Mỗi ngày làm việc, nhận ra những điều có thể thay đổi giúp mọi thứ tốt hơn, Lê Kiều Trinh và Dương Tấn Chiêu đã cho ra đời những sáng kiến mang lại nguồn lợi lớn cho đơn vị, cộng đồng mà họ chỉ xin phép tự nhận là "cải tiến để mong công việc tốt hơn".
Sáng kiến từ một con vít
Chị Lê Kiều Trinh - phó giám đốc công viên Lê Văn Tám - nói ngắn gọn về sáng kiến đang được áp dụng của mình rằng "nhỏ nhặt lắm". Thế nhưng điều nhỏ nhặt ấy của chị lại đang được nhân rộng tại nhiều đơn vị vườn ươm, công viên ở TP.HCM rất hiệu quả, tiết kiệm hơn rất nhiều so với cách làm cũ.
Chị Trinh đã có 20 năm làm bạn cùng cây xanh trước khi nhận vai trò quản lý tại công viên nói trên. Với chị, khu vườn ươm Đông Thạnh (Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM) nhiều năm liền là nơi làm việc nhưng cũng như nhà của mình. Việc tưới cây, tỉa cành, trị sâu, bón phân, phát cỏ dại, bứng cây bó bầu... mỗi ngày tưởng chừng đã quá quen thuộc nhưng cô công nhân vườn ươm Lê Kiều Trinh thấy sẽ rất tốn công nếu công nhân phải kéo ống tưới cho toàn diện tích 45ha toàn vườn ươm.
Nhưng đầu tư một hệ thống tưới tự động lại vô cùng tốn tiền. Chị Trinh nhận ra việc dùng các béc phun hiện có trên thị trường chưa hẳn là biện pháp tốt nhất. Giá của một béc phun mua sẵn thấp nhất chừng 55.000 đồng, cao nhất 130.000 đồng nhưng lại chỉ hoạt động tốt trong sáu tháng đổ lại. Vậy là chị mày mò tìm cách.
Thay vì dùng béc phun tự động sẵn có, chị Trinh cho bít toàn bộ đường ống rồi dùng ốc vít khoan một lỗ vừa đủ tại các điểm cần phun. Độ mạnh nhẹ của sương nước bắn ra được điều chỉnh bằng việc xiết con vít nông sâu. Khi áp dụng, với sáng kiến của công nhân Lê Kiều Trinh chỉ tốn 2.000 đồng nhưng công dụng tương tự như béc phun bán trên thị trường. Tức là rẻ gần 30 lần so với giá thiết bị rẻ nhất hiện có.
Chị còn là tác giả của cách trồng cây trong túi vải. Chính cách này đã giúp giảm tỉ lệ chết của nhiều loại cây "khó tính" sau công đoạn bứng để bó bầu, có loại giảm 10%, có loại giảm tỉ lệ chết đến 30%. "Vải được dùng từ các công ty may thải ra rồi được may lại. Cây được trồng trong túi vải đến khi xuất vườn đi trồng không cần bứng hay xắn rễ nữa nên tỉ lệ cây chết giảm xuống dưới 1%", chị Trinh kể.
Hạnh phúc vì sáng kiến được công nhận
Anh Dương Tấn Chiêu - phó giám đốc sản xuất Công ty cổ phần hóa chất TP.HCM - từng để lại nhiều ấn tượng trong chương trình tuyên dương "Lao động giỏi, lao động sáng tạo năm 2023" vừa qua khi sở hữu nhiều sáng kiến hay.
Một phần vì yêu cầu công việc nhưng cái chính do "máu" sẵn có nên anh xem việc cải tiến, tìm tòi sáng kiến như một phần nhiệm vụ. "Thị trường cạnh tranh, ban giám đốc đưa ra chủ trương cần giảm chi phí sản xuất, giảm tiêu hao điện năng, các dịch vụ trong kinh doanh nên tôi cũng gắng", anh Chiêu lý giải cho sáng kiến của mình.
Anh nói việc cắt bỏ chất trợ nghiền (hóa chất đặc biệt giúp quá trình nghiền một vật trở nên dễ dàng hơn) trong sản xuất là sáng kiến khó nhằn nhất. Vì chất trợ nghiền đã đi theo công nghệ, máy móc và kỹ thuật quen thuộc của công ty hơn 20 năm qua. Anh đã có nhiều đêm thức trắng, làm cả chục nghiên cứu, thử nghiệm nhiều mẫu, đo đếm thông số trước khi chứng minh sáng kiến này hữu hiệu và có thể áp dụng thực tiễn.
Khi áp dụng, tại một số công đoạn sản xuất, chất trợ nghiền được ngưng sử dụng, tiết kiệm cho công ty hơn 200 triệu đồng mỗi năm. "Quan trọng nhất khi quyết định cuối cùng loại bỏ chất trợ nghiền khỏi chuỗi sản xuất bởi quá trình tính toán cho thấy không dùng chất này hầu như không làm ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm", anh Chiêu cười.
Tác giả Dương Tấn Chiêu từng để lại ấn tượng tốt với ban giám đốc khi đưa ra đề xuất mở rộng công xưởng, nhập thêm hai hệ thống máy móc, dây chuyền vì "nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh".
Sau khi cân nhắc, lãnh đạo công ty đồng ý mở rộng nhà xưởng, tăng thêm dây chuyền sản xuất, tăng thêm số lao động. Hiện tại, đề xuất này đã chứng minh tầm nhìn, hướng đi ấy là đúng và đang từng ngày mang lại hiệu quả lớn cho công ty.
Đại hội XII Công đoàn TP.HCM bắt đầu làm việc
Hôm nay (22-9), Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) bắt đầu làm việc, kéo dài đến 24-9 với sự tham dự của 549 đại biểu chính thức.
Nhiệm kỳ sắp tới xác định ba khâu đột phá, trong đó tập trung đối thoại, thương lượng tập thể (tiền lương, thưởng, điều kiện và thời gian làm việc) để mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động. Cạnh đó, xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước song song với việc chuyển đổi số toàn diện hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính.
Ba chương trình trọng tâm được xác định gồm: Nâng cao năng lực đại diện, hiệu quả thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, thực hành dân chủ ở cơ sở; Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; Công đoàn TP đẩy mạnh hoạt động trợ vốn, tín dụng cá nhân, tích cực tham gia phòng chống "tín dụng đen" trong công nhân lao động.
Trên 166.000 sáng kiến
Tính đến nay, TP.HCM đã có hơn 166.000 sáng kiến cùng đăng ký thực hiện chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Đô - trưởng ban chính sách - pháp luật (Liên đoàn Lao động TP.HCM) - nói các sáng kiến được đánh giá bằng kết quả việc làm lợi cụ thể, mang lại giá trị thực tiễn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội.
Ghi nhận cho thấy công đoàn cơ sở có nhiều sáng kiến nhất tại TP.HCM là Công đoàn các doanh nghiệp công ích và dịch vụ thương mại với hơn 4.600 (chỉ tiêu được giao 1.182 sáng kiến). Còn Công đoàn ngành y tế TP hoàn thành mục tiêu trước năm tháng với 4.445 sáng kiến (chỉ tiêu 3.586). Trong đó nhiều bệnh viện vượt chỉ tiêu ở mức cao như: Từ Dũ, Truyền máu Huyết học, Bình Dân, Hùng Vương...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận