Tôi thực sự kính phục người nào đã khai sinh ra từ "điểm nhấn" để nó đường hoàng đi vào trong ngôn ngữ xây dựng của thời đại chúng ta.
Thị trấn toàn là nhà cao tầng thì một công viên có cây xanh bóng mát, hồ nước trong veo, mảng cỏ mơ màng là điểm nhấn về sinh thái. Tỉnh lỵ là vùng đất bằng phẳng thì trụ ăng-ten dựng trên đồi kia trở thành điểm nhấn thu phát tín hiệu phát thanh truyền hình.
Bản thân điểm nhấn phải có những giá trị nhất định. Nó làm nên một nét mới tươi đẹp, có giá trị thẩm mỹ cho một miền đất. Nó góp phần tạo ra niềm vui, niềm hạnh phúc được thụ hưởng trong đông đảo nhân dân. Nó là biểu tượng của tính chính trị, tính văn hóa, tính xã hội trong nhận thức về chính trị, văn hóa và xã hội của những người cầm đầu địa phương.
Vừa qua, tỉnh Đắk Nông có văn bản xin 900 tỉ đồng để xây dựng quảng trường. Theo tỉnh, thị trấn Gia Nghĩa giữa cao nguyên đã có những công trình xây dựng đẹp và mới mẻ nhưng chưa có một điểm nhấn xứng đáng làm biểu tượng cho Gia Nghĩa và Đắk Nông. Việc xây dựng quảng trường là nhằm tạo ra điểm nhấn vậy.
Đất nước ta có 63 tỉnh và thành phố; có những địa phương đã có điểm nhấn quảng trường rồi, cũng có địa phương chưa có. Giả thiết rằng tất cả các tỉnh và thành phố đều có nhã hứng làm đơn xin trung ương cho 900 tỉ đồng (giá bình dân) như Đắk Nông thì kinh phí xin đã lên đến trên dưới 57.000 tỉ đồng.
Con số đó chắc chắn chưa đủ nên cần phải xin thêm, thậm chí phải huy động thêm ở địa phương để điểm nhấn ra hồn ra vía của điểm nhấn.
Thế nhưng, diễn đàn Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, tỏ ra rất lo lắng trước món nợ công khổng lồ. Rất nhiều công trình phục vụ quốc kế dân sinh như công trình tàu điện ngầm, công trình đường cao tốc đang cần vốn. Một đơn vị nào đó đầu tư làm đường ở Hà Nội, sau thời gian nghiên cứu bèn "bớt" xuống cho nhân dân 1.000 tỉ đồng mỗi kilômét đường.
Bão số 12 và 13 đổ vào miền Trung ruột thịt, hàng ngàn hộ mất nhà cửa, hàng chục vạn người tiêu tán tài sản và thiếu ăn. Chính phủ, Mặt trận, nhân dân cả nước ra sức cứu trợ nhưng vá được chỗ này thì còn hỏng chỗ kia.
Không hiểu các cán bộ lãnh đạo tỉnh và thành phố có hiểu ra những điều đó hay không mà cứ làm đơn xin trung ương số tiền hàng ngàn tỉ đồng để xây điểm nhấn?
Lẽ nào người ta vô cảm đến mức khi đất nước còn nợ nần, khi hàng vạn đồng bào còn thiếu ăn và mất nhà cửa, khi trẻ em qua sông đi học chỉ mơ một chiếc cầu để lòng bớt lo sợ mà tỉnh thành vẫn làm đơn xin tiền trung ương xây dựng điểm nhấn? Thậm chí một tỉnh nổi tiếng giàu bậc nhất bậc nhì miền Tây Nam bộ cũng làm đơn xin tiền là cái làm sao?
Điều đáng tiếc nhất là nhiều công trình đã được xây dựng không ra hồn vía của điểm nhấn chút nào. Với nhận thức mỹ thuật thường thường bậc trung, cái đầu đầu tư thường thường bậc trung, cái đầu thi công thường thường bậc trung, trên đất nước ta hàng chục điểm nhấn mất mỹ thuật đã ra đời.
Tượng hay quần thể tượng thì quá nhiều nhưng chưa có một tượng hay quần thể nào đạt giá trị mỹ thuật cao. Tất cả đều thường thường bậc trung, có cũng được mà không có cũng được; vậy tốt nhất là không có, cho đỡ tốn kinh phí hàng ngàn tỉ đồng của đất nước.
Rất mong các vị lãnh đạo tỉnh và thành phố thận trọng khi phê duyệt kế hoạch xây dựng các điểm nhấn cho địa phương mình. Tỉnh này có thể hơn tỉnh kia một quảng trường hoành tráng nhưng đời sống, thu nhập, nhà cửa của nhân dân thì chưa chắc hơn.
Chúng ta chọn cái nào, quảng trường to hay cuộc sống nhân dân no ấm hạnh phúc? Cuộc sống vẫn còn cái gọi là "bia miệng".
Nếu nhấn... trật, xây nên một quảng trường vô bổ thì bia miệng không tha. "Con chim Lâm Cẩu" ở một tỉnh cao nguyên trước đây là thí dụ cụ thể vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận