Học sinh tham dự ngày hội ở Hà Nội sáng 21-6 - Ảnh: NAM TRẦN
Tại ngày hội, Bộ GD-ĐT sẽ thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; các trường đại học trong cả nước sẽ thông tin phương án xét tuyển năm 2020. Ngoài ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ thông tin thị trường lao động trong những năm tới cũng như ngành nghề đào tạo các trường trong hệ thống tổng cục này.
Ngày hội TP.HCM có hơn 200 gian tư vấn và Ngày hội Hà Nội có 150 gian của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề, trung tâm tư vấn du học...
Giúp học sinh thêm thông tin hữu ích trước kỳ thi, đăng ký xét tuyển
Tại buổi khai mạc ngày hội ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết chương trình và ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2020 diễn ra tại 3 miền đúng vào lúc học sinh đang trong thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, sẽ giúp các em có thể tìm hiểu kỹ lưỡng cách thức làm hồ sơ dự thi về ngành nghề của cuộc đời mình, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều thay đổi đến giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc ngày hội ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Phúc nhấn mạnh, suốt 18 năm qua, báo Tuổi Trẻ luôn đồng hành cùng các chương trình, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp trên khắp cả nước. Ngoài hỗ trợ các em học sinh, các chương trình cũng giúp Bộ GD-ĐT kết nối gần hơn với học sinh, qua đó lắng nghe những nguyện vọng của các em để có những điều chỉnh kịp thời.
TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, chia sẻ đại học là một lựa chọn tốt nếu học sinh có nền tảng kiến thức phổ thông chắc chắn, tuy nhiên nếu muốn tham gia thị trường tốt hơn, sớm hơn thì có thể chọn con đường giáo dục nghề nghiệp.
Ông cho biết trong năm qua, 85% sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm thu nhập ổn. Thậm chí những sinh viên giỏi thì ngay năm nhất, năm hai đã có việc. Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng khuyến khích nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề, thích ứng với yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.
Đại diện báo Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo, khẳng định báo Tuổi Trẻ luôn đồng hành cùng các bạn học sinh trong những giai đoạn quan trọng nhất. Sắp tới, có thể báo sẽ tổ chức thêm các ngày hội tư vấn việc làm để hỗ trợ học sinh sau khi tốt nghiệp, đồng thời phối hợp triển khai các ứng dụng (app) tư vấn đến học sinh.
Cũng tại buổi khai mạc, hội trường đầy sôi động trước những màn trình diễn điệu nghệ của vũ công Quang Đăng cùng tài dẫn chương trình duyên dáng của MC Nguyên Khang.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tặng hoa cho Phó TBT báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TỰ TRUNG
Vũ công Quang Đăng trình diễn vũ điệu rửa tay "ghen cô Vy" tại buổi khai mạc ngày hội ở TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trao đổi những điểm mới trong tuyển sinh cao đẳng, trung cấp năm 2020, ông Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết năm nay đẩy mạnh xét tuyển trực tuyến, đăng ký nguyện vọng, đăng ký xét tuyển đều thực hiện trực tuyến bên cạnh phương thức xét tuyển truyền thống. Cổng thông tin tuyển sinh của tổng cục có đầy đủ thông tin của hơn 1.000 ngành nghề khác nhau, thông tin các trường.
Thí sinh tìm hiểu, đăng ký xét tuyển trực tuyến trên cổng thông tin này sẽ được chuyển thẳng đến các trường. Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cơ bản rất thuận lợi, không yêu cầu quá nhiều điều kiện và thủ tục.
"Luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa cho thí sinh"
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội Tư vấn tuyển sinh Hướng nghiệp diễn ra tại Hà Nội ngày 21-6, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng- Bộ GD-ĐT, đã khẳng định điều này.
PGS-TS Mai Văn Trinh chia sẻ: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức muộn hơn thường niên. Tuy nhiên, kỳ thi không xáo trộn, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.
"Đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch COVID-19, không đánh đố thí sinh. Độ khó của kỳ thi sẽ phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy học, mức độ phân hóa của đề thi đã được điều chỉnh".
PGS.TS Mai Văn Trinh phát biểu tại ngày hội diễn ra ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
PGS-TS Mai Văn Trinh cũng khẳng định các giải pháp nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc trong kỳ thi năm nay được tăng cường, đảm bảo công bằng, khách quan.
"Hầu hết các trường ĐH-CĐ vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh cùng với các tiêu chí khác. Các em cần tham khảo đề án tuyển sinh của từng trường để lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai phù hợp, bắt đầu bằng việc đăng ký nguyện vọng vào ngôi trường mình mơ ước ngay sau Ngày hội này" - PGS-TS Mai Văn Trinh chia sẻ với các thí sinh tại Ngày hội Hà Nội.
"Hãy ghi vào sổ những mốc thời gian quan trọng"
PGS-TS Mai Văn Trinh nhắc nhở thí sinh phải ghi ngay những mốc thời gian quan trọng để tránh bỏ lỡ những việc cần thiết, ảnh hưởng đến việc dự thi và tuyển sinh ĐH-CĐ.
Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết qua việc đăng ký dự thi của thí sinh các năm qua, có một số lỗi sai sót phổ biến như ghi sai mã trường, mã ngành, tổ hợp xét tuyển, các lỗi tên không viết hoa, sai quy cách, ghi sai phần đăng ký môn thi, khu vực tuyển sinh…Vì thế để tránh sai sót, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để điền phiếu đăng ký chính xác.
"Khác với năm ngoái, năm nay thí sinh là học sinh lớp 12 chỉ được đăng ký 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, không được đăng ký chọn môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, không được đánh dấu X vào từng môn học là phần dành cho thí sinh tự do. Trong khi đó, thí sinh có thể chọn 2 bài thi, hoặc chỉ chọn một số môn thi thành phần, tùy theo mục đích xét tuyển ĐH-CĐ của mình" - ông Mai Văn Trinh lưu ý.
Các bạn học sinh chăm chú nghe giải đáp các thắc mắc của các thầy trong ban tư vấn - Ảnh: NAM TRẦN
Liệu có mưa điểm 10 không?
"Em nghe nói đề thi năm nay sẽ dễ hơn nhiều các năm trước, vậy có xảy ra tình trạng "mưa điểm 10" không? Nếu như vậy thì các trường tốp đầu có sự cạnh tranh cao có khó khăn tuyển sinh không?" - một thí sinh hỏi.
PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định: "Trong bất kỳ kỳ thi nào, để đáp ứng mục tiêu kỳ thi phải có tính phân hóa. Đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT ban hành là tài liệu để học sinh tham khảo khi ôn tập.
Theo đó đề thi có nhiều mức độ, bám sát chương trình cơ bản, nhưng vẫn có những câu phân hóa. Để đạt được điểm 9,10 phải là những học sinh học tốt. Vì thế các trường có khả năng cạnh tranh cao vẫn có thể đảm bảo yêu cầu sàng lọc để tuyển sinh".
Theo nghề gì để 4 năm sau không thất nghiệp?Với câu hỏi này, chuyên gia gợi ý ngành dịch vụ khách sạn, logistics... nhưng lưu ý thí sinh: hãy căn cứ vào sở trường của mình nghiêng về nhóm môn học nào, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề nào.
Học sinh đến tham dự ngày hội ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Các bạn học sinh Trường THPT Chợ Gạo, Tiền Giang từ mờ sáng đã có mặt tại ngày hội ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhiều học sinh đến ngày hội mong được thầy cô tư vấn trực tiếp chọn ngành - chọn nghề trong bối cảnh mới - Ảnh: NAM TRẦN
Bạn Quỳnh Trân đến với ngày hội tư vấn tuyển sinh mong muốn tìm hiểu về ngành quản trị khách sạn của Trường ĐH Văn Lang, đồng thời tham khảo thêm nhiều ngành khác để có quyết định cuối cùng - Ảnh: ÁNH TRINH
Giáo sư Võ Văn Tới, giảng dạy bộ môn Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, đang tư vấn cho các em học sinh - Ảnh: TỰ TRUNG
Học sinh trường THPT Nguyễn Thái Bình lắng nghe các anh chị sinh viên tư vấn - Ảnh: KHÁNH TRẦN
Hoài Nam (lớp 11 trường THPT Ba Đình, Hà Nội) dự tư vấn tuyển sinh tại gian Đại học Kinh tế Quốc dân. Em cho biết năm nay chưa thi tuyển đại học nhưng muốn nghe tư vấn trước để điều chỉnh khối học phù hợp - Ảnh: MAI THƯƠNG
Chú Tấn Hữu (44 tuổi) đi xe máy từ Long An lên TP.HCM dự ngày hội cùng con trai Nhật Anh (học sinh chuyên THPT Long An) và nghe tư vấn về ngành khoa học máy tính của ĐH Bách khoa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Các bạn học sinh tham gia trò chơi tại gian hàng Trường Cao đẳng du lịch Sài Gòn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Học sinh tham gia chương trình ở Đà Nẵng sáng 21-6 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Học sinh tham gia chương trình ở Đà Nẵng sáng 21-6 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Ban tư vấn tại Ngày hội TP.HCM:
Ông Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH)
ThS Hoàng Thúy Nga - Bộ GD-ĐT
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS Đặng Thị Ngọc Lan - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing
TS Hồ Nhựt Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - trưởng khoa dinh dưỡng, tiết chế - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
ThS Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng phụ trách phòng kế hoạch đào tạo - khảo thí Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM
ThS Trần Đình Huyên - trưởng ban quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở II tại TP.HCM
ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Ban tư vấn tại Ngày hội Hà Nội:
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội
PGS.TS Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT
ThS Phạm Văn Lương - Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
GS.TS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải
TS Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội
TS Nguyễn Thanh Bình - trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia
Hà Nội)
TS Nguyễn Đào Tùng - phó giám đốc Học viện Tài chính
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
Ông Đào Trọng Độ - phó vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH)
TS Phạm Ngọc Thạch - chủ tịch hội đồng Trường ĐH Hà Nội
PGS.TS Vũ Thị Hiền - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương
ThS Mạc Văn Tạo - phó trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân
ThS Nguyễn Văn Hồng - phòng quản lý đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Ban tư vấn tại Đà Nẵng:
Ông Đào Phan Vũ - Bộ GD-ĐT;
Ông Phạm Xuân Thu - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM;
PGS.TS Giang Thị Kim Liên - phó trưởng Ban đào tạo - Đại học Đà Nẵng;
TS Nguyễn Công Hào - trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên- Đại học Huế;
TS.BS Lê Thị Thúy - phó hiệu trưởng Trường ĐH kỹ thuật - y dược Đà Nẵng;
TS Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân;
Ông Mai Tấn Linh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận