03/09/2016 10:09 GMT+7

Sáng tạo để gần gũi hơn

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - 1 Tối 1-9 tại Nhà hát TP.HCM, đoàn 1 Nhà hát Cải lương VN biểu diễn phục vụ khán giả TP vở cải lương Hừng đông (tác giả: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên).

Cảnh trong vở Hừng đông - Ảnh: NGUYỄN LỘC
Cảnh trong vở Hừng đông - Ảnh: NGUYỄN LỘC

Vở có quá nhiều sự kiện lịch sử xoay quanh cuộc đời hoạt động cách mạng của chí sĩ yêu nước Phan Đăng Lưu, có tới mấy chục nhân vật mà chỉ nhớ tên không thôi khán giả cũng... đuối!

Nhưng Triệu Trung Kiên một lần nữa chứng tỏ sức sáng tạo không ngừng nghỉ. Anh tìm ra chìa khóa là cách kết hợp, đưa nhóm nhạc đường phố HUB vào vở, và chính HUB đã có sự len lỏi xuyên suốt thật đắc địa trong vở diễn.

Kể một câu chuyện lịch sử giàu cảm xúc, những câu chuyện nhỏ trong Hừng đông chuyên chở được những thông điệp mà không cần những lời nói lên gân.

2 Không chỉ có Hừng đông tránh được “thói quen” đao to búa lớn khi thể hiện đề tài đấu tranh cách mạng.

Gần đây, có những vở cải lương cũng đã bắt đầu tìm tòi lối đi riêng, gần nhất là Chiến binh và Cõi thiêng.

Chiến binh của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ra mắt năm ngoái lập tức tạo được cảm tình bởi đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu khai thác tốt hình ảnh người lính từ thời chiến đến thời bình.

Cõi thiêng của sân khấu Sen Việt cũng là câu chuyện đau đáu về những cựu chiến binh sống tựa vào nhau ở khu rừng nhiều kỷ niệm của một thời chiến tranh. Họ có những lý do rất thật để neo đậu mảnh đời tuổi xế bóng ở chốn rừng thiêng nước độc ấy.

Và khi những bọn người vì tư lợi riêng động đến rừng, khí chất người lính năm nào lại trỗi dậy để chống lại lâm tặc. Mảnh rừng chính là nơi anh linh bao đồng đội của họ đã ngã xuống, cõi thiêng ấy là bất diệt và không thể chạm đến...

3 Thế nhưng những vở cải lương (mà không chỉ cải lương) về đề tài đấu tranh cách mạng được khai thác tốt như các vở kể trên hiện cũng thật hiếm hoi.

Trong Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tại Bạc Liêu, 1/3 số vở dự thi có đề tài người lính, chiến tranh, đấu tranh cách mạng... nhưng phần lớn vẫn rơi vào lối ca tụng, tôn vinh khiên cưỡng và một chiều.

Ta thì lúc nào cũng tốt và giặc thì lúc nào cũng xấu. Những lời sáo rỗng, lên gân vẫn được diễn viên nói như trả bài và trôi tuột khỏi sự tiếp nhận của khán giả. Không ít người ngao ngán: Bỏ tiền dựng những vở diễn như thế liệu có ích lợi gì?

Những hi sinh mất mát của quá khứ luôn đáng được ghi nhận, một thời chiến tranh gian khổ cam go để giành được độc lập cũng cần được nhắc nhớ để con cháu đời sau thấu hiểu và nhận ra những giá trị cần được giữ gìn.

Nghệ thuật là kênh thông tin hữu hiệu để cất lên tiếng nói đầy biểu cảm ấy. Nhưng phải biết cách nói chân thành và tìm ra được cách thể hiện sống động để chạm đến cảm xúc của khán giả.

Những khán giả hôm nay đã khác xa khán giả hôm qua. Cách diễn đạt mới mẻ, sự sáng tạo đáp ứng nhu cầu của cuộc sống bởi vậy càng là một thách thức không dễ vượt qua.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp