Phóng to |
Tân sinh viên Luân phải đi vác gạo thuê kiếm tiền nhập học - Ảnh: V.Minh |
Dù cảnh đời có nghiệt ngã thế nào nhưng khao khát được vào giảng đường đại học, được thực hiện ước mơ của mình vẫn cháy bỏng trong các tân sinh viên này...
Khó tựa núi, không bỏ ước mơ
Trong căn nhà nhỏ xập xệ, khuôn mặt Nguyễn Thành Luân, thôn Minh Lộc, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) buồn rười rượi. Luân và cha ngồi trên chiếc giường tre cứ săm soi mãi tờ giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Liệu câu chuyện buồn năm 2012 có lặp lại với cậu học trò nghèo?
Năm 2012, Luân thi đỗ cùng lúc ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Y Huế. Luân quyết định ra Huế với mơ ước trở thành bác sĩ răng hàm mặt.
Nhà còn lại vài tạ lúa, ít con gà, cha mẹ Luân đem bán lấy tiền cộng với suất học bổng TSĐT của báo Tuổi Trẻ 5 triệu đồng, Luân tự tin ra Huế nhập học. Nhưng chỉ sau mấy ngày nhập học thì học phí, tiền phòng trọ, sách vở, ăn uống...nhanh chóng làm cạn túi Luân.
Sau buổi đi học, Luân dạo quanh các tuyến đường ở Huế kiếm việc làm. Nhưng kiếm việc ở Huế đâu dễ dàng. Luân kể: “Chỗ người ta nhận mình làm thì lại trùng giờ đi học, còn chỗ khác đi khuỵu cả chân vẫn không có việc”.
Ở Huế gần hai tháng, những đồng tiền cuối cùng sắp hết. Mấy đêm liền Luân thức trắng, trằn trọc suy nghĩ chuyện học của mình. Bế tắc, Luân quyết định nghỉ học về quê. Trên chuyến xe về quê đó, Luân lên kế hoạch đi làm kiếm tiền, năm sau thi tiếp và quyết chí cầm được tấm bằng đại học.
Một tháng sau, Luân đón xe đò vào Sài Gòn tìm việc làm với hành trang vài trăm nghìn đồng, vài bộ quần áo cũ, còn lại là sách vở. Đất lạ nhưng Luân không ngại, nhận làm đủ việc, từ giữ xe quán cà phê ở Thủ Đức, phục vụ bàn.
Thu nhập của Luân chưa khi nào quá 2,5 triệu đồng/tháng. Luân lấy một phần trang trải cuộc sống, phần còn lại dành dụm mua sách vở, tự ôn thi chủ yếu về đêm. Đến ngày thi năm nay, Luân đi thi và đậu vào khoa điện tử ĐH Bách khoa TP.HCM với 26,5 điểm.
Trong lá đơn gửi chương trình học bổng TSĐT, Luân viết: “Năm nay em tiếp tục đậu đại học. Đứng trước niềm hạnh phúc và vui sướng, một nỗi lo lớn lại đến với em và gia đình là kinh tế”.
Gia đình Luân thuộc diện cận nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Thủy, cha Luân, buồn bã: “Năm rồi Luân đậu mà phải bỏ học, gia đình rất buồn. Nhưng nếu Luân không nghỉ học, nhường cho hai anh thì gia đình lo không nổi ba đứa con học đại học”.
Nhà chỉ có ba sào lúa mùa được mùa mất, cha Luân phải làm thuê làm mướn quanh năm, mẹ Luân đau cột sống nên thu nhập chỉ đủ cái ăn bỏ miệng.
Ông Thủy vừa mượn được 2 triệu đồng để chuẩn bị cho Luân nhập học. Hè vừa rồi, hai anh Luân không về quê mà ở Đà Nẵng làm phụ hồ, sửa điện kiếm tiền.
Luân nói hai anh kiếm được 6 triệu đồng, cho Luân 2 triệu đồng, 4 triệu còn lại hai anh nộp học phí, ăn học năm tới. Còn Luân xin việc làm thêm trong một cơ sở gạo ở xã Tịnh Đông, cách nhà 5 cây số.
Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi bởi những bao gạo nặng trĩu trên vai, Luân khoe: “Mỗi ngày em được trả hơn trăm ngàn đồng. Em sẽ dùng số tiền này mua vé tàu xe và để dành ăn trong mấy ngày đầu vào học ở Sài Gòn khi chưa xin được việc làm thêm”.
Chia tay chúng tôi, Luân rất quyết tâm: “Em sẽ không bỏ học dù có khó khăn, nghiệt ngã đến đâu đi nữa. Nhập học rồi em sẽ xin việc làm thêm để đỡ vất vả cho gia đình”.
Phóng to |
Tân sinh viên Lê Thị Nở - Ảnh: Võ Trường |
Vào đại học nhờ gánh củi rừng
Nhà của tân sinh viên ĐH Luật TP.HCM Lê Thị Nở sát bìa rừng ở thôn Vinh Nam, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nở mồ côi ba khi còn đỏ hỏn, không lâu sau đó mẹ cũng mắc bệnh tâm thần, nên ông bà ngoại đã mang Nở về nuôi nấng chăm sóc từ tấm bé.
Có đến tận nhà cô gái này mới thấu hiểu hoàn cảnh éo le của cô. Ngoài giúp ông bà ngoại công việc nội trợ, hằng ngày Nở còn vào rừng đốn củi đem ra chợ bán kiếm thêm tiền lo cho việc học.
Nhưng số tiền bán củi cũng chẳng là bao, bởi mỗi gánh củi Nở kiếm được chỉ đáng giá 15.000-20.000 đồng. Trong khi đó mấy năm gần đây do tuổi cao sức yếu, ông ngoại thường đau yếu luôn.
Ông ngoại của Nở nói trong nước mắt: “Tui chừ tuổi đã 80, không biết có ráng nổi cho cháu ăn học hay không... Rủi đứt gánh giữa đường thì tội nghiệp nó quá”.
Cảnh nhà nghiệt ngã nhưng Nở lại rất siêng năng học tập bởi em rất hiểu chỉ có học tốt mới có cơ hội báo hiếu ông bà, thoát khỏi cái nghèo. Kỳ thi vừa qua Nở đã đậu vào ĐH Luật TP.HCM với 23 điểm...
Hành trang của cô gái miền quê lên phố thị học đại học chỉ có hai bộ quần áo, trong đó có bộ áo dài trắng duy nhất gắn bó với Nở suốt ba năm thời phổ thông đã cũ sờn, Nở phải gỡ đi phù hiệu... Lộ phí cho đứa cháu gái tội nghiệp, bà ngoại chắt bóp chỉ hơn 500.000 đồng...
Hôm chúng tôi đến, dù Nở mới đậu ĐH, căn nhà vẫn buồn tênh. Ông ngoại ốm, bữa cơm của hai bà cháu giữa ban trưa trong căn nhà tuềnh toàng, tài sản chẳng có gì ngoài tiếng gió từ cánh rừng thổi qua nghe sao nghèn nghẹn. Bà ngoại Nở lẩm nhẩm: “Sẽ chẳng còn được bao nhiêu bữa cơm sum vầy như thế này nữa!”.
Phóng to |
Thịnh bên mẹ và mẹ nuôi tại trung tâm phục hồi chức năng - Ảnh: Thanh Ba |
Cậu học trò “ngửi chữ” đỗ đại học
Cái tin Thịnh “ngửi chữ” - biệt danh thân thương mà mọi người hay gọi cậu học trò Phạm Phú Thịnh (lớp 12.1 Trường THPT Nguyễn Dục) đỗ cao (24 điểm) vào ngành sư phạm toán Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng đang làm xôn xao miền quê nghèo xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam.
Gặp Thịnh tại trung tâm phục hồi chức năng hòa nhập, nơi Thịnh đã sinh hoạt suốt bốn năm qua, các thành viên trong “ngôi nhà” khuyết tật đang xúm quanh chúc mừng Thịnh.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Phan Nhật Đức, giáo viên chủ nhiệm của Thịnh, không giấu được niềm hân hoan khi cậu học trò cưng của mình đỗ đại học: “Trong suốt 12 năm học Thịnh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và đặc biệt giỏi các môn tự nhiên. Nếu không bị thiệt thòi về thị lực thì tôi tin chắc Thịnh đã có thể đạt được kết quả cao hơn, do mỗi khi đọc em phải cúi xuống sát mặt chữ và nhận biết con chữ rất chậm”.
Bà Lưu Thị Huệ, mẹ Thịnh, chia sẻ: “Mắt cháu từ trước đến nay gần như không nhìn tỏ được mọi vật xung quanh, đi đứng loạng choạng cứ hay té ngã. Tôi đã bàn bạc với ba sắp nhỏ là sẽ ra Đà Nẵng buôn ve chai để cóp nhặt tiền nuôi con bốn năm ăn học còn lại”.
Khi được hỏi về dự định tương lai cũng như ước mơ sau này của mình, Thịnh quả quyết: “Em ước mơ trở thành một thầy giáo dạy toán. Sau này em sẽ trở về giảng dạy tại trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em bất hạnh”.
Thêm 230 tân sinh viên miền Trung được “Tiếp sức đến trường” Chiều nay 25-8 tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Palm Garden resort (TP Hội An, Quảng Nam), báo Tuổi Trẻ sẽ trao 230 suất học bổng trị giá 1,15 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất) cho 230 tân sinh viên học giỏi, vượt khó Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Tiếp sức đến trường” do báo Tuổi Trẻ cùng các đơn vị hảo tâm tổ chức, tài trợ. Đ.NAM |
* Tài trợ: CLB TSĐT Quảng Nam - Đà Nẵng, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần ôtô Đô Thành, nhóm thân hữu Quảng Ngãi tài trợ
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ; 3 tỉnh, thành đoàn và Sở Giáo dục - đào tạo Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng; Palm Garden resort.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận