13/01/2022 06:06 GMT+7

Sao không nghe bác sĩ mà tự trị COVID-19 theo 'toa truyền miệng'?

LAN ANH - DƯƠNG LIỄU
LAN ANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Trong số 185.000 người mắc COVID-19 (F0) đang điều trị trên cả nước, có hơn 132.000 người đang điều trị tại nhà. Việc tự mua thuốc điều trị COVID-19 dùng tại nhà đang được ngành y tế cảnh báo mức cao.

Sao không nghe bác sĩ mà tự trị COVID-19 theo toa truyền miệng? - Ảnh 1.

Một ca F0 được đưa đến điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Gia đình chị H.T.H. ở Nhân Chính, Thanh Xuân (Hà Nội) có người thân là F0 từ ngày 5-1. 

"Người thân của tôi đã cao tuổi nhưng quyết định không đi bệnh viện, vì vậy gia đình đã mua rất nhiều thuốc bổ trợ, có loại theo khuyến cáo của hiệu thuốc, có loại do người đã điều trị trước đó chia sẻ" - chị H. cho biết.

Uống nhiều thuốc cùng tác dụng một lúc

Chị T.H.T. (quận Hà Đông, Hà Nội) dương tính với COVID-19 cách đây 2 tuần, vừa khỏi bệnh vài ngày nay.

"Ngay sau khi biết mình mắc COVID-19, tôi đã nhờ người thân mua thuốc để đề phòng bệnh nặng. Những thuốc phổ biến như ho, sổ mũi, đau đầu, hạ sốt. Sau đó tôi gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn online thì nhận được tư vấn không nên uống thuốc nếu chưa có triệu chứng".

Chị T. cho hay chỉ mua để đề phòng khi dùng đến. Nhưng một số loại mua liều cao nên không dùng được, phải đổi loại mua theo đơn mà bác sĩ hướng dẫn.

"Khi biết tôi bị mắc COVID-19 có người trong cùng tòa nhà mời tôi mua một số loại thuốc điều trị" - chị cho biết.

Anh T.V.H. (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) vừa có kết quả dương tính ngày 10-1. Ngay khi biết mình bị COVID-19, anh H. đã rất hoang mang. 

"Tôi nghe mọi người giới thiệu mua thuốc phòng COVID của Nga với giá 4 triệu đồng/hộp. Thấy đắt nên tôi chưa mua mà gọi điện nhờ bác sĩ ở trạm y tế xã tư vấn thì bác sĩ nói không có loại nào như vậy. May tôi chưa mua chứ không lại tiền mất tật mang", anh H. nói.

Giống như chị T. và anh H., nhiều người dân khác khi phát hiện mình mắc COVID-19 đã mua rất nhiều các loại thuốc không cần thiết, thậm chí mua các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng), hiện đang là tình nguyện viên hỗ trợ F0, cho biết mỗi ngày bác sĩ nhận 100-150 tin nhắn đề nghị hỗ trợ từ người F0 và gia đình, nhiều người trong số này mua rất nhiều loại thuốc.

"Thuốc kháng viêm corticoid (thường là methylprednisolon 16mg) rất rẻ và dễ mua, nhưng khi dùng thì phải rất cẩn thận, nhiều người dùng quá sớm và có thể làm bệnh nặng thêm, virus nhân lên nhiều hơn. Khoảng 20% các F0 gọi cho tôi có tình trạng này" - bác sĩ Hoàng cho hay.

Một số người F0 khác có đủ thuốc nhưng cách uống thuốc kiểu "truyền tai" nên rất nguy hiểm, ví dụ như uống 2 kháng sinh cùng thành phần, 2 kháng viêm cùng thành phần, do tên khác nhau nên uống cả 2 luôn, dùng mấy loại chống đông cùng lúc.

Cảnh báo khi dùng Molnupiravir

"Nhiều người không biết được thuốc kháng virus điều trị COVID-19, hiện có Molnupiravir và Favipiravir, cá biệt có người dùng luôn cả 2 loại, hoặc cùng Favipiravir nhưng là 2 biệt dược khác nhau và uống cả 2 rất nguy hiểm" - bác sĩ Hoàng nói.

Tại phiên họp gần nhất của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế, các thành viên hội đồng đã thống nhất và có thông báo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi do có tác dụng phụ, thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới.

Theo thông báo này, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 nhẹ đến trung bình cho người trưởng thành dương tính COVID-19, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Về giới hạn sử dụng thuốc, hội đồng khuyến cáo Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày, không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai.

Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Hội đồng cũng cho rằng dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo người F0 là phụ nữ nuôi con nhỏ cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Thuốc Molnupiravir ảnh hưởng đến trẻ em, nam giới

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

Đối với nam giới, hội đồng khuyến cáo Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới sử dụng Molnupiravir nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, hội đồng cho rằng chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng, các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Hội đồng thuốc Bộ Y tế cảnh báo: Molnupiravir ảnh hưởng tinh trùng Hội đồng thuốc Bộ Y tế cảnh báo: Molnupiravir ảnh hưởng tinh trùng

TTO - Phiên họp gần nhất của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế có thông báo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi do có tác dụng phụ, thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới.

LAN ANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp