12/10/2013 02:30 GMT+7

Sao y: mỗi nơi một phách

ĐINH HỒNG NHUNG (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - MAI HOA ghi
ĐINH HỒNG NHUNG (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - MAI HOA ghi

TT - Cùng một loại giấy tờ mà phường này không chịu chứng thực sao y, trong khi phường bên cạnh lại chứng ngay. Tôi chẳng biết ai làm đúng, ai làm sai, chỉ mong cơ quan nhà nước thống nhất cách làm việc để không làm khó người dân.

rYmdAieC.jpgPhóng to
Vì dòng chữ ghi thêm này trên giấy khai sinh, chị Hồng Nhung đã bị từ chối chứng thực sao y - Ảnh: H.N.

Cách đây mấy tháng, tôi lên UBND phường 6 (Q.Gò Vấp, TP.HCM, là nơi tôi cư trú) để chứng thực sao y bằng tốt nghiệp đại học. Tại đây, chị cán bộ phường không chứng với lý do bằng của tôi là phó bản, tức là bản sao chứ không phải bản chính. Tôi giải thích do trường đại học in sai thông tin, sau này khi phát hiện ra, trường cấp lại cho tôi bằng này. Tôi cũng nói trường có cho biết vì bằng chỉ cấp một lần và phôi bằng không còn nên đã cấp bản bìa cứng, in màu tương tự bản chính, chỉ khác là trên bằng có chữ phó bản và bằng này được sử dụng tương đương bản chính. Tuy nhiên, chị cán bộ vẫn không đồng ý chứng thực.

Vì công việc cần kíp, tôi đành qua UBND phường 17 cùng quận ở cách đó không xa để chứng thực. Tại đây bằng của tôi được chứng sao y một cách nhanh chóng. Chị cán bộ phường nói phó bản là bản chính được cấp lại lần hai, trường hợp này chị đã từng gặp và hỏi ban tư pháp rồi nên yên tâm chứng.

Gần đây ngày 18-9, tôi lại lên UBND phường 6 chứng thực bản sao giấy khai sinh. Lần này vẫn là chị cán bộ lần trước không chịu chứng cho tôi với lý do trên giấy khai sinh của tôi có chữ “1-2kg” ở phần dưới của tờ giấy, ghi bằng màu mực xanh trong khi tất cả đều là mực đen. Dòng chữ này tôi cũng như chị cán bộ đều không hiểu nó có ý nghĩa gì (về nhà hỏi thì mẹ tôi mới nhớ ra là hình như ngày trước có chế độ phát gạo cho phụ nữ mới sinh, tôi là con sinh lần thứ tư của mẹ nên chỉ được 1-2kg gạo, người hộ sinh hay ai đó đã ghi nháy vào). Tôi nói mấy chữ đó thì có gì quan trọng trong khi mọi thông tin đều rõ ràng, từ giấy tờ đó mà Nhà nước cấp CMND cho tôi và nhiều giấy tờ khác, không lẽ tất cả đều không hợp lệ hay sao. Nhưng chị cán bộ vẫn không đồng ý, nói rằng theo nguyên tắc là không được chứng thực văn bản có hai màu mực.

Một lần nữa tôi lại mang giấy sang phường 17 để chứng thực sao y và cũng được được chứng ngay. Chị cán bộ phường này nói thời xưa khó khăn, vất vả, giấy tờ có một hai màu mực là chuyện bình thường nên linh động để tạo thuận lợi cho người dân.

Nếu như tôi không sang UBND phường khác chứng sao y giấy khai sinh thì chắc tôi phải bỏ công việc lẫn tốn kém tiền bạc để về quê tận miền Bắc để xin xác nhận hoặc trích lục giấy khai sinh. Tôi cứ thắc mắc vì sao hai phường gần nhau, cùng một quận mà lại có những quy định và cách giải quyết khác nhau như vậy?

Sở Tư pháp nói không, luật sư nói được

Trao đổi về câu chuyện của chị Nhung, bà Lê Thị Bình Minh, phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng việc chứng thực sao y giấy khai sinh phải tuân thủ theo nguyên tắc của chứng thực. Đó là không chứng những giấy tờ mà “bản chính đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm bớt, hoặc đã bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung”, theo khoản 2, điều 16, nghị định 79/2007/NĐ-CP.

Theo bà Minh, ở giấy khai sinh gốc của chị Nhung có ghi thêm nội dung khác, với màu mực khác. Một khi bản sao được chứng thực, nghĩa là cả nội dung ghi thêm đó cũng được công nhận. Cán bộ UBND phường 6 từ chối chứng thực là có cơ sở. Cán bộ UBND phường 17 chứng thực có thể là vì có sự thông cảm, linh động đối với người dân, vì nơi cần trích lục giấy khai sinh ở quá xa. Còn chuyện chứng thực bản sao bằng đại học phó bản là không đúng vì phó bản không phải là bản chính, việc chứng thực không thể thực hiện từ một bản sao. Chị Nhung có thể liên hệ với phòng đào tạo của trường để xin cấp nhiều bằng đại học phó bản và sử dụng.

Tuy nhiên, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại có ý kiến khác. Ông Hải nói rằng về nguyên tắc, pháp luật VN không quy định về việc áp dụng hồi tố. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật chỉ có hiệu lực điều chỉnh đối với những quan hệ xã hội phát sinh từ khi văn bản đó có hiệu lực, nó không có hiệu lực ngược lại thời gian (hồi tố), ngoại trừ một số ít trường hợp thật cần thiết. Như vậy, trong trường hợp chị Nhung không thể áp dụng khoản 2, điều 16, nghị định 79/2007/NĐ-CP vì giấy khai sinh của chị đã có từ trước ngày 3-6-2007 là ngày văn bản này có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, sự khác biệt trong giấy khai sinh của chị Nhung chỉ mang tính hình thức do điều kiện đặc biệt của một thời kỳ lịch sử, hoàn toàn không ảnh hưởng đến các nội dung chính của một chứng thư hộ tịch: họ tên, năm sinh, giới tính, họ tên cha và mẹ, quốc tịch... Do đó, UBND phường phải giải quyết cho sao y, không nên máy móc yêu cầu chị về tận nơi sinh ra để xin trích lục hoặc làm thủ tục cải chính hộ tịch.

Về văn bằng đại học của chị Nhung, theo ông Hải, thuật ngữ “phó bản” thường được hiểu là bản chính được cơ quan chức năng cấp lần thứ hai. Bản chính hay phó bản thì cũng cùng một nơi cấp phát, cùng một nội dung, có thời gian và không gian sử dụng không hạn chế, đều có giá trị pháp lý như nhau.

Ông Hải cho rằng việc đồng ý sao y giấy khai sinh và bằng tốt nghiệp “phó bản” cho chị Nhung của UBND P.17, Q.Gò Vấp đã thể hiện cách hiểu luật theo tinh thần phục vụ nhân dân. Để tránh việc trong cùng một đất nước mà địa phương này công nhận và cho sao y nhưng nơi khác lại không cho, ông Hải đề nghị cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu sửa luật theo hướng xác định rõ giấy tờ hộ tịch được cơ quan thẩm quyền trước đây cấp tuy có sai biệt về hình thức so với quy định hiện hành nhưng vẫn đảm bảo về nội dung, “phó bản” chứng chỉ văn bằng cũng là bản chính được cơ quan thẩm quyền cấp lần thứ hai cho đương sự và có giá trị pháp lý như bản chính, người dân có quyền được sao y chứng thực.

M.H. - H.H.

ĐINH HỒNG NHUNG (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - MAI HOA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp