20/11/2017 10:23 GMT+7

Sao không chủ động đền bù để xóa hiềm khích?

BS VÕ PHẠM TRỌNG NHÂN (Bến Tre)
BS VÕ PHẠM TRỌNG NHÂN (Bến Tre)

TTO - Theo BS Võ Phạm Trọng Nhân (Bến Tre), nếu lỡ xảy ra sự cố y khoa phải chủ động đền bù. Bằng không, hố sâu hiềm khích và thù hận giữa thầy thuốc và bệnh nhân sẽ càng lúc càng sâu rộng.

Sao không chủ động đền bù để xóa hiềm khích? - Ảnh 1.

Đại diện các gia đình nạn nhân vụ chạy thận trong cuộc làm việc mới đây với luật sư - Ảnh: LSCC

Dưới đây là chia sẻ của BS Nhân về những trăn trở trong nghề sau sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện tỉnh Hòa Bình khiến tám bệnh nhân tử vong.

"Câu chuyện "Bệnh viện Hòa Bình không đền, người nhà nạn nhân chạy thận sẽ kiện" đang là nỗi trăn trở cho nhiều người, nhất là những người đang hoạt động trong ngành y.

"Không chủ động đền bù khi xảy ra sự cố y khoa hố sâu hiềm khích và thù hận giữa thầy thuốc và bệnh nhân sẽ càng lúc càng sâu rộng. Đến lúc đó, chúng ta lại có thêm một nạn nhân mới, đó là toàn thể xã hội. Bởi rằng không có một nền y học nào lại được xây dựng trên nền tảng của sự nghi kỵ và hiềm khích cả".

BS Võ Phạm Trọng Nhân

Lập quỹ dự phòng sự cố

Sau sự cố y khoa xảy ra từ sáu tháng trước tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến tám bệnh nhân tử vong, giờ đây việc bù đắp những tổn thất - cả về vật chất lẫn tinh thần - cho những nạn nhân lại đang căng thẳng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã có những động thái tích cực từ những ngày giờ đầu tiên, thể hiện rõ mong muốn được khắc phục hậu quả nhanh nhất có thể. 

Với nguồn tài chính hạn hẹp của một đơn vị hành chính sự nghiệp và những quy định chặt chẽ trong công tác thu chi ngân sách, chi phí hỗ trợ bước đầu đó chắc chắn là một nỗ lực rất lớn của bệnh viện. Nhưng e rằng nỗ lực đó vẫn chưa đủ để đáp ứng những yêu cầu đền bù.

Và điều này sẽ không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, mà còn đặt ra một thách thức cho tất cả các cơ sở y tế trong cả nước.

Thông thường, bệnh viện không thể bước qua được những quy định tài chính để có thể đáp ứng nhanh chóng nguyện vọng của gia đình trong khi chờ phán quyết của cơ quan có thẩm quyền, hoặc quyết định chi trả của bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp. 

Ngay cả trong trường hợp đã có phán quyết của cơ quan thẩm quyền, bệnh viện cũng sẽ không giải trình được khoản chi phí này bởi không có nguồn tài chính thích hợp. Trong khi đó, thời gian đền bù càng kéo dài càng tạo sự thất vọng và dẫn đến phản ứng tiêu cực của thân nhân nạn nhân.

Có lẽ giải pháp khả dĩ duy nhất là tạo một quỹ dự phòng sự cố bằng nguồn lực nội tại của bệnh viện. Đó có thể là khoản được trích ra từ tiền bồi dưỡng thủ thuật phẫu thuật của các cá nhân trong đơn vị. 

Cá nhân càng làm nhiều thủ thuật phẫu thuật tức là nguy cơ xảy ra sự cố càng cao, càng phải đóng góp nhiều vào quỹ. Chính điều đó tạo ra sự công bằng trong việc chia sẻ rủi ro. Việc sử dụng quỹ này như thế nào cũng sẽ không phụ thuộc vào các quy định chi tiêu ngân sách, mà chỉ phụ thuộc vào các thỏa thuận chi tiêu nội bộ, do đó sẽ linh hoạt hơn.

Dĩ nhiên đã quá muộn khi thực hiện giải pháp này nhằm giải quyết câu chuyện đền bù ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Nhưng ít ra nó cũng có thể áp dụng cho những cơ sở y tế còn lại trong cả nước, với kỳ vọng giải quyết nhanh chóng những trường hợp tương tự.

Hàn gắn từ cảm thông, chia sẻ

Vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố lớn trong lịch sử của ngành y VN. Tám nạn nhân đã vĩnh viễn ra đi, một tổn thất không gì bù đắp được cho gia đình của họ.

Tuy nhiên, còn những nạn nhân khác đã không được nhắc đến, hoặc được nhắc đến nhưng không phải với tư cách nạn nhân. 

Đó là những nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân trong buổi sáng định mệnh ấy, tiếp nữa là những cá nhân đang công tác tại các đơn vị thận nhân tạo và mở rộng hơn nữa là toàn thể y giới.

Với cương vị là một người điều trị, không một thầy thuốc nào lại muốn đem đến những điều không may cho bệnh nhân của mình. Khi sự cố xảy ra, những tổn thương tinh thần của bác sĩ trực tiếp điều trị chí ít cũng ngang bằng với thân nhân của từng nạn nhân. 

Bi kịch hơn, khi họ không cho phép mình được biểu hiện những tổn thương dằn vặt, mà phải kiềm chế cảm xúc để có thể đưa ra những quyết định cứu chữa nhanh chóng nhất trong tình huống sống còn. 

Những cố gắng thầm lặng, những dằn vặt trầm uất ấy lại thường không được để ý đến, không được cảm thông, ngược lại còn bị miêu tả như kẻ máu lạnh, là tội đồ của cộng đồng qua cách thông tin mang đầy ác ý.

Đã đến lúc phải cho xã hội thấy rằng người thầy thuốc cũng là một nạn nhân như những nạn nhân đã mất trong sự cố trên, có như thế mới mong nỗ lực hàn gắn mất mát đến từ cả hai phía. Sự thông cảm và chia sẻ chỉ có thể thực hiện một cách thật tâm khi cả hai chủ thể có cùng một hướng nhìn." 

Có quỹ sẽ giải quyết nhanh

Ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) nơi tôi đang làm việc, có một quỹ dự phòng được hình thành bằng việc thu 5% trên tổng tiền bồi dưỡng phẫu thuật, thủ thuật hằng tháng của các nhân viên, tương đương 70-80 triệu đồng/tháng.

Quỹ được giữ tại phòng kế toán tài chính của bệnh viện, khi quỹ có khoảng 600 triệu đồng thì ngưng thu. Nhờ quỹ này, khi có sự cố xảy ra, bệnh viện đã chủ động giải quyết nhanh.

BS VÕ PHẠM TRỌNG NHÂN (Bến Tre)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp