập bẫy dự án 'ma' - Kỳ 1: Không có một tấc đất vẫn 'đẻ' ra dự án để lừa

TUYẾT MAI - SƠN ĐỊNH
TUYẾT MAI - SƠN ĐỊNH

TTO - Ở các khu vực đang được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng hoặc xây dựng các khu công nghiệp, đất đai ngày càng tăng giá. Cùng với đó, các chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.

Sập bẫy dự án ma - Kỳ 1: Không có một tấc đất vẫn đẻ ra dự án để lừa - Ảnh 1.

Khu đất dự án “ma” của Công ty Rồng Đất - Ảnh: TUYẾT MAI

Nhiều người dân cả tin, thiếu hiểu biết đã sập bẫy những dự án "ma", "tiền mất tật mang".

Trong các vụ lừa đảo đất đai, vụ ông Nguyễn Đình Chính (32 tuổi, giám đốc Công ty TNHH bất động sản và xây dựng Rồng Đất) lập ra dự án "ma" phân lô, bán nền đất nông nghiệp lấy hàng chục tỉ của người dân là một trong những vụ lùm xùm đang diễn ra ở Đồng Nai.

Ông Chính cũng vừa bị Cơ quan điều tra Công an Đồng Nai bắt giam vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì sao ông Chính không có đất nhưng vẫn "dụ" được khách hàng bỏ tiền tỉ?

"Vẽ" dự án trên giấy

Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, khoảng tháng 4-2018, ông Nguyễn Đình Chính đặt cọc 1 tỉ đồng để mua mảnh đất hơn 22.000m2 gồm các thửa số 326, 215, 214, 195, 193, 192, 191 thuộc tờ bản đồ số 1 và 2, loại đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất) tại xã Tam Phước, TP Biên Hòa (Đồng Nai) của bà Phạm Thị Bích Liên.

Sau khi đặt cọc cho chủ đất, ông Chính bắt đầu lập bản vẽ, phân lô và bán nền trên mảnh đất này. Ngày 8-5-2018, ông Chính thành lập Công ty TNHH đầu tư bất động sản và xây dựng Rồng Đất (trụ sở ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai) để mở bán đất nền và nhận đặt cọc của nhiều khách hàng. Một tháng sau (tức ngày 8-6-2018), ông Chính ký hợp đồng đặt cọc 30 tỉ cho bà Liên để bảo đảm việc mua mảnh đất nêu trên với giá 65 tỉ đồng, thời hạn đặt cọc là hơn một tháng. Trong thời gian 10 ngày sau đó, ông Chính và bà Liên hủy hợp đồng đặt cọc đã ký, bà Liên chuyển nhượng toàn bộ mảnh đất này cho ông Cao Thái Nguyên (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) với giá 1,7 tỉ đồng. Ngay sau đó, ông Nguyên ủy quyền cho ông Chính làm thủ tục xin đo vẽ, hợp - tách các thửa đất trên.

Tuy không có quyền sử dụng đất nhưng đến tháng 7-2018, Công ty Rồng Đất vẫn quảng cáo rầm rộ, mở bán đất nền và mời nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn để khách hàng tin tưởng. Bên cạnh đó, ông Chính tiếp tục thu tiền đặt cọc của hàng chục khách hàng và đưa ra nhiều hứa hẹn hấp dẫn như Công ty Rồng Đất cam kết hoàn thiện, san lấp mặt bằng và giao nền cho khách, sau đó hai bên sẽ ra văn phòng công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng thời cam kết hỗ trợ khách hàng làm thủ tục tách thửa ra sổ thổ cư.

Sau đó, ông Chính dẫn nhiều người dân đến Văn phòng công chứng Hố Nai để ký hợp đồng chuyển nhượng. Hợp đồng có chữ ký của ông Chính, khách hàng và công chứng viên trên từng trang. Tuy nhiên, lấy lý do cần bổ sung trích lục bản vẽ của Sở Địa chính nên hợp đồng chưa được văn phòng công chứng đóng dấu. Nhiều người dân đã chuyển tiền thanh toán hợp đồng chuyển nhượng nhưng không nhận được đất, đòi lại tiền nhưng Chính không trả. Đến nay, Công ty Rồng Đất đã tạm ngừng hoạt động.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Minh Đức - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai - cho biết đối với loại đất nông nghiệp chỉ được thực hiện dự án khu dân cư khi phù hợp với quy hoạch, được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và được giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 và điều kiện để được giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư quy định tại điều 58 Luật đất đai năm 2013.

Ông Đức nhấn mạnh đến nay sở chưa tiếp nhận hồ sơ đất đai liên quan đến Công ty Rồng Đất tại P.Tam Phước, TP Biên Hòa.

Lẫn lộn hình sự với dân sự

Hàng chục người dân bị mất tiền vào dự án bất động sản "ma" trên đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Chính. Sau khi tiếp nhận tin báo, ngày 9-11-2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản đến Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai đề nghị tạm ngưng việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên quan đến các thửa đất này.

Hơn nửa năm sau, cơ quan điều tra ra thông báo: "Tuy chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền nhưng ông Chính đã tự vẽ các thửa đất và phân lô để chuyển nhượng cho 48 người, thu số tiền hơn 12 tỉ. Việc ông Chính tự ý lập dự án khu dân cư để phân lô bán nền khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa lập các thủ tục và chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép, sau đó gian dối trong việc đưa ra thông tin tổ chức sự kiện quảng cáo, đồng thời cam kết không đúng để bán cho nhiều khách hàng, đến nay không còn khả năng thanh toán và các thủ tục pháp lý cũng không thực hiện là có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tuy nhiên, bất ngờ ngày 25-4-2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai đề nghị giải tỏa việc tạm ngưng giao dịch chuyển quyền sử dụng đất. Sau đó, ông Cao Thái Nguyên đã chuyển nhượng mảnh đất này cho người khác. Đến đầu năm 2020, cơ quan điều tra có văn bản cho rằng không có căn cứ để khởi tố vụ án và hướng dẫn các hộ dân khởi kiện tại tòa.

Về vấn đề này, đại diện Phòng cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đồng Nai) cho biết ban đầu khi vừa tiếp nhận đơn tố cáo, cơ quan điều tra đã xác định vụ việc có dấu hiệu của tội lừa đảo. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Đồng Nai không đồng ý quan điểm này, do đó cơ quan điều tra đã hướng dẫn người dân khởi kiện dân sự. Song sau đó các cơ quan tố tụng đã xác định lại, thống nhất khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đình Chính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hàng loạt đối tượng lừa đảo đất đai sa lưới

Việc khởi tố, điều tra chiêu thức lừa đảo "núp bóng" kinh doanh đất đai tại Công ty Alibaba là phát súng mở đầu cho hàng loạt dự án "ma" ở khắp các tỉnh thành khác bị phanh phui, xử lý. Với thủ đoạn thu gom diện tích rất lớn đất nông nghiệp, "vẽ" dự án, quảng cáo là đất nền dự án, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng với hơn 6.000 khách hàng, thu hàng ngàn tỉ đồng.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt tạm giam ông Trịnh Minh Châu - nguyên phó phòng kiểm sát, khiếu tố của Viện KSND tỉnh Đồng Nai - để điều tra về hành vi lừa đảo. Cũng với thủ đoạn như trên, ông Châu rao bán đất dự án, kêu gọi nhiều người góp vốn để làm ăn. Tin ông Châu, nhiều người đã đưa tiền để "đặt cọc" hoặc góp vốn. Tuy nhiên, khi người mua hỏi thì ông Châu không cung cấp được tính pháp lý, vị trí của các thửa đất mà ông Châu đã lấy tiền.

Vì sao dự án "ma" vẫn diễn ra?

ông vũ viết hiện 405349_n 1(read-only)

Ông Vũ Văn Hiện - một người “sập bẫy” dự án “ma” đã đi khiếu nại, tố cáo suốt nhiều năm liền - Ảnh: TUYẾT MAI

Vấn đề đặt ra là vì sao việc phân lô, bán nền suốt một thời gian dài, tổ chức sự kiện, quảng cáo rầm rộ nhưng cơ quan chức năng không can thiệp, xử lý?

Ông Huỳnh Tấn Lộc - phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa - cho biết: "Trách nhiệm chính để xảy ra việc này là do chính quyền cơ sở, nên vừa qua thành phố đã xử lý một số cán bộ hoặc luân chuyển vị trí công tác khác". Theo ông Lộc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như về vị trí địa lý TP Biên Hòa là đô thị loại I, là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh Đồng Nai, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư, nhiều tuyến đường được mở rộng, là đô thị giáp ranh với các dự án lớn như sân bay Long Thành, TP.HCM.

Bên cạnh đó, dân số tăng để đáp ứng cho nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn nên nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn. Từ đó dẫn đến việc các đối tượng cố tình lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm để san lấp, cải tạo mặt bằng, chuyển mục đích trái quy định và cố tình tránh né, không đến làm việc khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, kiểm tra, gây khó khăn cho công tác ngăn chặn, kéo dài thời gian xử lý.

Bên cạnh đó, người dân dù chưa tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án nhưng do ham rẻ, tâm lý chủ quan đã không liên hệ chính quyền địa phương để tìm hiểu mà không ngần ngại đổ tiền vào đầu tư dẫn đến tình trạng "tiền mất, tật mang", phát sinh khiếu kiện, tranh chấp.

Song song với những biện pháp phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng thực hiện, để tránh việc "tiền mất , tật mang" và ngăn chặn tình trạng dự án "ma", UBND TP Biên Hòa đề nghị người dân nên liên hệ các cơ quan chức năng và UBND cấp xã nơi có đất để được thông tin chính thức về dự án, tình trạng pháp lý khu đất trước khi giao dịch.

T.M. - H.M.

Hàng trăm người mua đất Hàng trăm người mua đất 'dự án ma' kêu cứu trước trụ sở công an Long An

TTO - Hàng trăm nhà đầu tư mua đất nền "dự án ma" lại tập trung trước trụ sở Công an tỉnh Long An đề nghị cơ quan này vào cuộc điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại các dự án trên địa bàn diễn ra hơn 2 năm qua.

TUYẾT MAI - SƠN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp