Sản phẩm sáng tạo của sinh viên phải thuyết phục nhà đầu tư, doanh nghiệp về tính ứng dụng và khả năng thương mại (ảnh chụp tại hội thi “Sinh viên sáng tạo sản phẩm mới” năm 2016) - Ảnh: HỒNG DIỂM |
“Dù có hỗ trợ người nghiên cứu đến thế nào thì tự thân vận động vẫn là chính. Tiếc là tinh thần đương đầu với khó khăn còn kém, thói quen ăn xổi ở thì trong nghiên cứu còn nhiều. |
TS Nguyễn Bá Hải |
Nhưng bao nhiêu trong số đó được ứng dụng vào thực tế?
Trong 20 năm qua, nhiều đơn vị uy tín đã đi tiên phong xây dựng nhiều sân chơi học thuật, ứng dụng dành cho học sinh, sinh viên và người nghiên cứu. Các hoạt động đã thật sự khơi dậy phong trào sáng tạo trong thanh thiếu niên, đóng góp ý tưởng cho thành phố. Các sáng kiến hay, mô hình có tính ứng dụng cao thường được dư luận đón nhận với nhiều sự kỳ vọng về các sản phẩm nghiên cứu khoa học này.
Nhưng sự chờ đợi về những thay đổi trẻ trung, về các sản phẩm của những người trẻ được đưa ra thị trường vẫn chưa có phản hồi tích cực. Vì sao?
Người nghiên cứu vẫn còn “máu”, nhưng...
“Đề tài dừng rồi”, “Nhóm không còn nghiên cứu, giờ ai cũng lo đi làm” là những câu trả lời quen thuộc mà chúng tôi nhận được khi liên lạc các nhóm tác giả từng đoạt giải cao tại giải thưởng Euréka, hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM qua các năm 2013, 2014, 2015.
Giành giải nhì giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2014, anh Nguyễn Cao Hoàng Sang với đề tài gạch không nung bằng giấy phế thải cho biết đề tài đã tạm dừng. Dù vẫn còn “máu” nhưng Sang đành gác qua một bên, tập trung đi làm, thời gian còn lại trong ngày quá ít để đầu tư cải tiến công thức gạch.
Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Cường, đề tài Xây dựng hệ thống tóm tắt video dựa vào phương pháp phân tích ảnh hai chiều (giải đặc biệt cuộc thi Euréka 2014), chia sẻ: “Tôi rất muốn tạo ra sản phẩm để đưa vào thực tế. Nhưng với sức tôi và thời gian hiện có thì không thể. Tôi tin hệ thống hoàn toàn có thể ứng dụng được. Bây giờ cũng chưa có gì là từ bỏ. Tôi sẽ tập trung vào nó khi có thời gian. Hiện tại tôi tập trung vào mục tiêu khác”.
Trong các đề tài “suýt” ngừng lại có cả đề tài của giảng viên, chuyên gia đầy tâm huyết. Đại diện nhóm nghiên cứu Tạo và ứng dụng kháng thể đơn dòng kháng protein p16 INK4A trong chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung (giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM 2013-2014), PGS.TS Hồ Huỳnh Thùy Dương hoàn toàn tin tưởng vào tính ứng dụng và khả thi của phương pháp mới, nhưng cho biết nghiên cứu chỉ dừng lại ở đó, khó đi xa hơn.
Để áp dụng một phương pháp chẩn đoán mới vào thực tế cần nhiều điều kiện, lộ trình phối hợp với các đơn vị liên quan, từ phác đồ điều trị của bệnh viện, nhu cầu đổi mới ở các công ty dược đến tâm lý bệnh nhân. Muốn tác động vào những điều kiện trên cần có thêm một số công trình nghiên cứu khác đồng tình với kết luận đề tài này. Quan trọng nhất là cần những đơn vị dược, y tế chịu đầu tư để thử nghiệm lâm sàng trên phương pháp mới.
Sau vài tháng gần như không làm gì với công trình nghiên cứu, nhóm đang có kế hoạch trở lại vì “sẽ thật lãng phí nếu từ bỏ”. Khó khăn vẫn còn đó, nhưng PGS.TS Thùy Dương cho biết sẽ nỗ lực hết mình để phương pháp được thử nghiệm, triển khai.
Cần tự thân vận động
“Cuộc thi này là cơ hội để sinh viên giới thiệu, đưa các kết quả nghiên cứu trong nhà trường vào thực tế, đồng thời tìm kiếm các dự án nghiên cứu khoa học có tiềm năng, hỗ trợ sinh viên thương mại hóa sản phẩm”.
Đó là nội dung trong thông cáo báo chí của cuộc thi tìm ý tưởng, sản phẩm GIS, một hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện chào mừng 40 năm thành lập Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải cuộc thi nào cũng được sinh ra với trách nhiệm hỗ trợ người nghiên cứu đi đến cùng công trình, sản phẩm như vậy.
Dưới góc độ một giảng viên nghiên cứu và tham gia khởi nghiệp bằng khoa học, TS Nguyễn Bá Hải (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ: “Các cuộc thi có vai trò phát hiện nhân tố, nhưng để nhân tố tiếp tục phát triển phải cho các bạn làm việc trong môi trường nghiên cứu thực tế và phù hợp để phát triển sản phẩm.
Khoa sáng tạo và khởi nghiệp của trường là một ví dụ. Tại khoa này, nhà trường cho phép triển khai những mô hình với mạng lưới chuyên gia, hệ sinh thái nghiên cứu, nguồn vốn tài trợ cho dự án khả thi, các khóa bổ túc kiến thức.
Nhưng dù có hỗ trợ người nghiên cứu đến thế nào thì tự thân vận động vẫn là chính. Tiếc là tinh thần đương đầu với khó khăn còn kém, thói quen ăn xổi ở thì trong nghiên cứu còn nhiều. Người đam mê khoa học cần hi sinh nhu cầu bản thân, tiết giảm để có điều kiện, thời gian nghiên cứu”.
Còn ông Trần Đức Sự, phó giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP.HCM, cho rằng: “Sinh viên thích nghiên cứu khoa học, tham gia các giải thưởng khoa học, còn sau khi ra trường thì đâu phải bạn nào cũng đi theo con đường nghiên cứu, các bạn có nhiều cơ hội làm việc chuyên môn khác nhau.
Ban tổ chức cuộc thi Euréka cũng rất nỗ lực trong việc giới thiệu các đề tài nghiên cứu tốt, có khả năng áp dụng vào thực tiễn để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thể tiếp nhận hỗ trợ tác giả tiếp tục nghiên cứu phát triển và ứng dụng các đề tài.
Nhưng vì là đề tài nghiên cứu của sinh viên nên rất khó có thể đưa vào ứng dụng trong thực tế ngay được. Nói vậy không phải là không có những đề tài tốt, đã đưa vào ứng dụng trong thực tiễn nhưng về số lượng thì chưa nhiều”.
Cần những khâu trung gian PGS.TS Nguyễn Anh Thi, giám đốc Khu công nghệ phần mềm, ĐHQG TP.HCM, cho rằng lộ trình từ đề tài nghiên cứu đến ứng dụng thực tế đang cần những tổ chức trung gian (sàn giao dịch công nghệ, trung tâm chuyển giao, ứng dụng công nghệ) kết nối hiệu quả người nghiên cứu và nhà sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra nhanh hơn. Chúng ta có những đơn vị, tổ chức như vậy nhưng hiệu quả hoạt động chưa tốt. Trường ĐH, viện nghiên cứu có khả năng cung cấp công nghệ, nhưng quá trình từ công nghệ thành sản phẩm thương mại, đưa vào thị trường kinh doanh là việc của doanh nghiệp. Hiện tại, phía cầu (các doanh nghiệp) thiếu tiền chi cho đầu tư dài hạn, phía cung (người nghiên cứu) chưa có công nghệ như bên cầu muốn, chưa marketing sản phẩm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận