Một lớp học tạm tại nhà văn hóa cộng đồng buôn Sút Mrư, xã Cư Suê (Cư M’Gar, Đắk Lắk) - Ảnh: TRUNG TÂN
Học sinh bỏ học giữa chừng có nhiều nguyên nhân. Nói một cách công bằng thì chịu trách nhiệm chuyện này khá nhiều người liên quan như phụ huynh, hội khuyến học các cấp, giáo viên và ban giám hiệu nhà trường.
Thế nhưng, dưới áp lực của việc duy trì sĩ số, nhiều hiệu trưởng đã dùng hạ sách cột quyền lợi của giáo viên. Quy định này thật sự vô lý nhưng nó đã tồn tại trong ngành giáo dục nhiều năm qua.
1. Hiệu trưởng chạy theo thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT
Thông tư này quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường THCS, THPT và trường trung học có nhiều cấp học.
Theo đó, việc lên chuẩn, giữ chuẩn quốc gia có điều kiện, với vùng khó khăn: không quá 3% học sinh bỏ học, không quá 5% học sinh lưu ban, trường chuyên không có học sinh lưu ban và học sinh bỏ học; các vùng còn lại: không quá 1% học sinh bỏ học, không quá 2% học sinh lưu ban, trường chuyên không có học sinh lưu ban và học sinh bỏ học.
Hiệu trưởng căn cứ thông tư này thì GVCN phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Có trường xây dựng thang điểm trừ như học sinh bỏ học 1 em/lớp trừ giáo viên 5 điểm thi đua; bỏ học 2 em trở lên trừ 10 điểm. Có giáo viên cuối năm chẳng còn điểm để trừ.
Dù chuyên môn vững vàng, nhiệt tình công tác nhưng có tới 3 học sinh bỏ học xem như công phấn đấu, rèn luyện của GVCN một năm trời cũng trôi sông trôi biển. Có trường lại sẵn sàng hạ thi đua giáo viên tới 2 bậc bởi "tội" không duy trì được sĩ số.
2. Nhiều hệ lụy
Thường những học sinh học yếu, lười học luôn có tư tưởng nghỉ học bất cứ lúc nào. Có em nói "vui thì đi học, buồn thì thôi". Lại có phụ huynh cho biết "học được gì thì học, làm quá cho nó nghỉ luôn".
Thế nên, phần đông giáo viên luôn sợ học sinh bỏ học giữa chừng. Chẳng thầy cô nào dám cứng rắn khi học sinh lười học hoặc phạt khi học trò gây mất đoàn kết trong lớp, luôn là "chủ mưu" trong những trò quậy phá, nghịch ngợm đáng gờm, thậm chí vô lễ ngay cả với chính thầy cô.
Sợ trò bỏ học, giáo viên luôn dặn nhau "nhắm mắt làm ngơ", phải thấy như không thấy, phải nhún nhường, phải thỏa hiệp, đặc biệt với những học sinh cá biệt.
Chưa hết, vì không chịu học nên liên tục bị điểm kém. Sợ trò chán mà nghỉ bất thình lình, GVCN lại đích thân đi xin điểm cho trò.
Du di, thỏa hiệp cho những học sinh vi phạm, điều này cũng mang đến khá nhiều chuyện buồn và kéo theo hiệu ứng dây chuyền không tốt. Học sinh của lớp thấy thầy cô dễ dãi cũng lờn mặt, chây ì.
Vì thế, chất lượng học tập đi xuống, nề nếp lớp bị phá vỡ...
3. Biện pháp nào hạn chế tình trạng học sinh bỏ học?
Cách làm hiệu quả nhất hiện nay là phân loại đối tượng học sinh bỏ học theo từng nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ.
Nếu học sinh bỏ học vì nghèo túng, không có điều kiện mua quần áo, sách vở, thậm chí đóng học phí (nguyên nhân này dễ giải quyết nhất) thì nhà trường sẽ hỗ trợ đồ dùng học tập và học bổng.
Nếu bỏ học vì cha mẹ ly dị (trường hợp này khá nhiều), chuyển đổi địa bàn cư trú thì cần thuyết phục cha hoặc mẹ xin chuyển trường và cố gắng tạo điều kiện cho con đi học lại. Nếu gia cảnh khó khăn, nhà trường cũng nên chung tay hỗ trợ.
Học sinh học yếu và sợ học (đối tượng này cũng khá nhiều), nhà trường có kế hoạch kèm, phụ đạo để các em lấy lại kiến thức cơ bản từ lớp dưới.
Lúc này chỉ còn một yêu cầu với giáo viên: phải dạy bằng tình yêu thương mới có thể thuyết phục những học sinh này quay lại lớp vì phần đông các em khá cá tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận