07/11/2013 10:52 GMT+7

Sao không đầu tư bệnh viện tuyến huyện?

NGUYỄN VĂN PHƯỚC (TP.HCM)
NGUYỄN VĂN PHƯỚC (TP.HCM)

TT - Ba tôi nhập Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) vào cuối tháng 8-2013 do mu trên bàn chân trái bị sưng, có dấu hiệu suy hô hấp. Vào khoa cấp cứu, ba tôi được chuyển vào phòng hồi sức tích cực và chống độc.

DPFsKzFr.jpgPhóng to
Bệnh nhân chụp CT scanner xoang tại Bệnh viện Q.Tân Phú, TP.HCM - một trong các bệnh viện tuyến quận mới được tập trung đầu tư - Ảnh: Thanh Đạm

Tại đây tôi được tư vấn là bệnh ba tôi rất nặng, điều trị với chi phí cao. Tôi lo âu, gần như ngày nào cũng hỏi bác sĩ ba tôi bị bệnh gì, nguyên nhân nào gây ra, nhưng đều nhận được câu trả lời chung chung là đang xét nghiệm tìm virút để dùng kháng sinh, bị thuyên tắc tĩnh mạch, viêm mô tế bào bàn chân trái...

Mặc dù các bác sĩ, điều dưỡng, y tá ở đây đã rất nhiệt tình chữa chạy cho ba tôi, nhưng bệnh tình ba tôi vẫn không thuyên giảm. Ngày 5-9, tôi được bác sĩ cho biết ở đây không có máy siêu âm mạch máu nên phải chuyển ba tôi đến Bệnh viện 115 để việc điều trị tốt hơn. Khi làm thủ tục chuyển viện cho ba, tôi cảm nhận nỗi buồn trên gương mặt của các bác sĩ trong khoa, bởi vì bệnh nhân mình đã tận tình cứu chữa trong những ngày qua phải chuyển lên tuyến trên, mà nguyên nhân là thiếu máy móc hỗ trợ.

Đến Bệnh viện 115, ba tôi được làm các xét nghiệm, chụp hình chẩn đoán... Vài ngày sau đó, tôi được cho xem phim chụp chân trái bị tắc nghẽn mạch máu của ba tôi. Các bác sĩ cũng đưa ra hướng điều trị cho ba tôi và đến ngày 16-9 ba tôi được xuất viện.

Tôi trao đổi với một cán bộ tại Bệnh viện 115 thì được biết từ khi có máy siêu âm mạch máu, mức độ chẩn đoán và điều trị thành công rất cao, cứu được rất nhiều bệnh nhân. Qua việc điều trị cho ba tôi ở hai bệnh viện, tôi thấy rằng chúng ta phải có cái nhìn thông cảm hơn về các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh... trong sự thiếu thốn máy móc hiện đại, thiết bị, cũng như các dụng cụ hỗ trợ đã làm việc chẩn đoán không chính xác bệnh. Tôi cho rằng các bác sĩ ở phòng hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Hóc Môn không phải là bác sĩ kém chuyên môn nghiệp vụ, vì họ đã dự đoán gần đúng bệnh của ba tôi nhưng thiếu bằng chứng xác thực để khẳng định trong điều trị. Giá như Bệnh viện Hóc Môn được trang bị máy siêu âm mạch máu thì có lẽ ba tôi đã được điều trị tốt ở đây mà không cần chuyển viện. Đội ngũ y bác sĩ ở đây cũng không mất sức vô ích khi cứ loay hoay tìm cách chữa trị cho ba tôi.

Chúng ta nói nhiều chuyện người bệnh cứ đổ dồn về các bệnh viện tuyến trên và cứ đi tìm giải pháp nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên mà dường như quên rằng bệnh viện tuyến dưới cũng có chức năng điều trị, thăm khám bệnh cho người dân. Những bệnh viện tuyến huyện lại gần gũi với người dân nhất, đỡ tốn kém chi phí đi lại cho thân nhân người bệnh nhất. Theo tôi, để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời giúp bệnh viện tuyến dưới lấy lại niềm tin từ người bệnh thì việc làm đầu tiên là Sở Y tế TP.HCM phải đầu tư ở các bệnh viện tuyến huyện nhiều máy móc hiện đại thật sự cần thiết, một vài bác sĩ giỏi có kinh nghiệm thực tiễn về làm việc. Nếu không làm được điều này kịp thời, tôi cho rằng sẽ không chấm dứt được câu chuyện: bệnh viện tuyến huyện vẫn là trang thiết bị cũ kỹ, bác sĩ ngại về công tác, trị bệnh không khỏi nên người bệnh lại đổ về bệnh viện tuyến trên gây quá tải...

Đang tập trung nâng chất lượng

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện nay ngoài việc đầu tư xây dựng các bệnh viện trọng điểm ngành y tế tại các cửa ngõ, TP còn tập trung nâng chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện quận huyện và trạm y tế nhằm củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối.

Cụ thể, đối với bệnh viện quận huyện, thời gian qua đã xây dựng mới và đưa vào hoạt động nhiều bệnh viện như Bệnh viện Q.6, Bệnh viện Q.Tân Phú, Bệnh viện Q.Bình Tân, Bệnh viện huyện Củ Chi (đang trong quá trình xây dựng); đồng thời cải tạo, nâng cấp mở rộng một số bệnh viện như Bệnh viện Q.11, Bệnh viện Q.Thủ Đức, Bệnh viện Q.2.

Ngoài ra, một số dự án xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp mở rộng bệnh viện quận huyện cũng đã có chủ trương của UBND quận huyện, trong thời gian tới nếu được phân bổ vốn sẽ triển khai thực hiện như: xây dựng Phòng khám đa khoa Bình Khánh - An Nghĩa, huyện Cần Giờ; xây dựng mới Bệnh viện huyện Bình Chánh và Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ; cải tạo, mở rộng Bệnh viện Q.8; xây dựng Bệnh viện Q.Gò Vấp; xây dựng nâng cấp Bệnh viện Q.7. Các bệnh viện khác chuẩn bị đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp như Bệnh viện Q.Tân Bình, Bệnh viện Q.12, Bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện Q.4 để đảm bảo đến năm 2016 cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản các bệnh viện quận huyện.

Về đầu tư trang thiết bị y tế, hiện Sở Y tế đang trình UBND TP các gói trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, chủ yếu là bệnh viện quận huyện. Các bác sĩ tại bệnh viện quận huyện được nâng cao chuyên môn qua các lớp tập huấn, đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến TP. Đồng thời các bác sĩ vừa tốt nghiệp sẽ được đào tạo chuyên khoa hai năm ở các bệnh viện trung tâm rồi được phân công về bệnh viện tuyến quận huyện để bổ sung nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp tuyến y tế cơ sở.

L.TH.H. ghi

NGUYỄN VĂN PHƯỚC (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp