Anh Lê Văn Tuấn (trái) và anh Lê Đức Huyền là những công nhân trẻ có nhiều sáng kiến từ chính sự vất vả của đồng nghiệp - Ảnh: K.ANH |
Nhiều sáng kiến đã được hội đồng sáng kiến cấp công ty nghiệm thu và triển khai vào thực tế. Cũng từ những sáng kiến đấy, anh Lê Văn Tuấn, công nhân tổ bảo dưỡng, đã được Đoàn khối doanh nghiệp TP.HCM tuyên dương “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” năm 2016.
Từ 330 công giảm xuống 88 công
Hằng quý, xí nghiệp phải huy động công nhân trực tiếp tham gia vệ sinh khoang bơm, nạo vét cát, bùn và rác thải dưới các hồ đặt trạm bơm nước thải. Dưới độ sâu 14m, sáu công nhân phải ra sức xúc bùn, cát vào các xô, sau đó để nhóm công nhân trên miệng hồ dùng ròng rọc kéo lên.
Làm việc nặng nhọc, môi trường ngột ngạt vì mùi hôi của bùn, cát và rác thải bị cuốn trong lòng cống lâu ngày khiến anh em công nhân thêm phần vất vả. Vào những tháng cuối năm khi mưa nhiều, lượng cát đất, rác thải đổ vào cống lớn, lượng bùn cát tăng lên, anh em phải tăng cường làm thêm nhiều ngày mới xử lý hết khối lượng công việc.
Dù làm ở tổ bảo dưỡng nhưng anh Tuấn vẫn cùng anh em trực tiếp chui xuống hố sâu để làm việc. Những lần như vậy, Tuấn đều tự đặt câu hỏi “có thiết bị gì giúp cho công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn để công nhân không phải tiếp xúc quá nhiều trong môi trường ô nhiễm?”.
Cứ thế, câu hỏi khiến anh cùng đồng nghiệp Hồ Trung Anh và Trương Công Lịnh bắt tay thực hiện sáng kiến thiết bị tải cát. Mỗi người mỗi thế mạnh và chuyên môn khác nhau, gộp vào thiết kế một chiếc máy hoạt động trên nguyên lý băng chuyền theo chiều thẳng đứng. Sáng kiến này sau đó đã được hội đồng sáng kiến cấp công ty công nhận và đang nghiên cứu ứng dụng vào thực tế.
“Nếu chiếc máy đưa vào sử dụng sẽ giảm bớt nhiều công đoạn thủ công, người công nhân sẽ nhẹ nhàng hơn trong lao động. Quan trọng là hiệu quả tăng lên nhiều lần. So sánh khi dùng chiếc máy này sẽ chỉ hết 88 công so với cách làm cũ - đang sử dụng 330 công cho một khoang bơm với khoảng 50 tấn bùn, cát” - anh Tuấn cho biết.
Anh Nguyễn Hoàng Anh, bí thư chi đoàn Xí nghiệp xử lý nước thải Bình Hưng, nói: “Như vậy là lợi khoảng 250 công. Điều quan trọng là nâng cao mức độ an toàn lao động, giúp người lao động bớt vất vả và đẩy nhanh tiến độ công việc, đặc biệt giúp anh em bớt tiếp xúc với môi trường độc hại. Dù phải tốn kinh phí đầu tư ban đầu nhưng chi đoàn đề xuất lãnh đạo xem xét đưa vào ứng dụng thiết bị này trong thời gian sớm nhất”.
Nghĩ đến người khác mà sáng tạo
Đồng bộ với sáng kiến máy tải cát, nhóm bạn Lê Minh Nhựt và Lê Hiếu Trung cũng mày mò cho ra chiếc thùng tự đổ. Trước đây, khi vệ sinh khoang bơm, lượng bùn, cát được đưa lên mặt đất, sau đó công nhân lại phải xúc đưa lên xe tải.
Thấy công việc quá nặng và mất nhiều thời gian, Nhựt và Trung nghĩ cách làm ra chiếc thùng lớn có “cửa chập” bên dưới và gắn chiếc móc xích sau khi chứa bùn cát, trên bờ dùng tời đưa lên xe tải, khi đấy chỉ cần kéo móc xích bên trên, cánh cửa dưới thùng chứa sẽ tự động bung ra, bùn cát trút xuống xe. “Từ ngày dùng chiếc thùng tự đổ này, anh em công nhân chúng tôi bớt bao nhiêu việc” - Nhựt cho biết.
Không chỉ có những sáng kiến phục vụ cho công việc của mình mà các bạn trẻ trong chi đoàn còn cho ra lò những sáng kiến phục vụ những bộ phận khác như thiết bị mở nắp hố ga được anh Lê Đức Huyền và Hồ Trung Anh đề xuất nhằm hỗ trợ đội công nhân làm vệ sinh tại hiện trường.
“Hình ảnh công nhân mỗi lần phải mở nắp cống, dọn vệ sinh các hố ga phải dùng xà beng cạy mãi nắp hố ga mới bật lên. Khi di chuyển nắp hố ga lại cần ít nhất hai người mới có thể làm được, tôi về suy nghĩ rồi mày mò làm chung với đồng nghiệp” - anh Huyền cho hay.
Thiết bị đã được thử nghiệm thực tế và việc mở nắp hố ga dù bị cát, đất chèn chặt lâu năm vẫn được mở lên nhẹ nhàng nhờ trục quay của thiết bị. Để hỗ trợ cho việc di chuyển nắp hố ga, các bạn đã lắp thêm cho thiết bị bốn bánh xe để công nhân đẩy tới đẩy lui dễ dàng.
“Từ thực tế công việc của người công nhân quá vất vả khi phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, tôi và anh em trong tổ bảo dưỡng đã cùng nghiên cứu đề xuất một vài sáng kiến để cấp trên cho phép ứng dụng. Những sáng kiến tuy không đem lại nguồn lợi bằng tiền bạc nhưng góp phần cải thiện môi trường làm việc cho người công nhân. Mỗi sáng kiến ra đời đều là những trăn trở, mày mò nhiều ngày của chúng tôi” - anh Lê Văn Tuấn bộc bạch.
Ông Hoàng Hữu Hải - giám đốc Xí nghiệp xử lý nước thải Bình Hưng - nhận xét: “Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các công nhân trẻ tại đơn vị rất thiết thực, hỗ trợ sức lao động của anh em công nhân và đem lại hiệu quả cao trong công việc. Những sáng kiến này cải thiện điều kiện cho anh em, giảm nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động, phù hợp với công tác hiện tại của đơn vị và các đơn vị khác cũng có thể ứng dụng được những sáng kiến này”. Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Anh, bí thư chi đoàn Xí nghiệp xử lý nước thải Bình Hưng, nói rằng trong những hoạt động của chi đoàn thì việc vận động các bạn trẻ tham gia phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm cải thiện môi trường làm việc ngày một tốt hơn đối với công nhân đã trở thành phong trào được nhiều bạn nhiệt tình hưởng ứng. Cuối năm 2015 có sáu sáng kiến được hội đồng sáng kiến cấp công ty công nhận thì các bạn trong chi đoàn đã chiếm ba sáng kiến. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận