Bài viết Bẫy "chia nhỏ ra để trả" tại phòng gym khiến người tập mắc nợ đăng trên Tuổi Trẻ Online tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, phản hồi từ bạn đọc.
Theo đó, đa số bạn đọc bức xúc với việc nhân viên phòng gym cố tình mập mờ để khách hàng lầm tưởng việc "chia nhỏ ra để trả" là chính sách thanh toán của phòng gym.
"Mê cung tư vấn" của nhân viên phòng gym
Nhiều bạn đọc cho biết mình đến phòng gym với mục đích trải nghiệm thử các gói tập ngắn, sau đó mới quyết định tiếp tục những lộ trình dài. Tuy nhiên bước vào "mê cung tư vấn" của nhân viên ở đây thì... thật khó thoát.
Như trường hợp của bạn đọc Vy Vy, ban đầu chỉ có ý định mua gói tập mười mấy triệu nhưng bị huấn luyện viên (PT) hối thúc đăng ký gói hơn 30 triệu đồng vì gói này có nhiều khuyến mãi cho sinh viên.
"Trong khi tôi không có nhu cầu mà cứ ép tôi phải nâng gói cao hơn. Giờ tôi coi như chưa tập buổi nào chính thức nhưng vẫn còn đang đóng khoản bên ngân hàng do mượn để trả bên gym", Vy Vy cho biết.
Từng trải nghiệm gói tập miễn phí đầy khó chịu, bạn đọc Minh Long chia sẻ: "Nói chung là tập được 30 phút thì bị ngồi sale gần 1 tiếng, đủ thứ chiêu trò nào là chia nhỏ số tiền, rồi giảm giá các thứ.
Ngày thứ hai, nhân viên phòng gym hướng dẫn tôi tập tầm 1 tiếng với vài máy cơ bản rồi lại bị kéo đi nghe sale tiếp, sợ không dám đi tập luôn".
Bạn đọc Tuấn có ý kiến: "Khi chọn đến các phòng gym cao cấp thì đồng nghĩa với việc khách hàng đã chịu chi để nhận lại chất lượng dịch vụ tốt. Nhiệt tình, thật thà tạo được sự tin tưởng thì ai cũng sẵn sàng chi trả thôi, vui vẻ đôi bên chẳng ai nói gì.
Thực tế lại giới thiệu một đằng, giá cả hấp dẫn nhưng khi tư vấn khách thì lái sang gói hoàn toàn khác, lờ đi gói quảng cáo siêu rẻ.
Tôi đã gặp một lần rồi, cả nhóm quây xung quanh, gây sức ép để ký hợp đồng với giá cao gấp chục lần so với quảng cáo. Tôi đã dứt khoát đứng dậy đi về, mất chút thời gian hơn là đi vào mê cung tư vấn đó".
Sao không nói thẳng khách phải vay tiền?
"Tôi lỡ chốt ký 2 năm đóng 12 triệu trong vòng 10 tháng. Nhưng chỗ tôi tập rất lươn lẹo khi làm hợp đồng ký hết rồi mới biết mình đã vay tín dụng qua công ty tài chính. Tức là nếu mình không tập cũng phải đóng đủ.
Lúc đăng ký, nhân viên phòng gym còn kêu tôi chụp hình ảnh cầm căn cước công dân như mấy người nợ tiền tín dụng đen mà bị phốt vậy", bạn đọc Quỳnh kể.
Còn bạn đọc Xuân bức xúc: "Con trai tôi cũng đã bị như thế, rồi giờ mắc nợ thẻ tín dụng 10.170.000 đồng. Cay đắng thiệt!".
Theo bạn đọc Mỹ Tú, "nhân viên tư vấn kiểu cố tình không muốn khách hiểu là phải vay tiền, cứ luôn miệng nói là app bên em. Làm vậy chẳng khác gì lừa đảo? Cơ quan chức năng cần quan tâm vấn đề này, nhiều người lâm cảnh nợ nần oan ức lắm".
Bên cạnh đó việc không niêm yết giá các gói tập hội viên thông thường và gói tập có huấn luyện viên kèm riêng cũng là lý do khiến nhiều khách hàng không biết đâu mà lần, trong khi nhân viên phòng gym cứ báo giá bằng tờ giấy nháp.
Bạn đọc Tieu Hoa phản ánh: "Nhiều chuỗi phòng gym hiện nay không có bảng giá gì cả. Giá gói tập phụ thuộc vào khả năng mặc cả của khách hàng.
Nhiều khi nhân viên báo 30 triệu, tới khi chốt còn 5-7 triệu cũng không chừng. Ai yếu bóng vía nữa thì bị lừa quẹt thẻ tín dụng hoặc trả góp công ty tài chính".
Bạn đọc Kalin Ng tiếp lời: "Nhiều phòng gym bây giờ không có bảng giá niêm yết rõ ràng cho các gói tập mà chỉ nói bằng miệng. Được miễn phí 3 buổi PT nhưng thực chất không được hướng dẫn gì mà chỉ toàn nghe sale để bán thêm gói tập với PT.
Khách nói không có tiền thì ép khách quẹt thẻ tín dụng hoặc ép ký hợp đồng vay tiền với công ty tài chính".
Có dấu hiệu lừa dối trong giao dịch dân sự
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hợp đồng có hiệu lực pháp luật phải được ký kết dựa trên sự tự nguyện của các bên.
Tại điều 127 của Bộ luật Dân sự quy định, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
"Nếu khách hàng đã ký kết hợp đồng với phòng gym hoặc hợp đồng tín dụng với công ty tài chính mà cho rằng ý chí của mình không tự nguyện hoặc bị lừa dối thì đây có thể thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu.
Để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp trên, khách hàng cần thu thập các tài liệu như hợp đồng, phiếu thu tiền, chứng từ chuyển khoản, các thông tin quảng cáo, email, tin nhắn hoặc bất kỳ chứng cứ nào cho thấy việc mình bị lừa dối hoặc ép buộc trong việc ký kết hợp đồng", ông Nhật nói.
Cũng theo luật sư Nhật, khách hàng cần phải xem lại các hợp đồng đã ký, về nội dung của hợp đồng là gì, quyền và nghĩa vụ các bên ra sao, các điều kiện chấm dứt như thế nào, thời gian vay, thời hạn trả nợ, số tiền, lãi suất… để tiến hành việc thương lượng, hòa giải thỏa thuận để giải quyết.
Nếu không thỏa thuận được thì khách hàng có quyền khởi kiện tại trọng tài hoặc tòa án để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận