Phóng to |
Tôi đọc ở đâu đó rằng con người thường rất bi quan, họ nhìn thấy một vệt mực trên tờ giấy vậy là chỉ còn biết chú tâm vào cái vệt sẫm màu đó mà không còn thấy tờ giấy trắng nữa. Vệt mực chỉ là 1% so với 99% của tờ giấy trắng, nhưng nhiều người nghĩ sự “trắng” ấy là điều bình thường nên không để tâm, chỉ có vệt mực sẫm mới nổi bật và quan trọng. Kết quả là trong cuộc sống của bao người, thay vì nhìn vào 99% nhịp đời êm đềm thì họ lại cứ xoáy vào 1% tuyệt vọng.
Trên net, những nỗi buồn lớn, nỗi buồn nhỏ, nỗi buồn tình cảm, nỗi buồn công việc, nỗi buồn về chính bản thân thi nhau phơi bày. Nhiều người trẻ rạch sâu vào sự sầu thảm của mình để sống. Nếu không kể về điều buồn nản của bản thân họ sẽ chẳng có chuyện gì để nói! Nhưng ở mỗi thế hệ cách bộc lộ nỗi buồn mỗi khác: 6X-7X buồn thâm trầm về nhân tình thế thái, 8X buồn âm ỉ với những đổ vỡ trong tâm mình, 9X buồn một cách náo loạn, phô trương trên mọi phương tiện.
Trên blog, những bạn bè online sàn độ tuổi cũng rải tràn buồn đau từ blast, theme đến entry mà khó có cách nào chia sẻ. Người có máu hài hước thì than thở kiểu: “buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián”. Người nội tâm thì gắn mình vào u trầm: “thế thái lạnh như băng, nhân tình mỏng tựa giấy, cuộc đời mấy ai hay?”.
Và họ rên rỉ với những nỗi buồn mang tính chiêm nghiệm đúc kết từ cái nhìn bi quan về cuộc đời, mà có khi từ những chuyện rất nhỏ nhặt: thấy mình cô đơn, sợ bị ế, va chạm với đồng nghiệp, bị sếp mắng, bạn bè hiểu lầm nhau, người yêu vô tâm, stress vì nhốt mình hoài trong môi trường công sở... hoặc giản đơn một cơn mưa cũng làm nỗi buồn trở nên lai láng.
Tìm hiểu sâu hơn sẽ biết thêm một điều hiển nhiên nữa: 9X đang đứng trên đỉnh sầu thời hiện đại. Cứ như một trào lưu, hội chứng buồn nản lan rộng và sâu trong lòng mỗi 9X, những teen Emo trả giá cho sầu não trong tâm mình bằng nước mắt, bằng rạch tay, bằng những hành hạ thể xác để kiếm tìm bình yên.
Nhẹ nhàng hơn thì họ than vãn mọi lúc mọi nơi. Những bang hội cô đơn, cô độc được các teen lập ra ầm ầm và cùng chia nhau nỗi buồn tự kỷ ám thị của mình. Những teen không thích hội hè thì ẩn vào nhật ký điện tử với nickname gắn liền với lonely, alone...
Nếu friends list mà có add nick các cô cậu teen này thì đảm bảo sẽ thường xuyên nhận được những offline spam: “Buồn ứ chịu được, đi chết đây, vĩnh biệt cả nhà!” với muôn vàn lý do: ba mẹ la mắng, bồ theo kẻ khác, không có tiền mua đồ mới, không thiết sống... Nhưng rồi hôm sau lại thấy cô cậu ấy online hồn nhiên như chưa từng có chuyện gì xảy ra...
Vì có khả năng “lây nhiễm” nên buồn chán phải được liệt vào dạng bệnh. Một căn bệnh phổ biến của thời hiện đại được sinh ra từ 1% ít ỏi nhưng lại có khả năng điều khiển cuộc sống của nhiều người. Sẽ là quá đáng nếu cấm con người không được phép buồn nản. Bởi cần có đủ buồn, đủ vui mới thấy được giá trị của hạnh phúc và thành công.
Trong vài nghiên cứu khoa học, người ta còn phát hiện nỗi buồn có lợi cho sức khỏe. Nhưng điều tôi muốn chia sẻ sau tất cả những câu chữ của mình là tất cả những ai đang ôm ấp nỗi buồn của mình, đừng than vãn và PR cho nỗi buồn một cách thái quá nữa. Hãy học cách đối diện với nỗi buồn và vượt qua nó, còn những 99% tươi sáng đang chờ phía trước cớ sao cứ mãi bó hẹp mình trong 1% nỗi buồn như thế?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận