Anh Nguyễn Minh Vũ kiểm tra chiếc tủ điều khiển lò sấy máy biến áp - Ảnh: L.Hồng |
Anh Nguyễn Minh Vũ (32 tuổi), chuyên viên phòng điều độ Công ty Điện lực Đắk Lắk, đã chế tạo “Tủ tự động điều khiển tinh vô cấp nhiệt độ lò sấy máy biến áp” và đưa vào sử dụng gần một năm nay tại công ty.
Sản phẩm của anh thợ trẻ đã đoạt giải ba sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2015 và Trung ương Đoàn tôn vinh sáng tạo trẻ toàn quốc. Anh Vũ cũng là một trong 38 người thợ trẻ giỏi toàn quốc vừa được tôn vinh tại tỉnh Bình Thuận ngày 19-5.
Nhờ tính ứng dụng, tiện lợi cao nên hiện một số công ty điện lực tìm đến đặt mua sản phẩm. Anh Phạm Hữu Huỳnh - người trực tiếp vận hành máy - cho biết tủ điều khiển lò sấy máy biến áp hoàn toàn tự động đã giảm thiểu nhiều rủi ro.
“Máy điều khiển cho phép chủ động hẹn giờ, tự động chuyển chế độ khiến việc vận hành máy trở nên rất dễ dàng. Làm tự động nên rút ngắn thời gian sấy khoảng 10 giờ so với máy cơ trước đó, tiết kiệm chín nhân công trực vận hành trong một chu trình sấy” - anh Huỳnh nói.
Về ý tưởng chế tạo, anh Vũ kể một lần nhìn thấy chiếc lò sấy máy biến áp hoạt động phải tốn nhiều nhân công trực giám sát trong nhiều ngày liên tục. “Tôi suy nghĩ sấy máy biến áp phải diễn ra thường xuyên, kéo dài mà lại luôn phải có người ở bên túc trực, thế vào những ngày nghỉ sẽ ra sao?
Bên cạnh đó, chất lượng điện ở những hộ xung quanh sẽ bị ảnh hưởng mạnh do hồ quang điện được tạo ra trong quá trình sấy. Rồi tôi lên mạng tìm hiểu được biết hiện ngành điện trong nước chưa có loại máy sấy tự động nên bắt tay vào tìm hiểu để làm luôn” - anh Vũ nhớ lại.
Chiếc tủ điều khiển được cài đặt làm việc với hai chế độ gồm chế độ sấy và chế độ ủ nhiệt. Sau khi kết thúc chu trình sấy sẽ tự động chuyển sang chế độ ủ nhiệt để tránh hiện tượng hút ẩm trở lại trong thời gian chờ nhân viên đưa máy ra khỏi lò và tiến hành lắp ráp hoàn thiện máy.
Để làm được chiếc tủ điều khiển tự động này, anh Vũ kể: “Thời đại học, mình ở trọ cùng một nhóm bạn thường hay làm robocon. Họ học lập trình, mình cũng hí húi xin tài liệu đọc rồi xem quá trình chế tạo robocon như thế nào chứ không được tham gia. Tiếc công học lỏm, sợ mai một kiến thức nên lâu nay mình vẫn ôn lại và thực hành bằng cách thiết kế các bo mạch điện và lập trình cho các công ty quảng cáo”.
Để chế tạo thành công chiếc tủ điều khiển này, anh Vũ mất cả năm trời mày mò nghiên cứu. “Thất bại khá nhiều và rất tốn kém cho những lần thử nghiệm, sáng chế nhưng lúc nào cũng thấy đam mê, cứ muốn theo đuổi nghiên cứu đến cùng. Tiền “thuế” đưa cho vợ hằng tháng cuối cùng cũng vì thế mà cứ hao hụt đi” - anh Vũ hài hước chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận