Đầu năm 2008, sau khi có đơn thư tố cáo của chính giáo viên trong trường, Phòng Giáo dục - đào tạo thành phố Biên Hòa đã lập đoàn thanh tra và nhiều sự việc được phanh phui khiến người ta giật mình.
Trong năm học 2007-2008, lấy ví dụ trong khoảng thời gian từ tháng 9-2007 đến tháng 1-2008, mọi chứng từ đi chợ thực tế và chứng từ kế toán đều có sự chênh lệch về loại thực phẩm, số lượng và số tiền. Riêng số tiền thừa trong thời gian kể trên đã hơn 31 triệu đồng, trong đó thừa tiền ăn 16.596.000 đồng và thừa tiền sữa 14.621.000 đồng.
Trong phần giải trình các khoản chi từ số tiền này, trường cho biết đã bồi dưỡng ban giám hiệu, kế toán, cấp dưỡng, thủ quỹ, bảo vệ, tạp vụ..., trang bị cơ sở vật chất và các khoản thu khác. Nghĩa là tiền ăn của trẻ đã được bớt xén để “có phần” cho người lớn.
Chuyện bớt xén tiền ăn, tiền nước của trẻ đã dẫn đến tình trạng đáng nói là thực đơn của các cháu ăn trong ngày không đảm bảo dinh dưỡng thời gian dài. Ví dụ, kết quả phân tích từ bảng dưỡng chất ngày 10-9-2007 cho thấy thực đơn không đảm bảo định mức calo quy định, trong khi tiền đi chợ vẫn còn thừa 331.000 đồng.
Ngoài chuyện bớt xén tiền ăn, nước uống dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của học sinh, trong trường còn xảy ra tình trạng thực phẩm “không cánh mà bay”, như chuyện cấp dưỡng được cấp 15 bịch sữa để pha cho các cháu nhưng “tự ý chừa lại” bảy bịch. Thậm chí ngay cả sau khi đã có kết luận thanh tra, chuyện “tự ý chừa lại” thực phẩm vẫn diễn ra ngày 18-4-2008, khi đột xuất kiểm tra người ta phát hiện số thịt để dành nấu cháo buổi chiều từ 5kg chỉ còn 3kg, số trứng 250 quả dùng trong ngày “lặn” mất 74 quả (được giấu trong một nồi cơm điện cũ).
Đây chỉ là một trong số những vụ bớt xén chén cơm, hộp sữa của trẻ được phát hiện do chính giáo viên trong trường gửi đơn tố cáo. Chúng ta phẫn nộ với sự bòn rút của người lớn ở nơi này nơi nọ. Nhưng càng phẫn nộ hơn khi sự bòn rút xảy ra với khẩu phần của trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận