Thí sinh dự thi môn toán kỳ thi THPT quốc gia tại điiểm thi trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Hội đồng điểm sàn năm nay gồm 27 thành viên đến từ các ĐH quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH công lập và ngoài công lập ở các vùng miền khác nhau trên cả nước.
Để phục vụ phiên họp điểm sàn năm 2017, Bộ GD-ĐT xây dựng phổ điểm theo từng khối thi (các khối thi truyền thống và một số tổ hợp có nhiều thí sinh đăng ký). Phổ điểm này không phải là phổ điểm thô bộ đã công bố trước đó, mà đã bổ sung điểm cộng ưu tiên cho từng thí sinh (ưu tiên theo khu vực, ưu tiên theo đối tượng).
Đặc biệt, do năm nay mỗi thí sinh thi nhiều môn, có thể sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển, nên để “lọc ảo”, Bộ GD-ĐT đã chọn phương án giả định mỗi thí sinh chỉ lấy một tổ hợp có điểm thi cao nhất tham gia xét tuyển.
Theo ông Ga, đây chỉ là dữ liệu tham khảo có tính tương đối, vì lựa chọn tổ hợp xét tuyển nào ở nguyện vọng ưu tiên cao nhất thuộc quyết định của thí sinh. Dựa trên dữ liệu điểm thi này, đối chiếu với chỉ tiêu ĐH, hội đồng điểm sàn sẽ xác định được hệ số dư dôi.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ "Nếu lấy điểm sàn năm 2016 làm mốc so sánh thì với điểm thi năm nay, hệ số dư dôi sẽ là bao nhiêu?", ông Ga cho biết chưa thể công bố tính toán về hệ số dư dôi này. Tuy nhiên, trong khi xác định điểm sàn còn phải tính toán đến khả năng dịch chuyển khi lựa chọn trường ĐH của thí sinh.
“Kinh nghiệm cho thấy, vì việc tính toán khả năng dịch chuyển của thí sinh rất khó, nên nhiều khi hệ số dư dôi lớn mà các trường vẫn không tuyển đủ thí sinh” - ông Ga nói.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2017 các trường ĐH trên cả nước có tổng cộng 332.500 chỉ tiêu ĐH xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia.
Trong khi đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia là 640.000 thí sinh, nghĩa là tỉ lệ “chọi” ĐH chung năm nay ở mức xấp xỉ 1 “chọi” 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận