Tôi ghi nhận nỗ lực của Nam Cường và Quế Vân trong việc chọn Chuyện tình Lan và Điệp để thể hiện trong cuộc thi nhưng rất tiếc, tiết mục của các bạn làm những người theo cải lương như tôi cảm thấy đau lòng!
Đưa tiết tấu rap vào đã không ổn, lời lẽ của đoạn rap này cũng rất phản cảm nếu đặt vào bối cảnh một vở cải lương kinh điển. Lan là một hình ảnh rất đẹp của cải lương nhưng khi lên sân khấu, Quế Vân đã có những động tác, lời nói không phù hợp với hình tượng này.
Những cô chú trong nghề đã nói với tôi đây là sự xúc phạm nghề nghiệp.
Quế Vân và Nam Cường trình diễn "Chuyện tình Lan và Điệp" - Ảnh: Quang Định |
Tôi không lên án các bạn nhưng tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng khi làm điều gì đó chạm đến nghệ thuật truyền thống của dân tộc thì nên cẩn trọng và tham khảo ý kiến thật kỹ lưỡng.
Có nhiều ca sĩ thỉnh thoảng vẫn ghép 1 mảng cải lương nhỏ để làm phong phú, mới lạ tiết mục của mình. Có thể họ làm không hay như cải lương nhưng đầy tâm huyết và những người làm nghề chúng tôi rất ủng hộ sự nghiêm túc đó.
Còn với tiết mục này, đồng ý đó là chương trình giải trí nhưng không phải các bạn muốn làm gì cũng được. Đừng nghĩ rằng ca sĩ thêm thắt vào câu cải lương vào rồi nhận được tiếng vỗ tay của khán giả thì cho mình cái quyền làm gì thì làm.
Các bạn có đưa cải lương vào tiết mục với sự trân trọng hay chỉ đưa vào để nhận được tiếng cười và những tràng vỗ tay vô thưởng vô phạt?
Đừng đưa cải lương vào màn trình diễn như một trò đùa.
NSƯT Hữu Quốc: Phá đi hình ảnh đẹp của Lan và Điệp
Tôi thấy tiết mục này đã phá đi hình ảnh một chuyện tình đã ăn sâu vào lòng của những nghệ sĩ cải lương và khán giả yêu mến nghệ thuật này. Với tính cách đanh đá và những lời rap như vậy, liệu “cô Lan” có thích hợp để vào chùa như trong tác phẩm gốc hay không?
Tôi nhớ có lần NSƯT Hoa Hạ đã cùng với ca sĩ Minh Thuận, Cẩm Ly dựng lại vở Chuyện tình Lan và Điệp với hình thức ca múa nhạc, kịch, cải lương. Theo tôi, đó là sự sáng tạo thành công và sẽ mang Chuyện tình Lan và Điệp đến gần với công chúng hơn.
Khi sáng tạo những vở cải lương kinh điển của Việt Nam thì nên giữ lại cốt cách, tinh thần, đời sống của người Việt xưa và thổi vào đó cách dàn dựng, trang thiết bị, tiết tấu và âm nhạc mới. Còn về tính cách nhân vật, những cái đã thuộc về “vai mẫu” thì không thể nào sửa.
Tôi chỉ mong khi đưa yếu tố truyền thống như cải lương vào tiết mục của mình, các bạn sẽ có sự thận trọng và tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn.
+ Tôi nghĩ, chúng ta nên học một điều này, đó là tôn trọng sự khác biệt. Tôi tôn trọng ý kiến của bạn, và bạn cũng nên tôn trọng ý kiến của tôi, cũng như mọi người. Trên tinh thần đó, chúng ta cũng sẽ tôn trọng những sáng tạo. Có những sáng tạo, khi mới xem lần đầu, chúng ta khó chịu, nhưng khi xem lần thứ hai, thứ ba, rất có thể chúng ta sẽ thấy bình thường. Tôi nghĩ, bên cạnh đó, chúng ta cũng nên đưa ra những ý kiến kiểu xây dựng hơn. Ví dụ, phải chăng nội dung lời rap có phần chú trọng giá trị vật chất nên nghe phản cảm, nhưng nếu là một nội dung khác, nhân văn hơn, sâu sắc hơn, thì liệu đó có là một sáng tạo? + Sáng tạo nào cũng cần thời gian trả lời... đó là sáng tạo hay là phá hoại. Nhưng là người nghệ sĩ, hãy mạnh dạn sáng tạo, đừng đi theo lối mòn, đừng chấp nhận chính mình chỉ dừng lại ở đó. |
+ Xin đừng "phá" cải lương như thế!
Thời gian gần đây thấy ca sĩ trẻ đến với vọng cổ, cải lương (Hoài Lâm, Hamlet Trương...) làm tôi rất mừng. Là một tác giả trẻ của vọng cổ và cải lương, tôi luôn trân trọng những người trẻ biết muốn tìm đến cải lương như thế.
Với Nam Cường và Quế Vân trong tiết mục Chuyện tình Lan và Điệp của chương trình Cặp đôi hoàn hảo, thú thật làm tôi thất vọng và khó chịu vô cùng.
Xin đừng "phá" cải lương chúng tôi như thế!
Thử sức, sáng tạo trong cải lương là điều đáng quý nhưng phải hiểu rõ cải lương mà làm cho ra chất, không thì đừng làm. Sự quá sức này có thể rất nguy hiểm, làm "méo mó" nghệ thuật và làm hạ thấp danh nghệ sĩ của mình...
Tôi thẳng thắn coi "thành phẩm" Chuyện tình Lan và Điệp của Nam Cường và Quế Vân là tầm thường.
+ Có lẽ không nên đi quá xa, quá đà khi xoay chuyển toàn bộ nội dung, tính cách nhân vật, nhất là với những nhân vật, cái tên đã trở thành hình tượng mến yêu trong lòng người hâm mộ qua nhiều thế hệ.
Một danh hài khi về vùng quê tôi biểu diễn ngỡ là “vùng đất cải lương” nên bê hình tượng Tô Ánh Nguyệt ra đùa vui nhưng lại… đùa vui quá đáng, dẫn đến lạc lõng, khó coi, nhận nhiều phản ứng không hay từ khán giả.
Thế mới thấy làm việc gì cũng phải có suy nghĩ chín chắn và nghiêm túc, tấu hài cũng phải có ý nghĩa, đâu ra đó chứ không thể tự tung tự tác.
Tấu hài còn thế thì một tiết mục trình diễn dự thi trên sóng truyền hình, trên một không gian rộng lớn như chương trình Cặp đôi hoàn hảo mà “đầy sạn” là điều không thể chấp nhận, với thí sinh, với cả ban tổ chức.
Tôi thấy chuyện vay mượn tuồng tích, nhân vật như một trào lưu khi bỗng dưng nhiều ca sĩ tân nhạc thích “đóng cải lương” trong các live show của mình. Nói chung việc đó cũng không có gì sai nếu họ thể hiện đàng hoàng, đầu tư nghiêm túc, xem như một cách làm mới, một sự thử nghiệm, thể hiện, thậm chí chỉ để đáp trả tấm lòng người hâm mộ.
Tóm lại, thử nghiệm hay sáng tạo thế nào là việc của người biểu diễn. Cái chính là khi mượn tích tuồng thì trước hết phải biết tôn trọng giá trị nguyên bản từ nội dung đến nhân vật.
Đừng vì hiệu quả công việc mà làm méo mó nội dung, nhân vật dẫn đến “méo mó” chính bản thân mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận