Sách do Phương Nam và NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM ấn hành - Ảnh: T.T.D. |
“Teen” ở đây là học trò 17 tuổi, là thầy giáo tuổi 22, là vô số ý tưởng ngông cuồng, những lời nói ngang ngược, những hành vi quậy phá. Và “teen” nhất là những tiết học sử “không giống ai”; với những bài kiểm tra 30 giây (“có khi còn không đủ ngáp”) để viết tên một di tích lịch sử trong thành phố; với những bài tập kể tên con phố mình đang sống; với những giờ học không mở sách giáo khoa mà dắt nhau đến bảo tàng lịch sử...
Trong những giờ học “bất thường” ấy, lịch sử của Mỹ thời khủng hoảng kinh tế dễ dàng được nhớ với những ai đã xem phim Gatsby vĩ đại, lịch sử cận đại của Pháp không gì sống động hơn đọc Những người khốn khổ của Victor Hugo...
Và bởi người viết Sao thầy không mãi teen teen? là Lê Hoàng nên độc giả ngoài những lần bật cười với những câu chữ vừa rất sắc lẹm lại vừa ẩm ương sẽ còn cảm thấy thú vị với những đoạn cắt cảnh, dừng lại theo kiểu xi-nê để Ly Cún - cô bé 17 tuổi, nhân vật chính của truyện - được tỏ bày nỗi lòng của mình trước mọi vấn đề liên quan, hoặc chẳng liên quan gì đến lịch sử như tại sao học bơi quan trọng hơn học toán, tại sao quán kem dâu mới chính là “di tích” của riêng cô bé, và tại sao yêu không phải là đau khổ mà là sửng sốt, là tức lộn cả ruột lên đầu!...
Cuốn sách chỉ ra mắt cách đây ít ngày nhưng chuyện Lê Hoàng viết sách cho teen về chuyện học lịch sử thì như “cơn gió lạ” lan truyền rất nhanh, gây thích thú lẫn tò mò cho không ít độc giả.
Một nữ độc giả 26 tuổi sau khi đọc xong cuốn sách thì cho rằng: “Có vẻ như tình yêu tuổi teen trong cuốn sách này không thực tế lắm, lại có cảm giác tác giả... quá mê trai đẹp nên nhiều chỗ hơi quá đà!”.
Trong khi đó, bạn Dạ Thảo, 20 tuổi, SV ngành quản trị Trường ÐH Mở TP.HCM, lại rất hào hứng: “Truyện đọc rất vui, khá hay và tương đối đúng”...
Lịch sử là thứ sinh động nhất trong đời sống * Vẽ nên hình ảnh một người thầy đẹp trai, thông minh, tươi trẻ với những giờ lịch sử đầy hứng thú khiến học trò ngất ngây, có vẻ như Lê Hoàng vẫn đúng là anh xưa nay - bén nhạy, hài hước và... bất cần thực tế? - Tác giả Lê Hoàng: Tôi viết cuốn sách này với mục đích đặt ra một câu hỏi mà trẻ em muốn dành cho người lớn từ rất lâu. Ðó là tại sao học ở trường lại chán đến thế, đặc biệt là môn lịch sử. Trong khi thực tế đây là môn học cực kỳ hấp dẫn và sinh động. Hễ cứ có một hội nghị giáo dục nào diễn ra thì lịch sử lại được đưa làm thí dụ cho sự bất lực của nhà trường. Lê Hoàng vô cùng kinh ngạc về điều đó. Và tôi tin rằng trẻ con cũng vô cùng kinh ngạc. Lịch sử là thứ sinh động nhất trong đời sống chúng ta vì trong nó có tình cảm, có văn hóa, có tình yêu, có mỗi cái cây mỗi góc nhà, mỗi viên gạch, từ thứ nhỏ xíu cho đến thứ vĩ đại.Người thầy giáo trong Sao thầy không mãi teen teen? phải dạy khác đi vì anh ấy có một học sinh đòi hỏi khác đi. Nhân vật Ly Cún theo tôi là chính xác cho tuổi teen hôm nay và toàn bộ vấn đề cải cách giáo dục nằm ở chỗ đó. Chính trẻ em, chính những đứa bé như Ly Cún bắt buộc người lớn phải thay đổi trong khi chúng ta có thói quen nghĩ ngược lại. Sách đề cao nhân cách, tính chủ động, đề cao cá tính, đề cao sự hiểu biết của lớp trẻ trong lứa tuổi bản lề của cuộc đời - tuổi teen. Ðây không phải sách về tình yêu, cũng không phải sách về tình cảm. Ðây cũng không phải sách học làm người. Tôi hi vọng đọc nó xong, mỗi đứa bé sẽ tự làm theo cách của riêng chúng. Tôi hiểu sẽ có nhiều người nói Lê Hoàng vĩ tưởng hóa nhân vật. Ðúng! Chừng nào chúng ta còn có những nhân vật vĩ tưởng và tin vào nó thật sự, chừng đó xã hội mới có ánh sáng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận