Anh Thắm (phải) cùng công nhân của mình chế tạo một bộ phận trong chiếc máy cưa CD tự động - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Miệt mài bên chiếc máy cưa CD tự động chuyên dùng để xẻ gỗ, anh Thắm cho biết đây là một trong những chiếc máy sẽ xuất qua châu Phi sau khi hoàn thành. "Riêng thị trường này, dự kiến mỗi năm tôi xuất khoảng 100 máy cưa CD tự động" - anh Thắm nói.
Điều quan trọng là dám ước mơ và đủ kiên trì theo đuổi. Thành công nhất định sẽ đến dù sớm hay muộn
Anh PHẠM HỒNG THẮM
Cạnh tranh với nước ngoài
"Cơ bản chiếc máy cưa CD tự động giống chiếc máy truyền thống nhưng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như được thiết kế hoạt động dưới hai chế độ: tự động và bán tự động; giảm chi phí cưa xẻ và đảm bảo an toàn cho người điều khiển" - anh Thắm giới thiệu về sản phẩm của mình với ánh mắt đầy đam mê.
Đáng chú ý, bộ điều khiển của máy cưa CD tự động có khả năng điều chỉnh nâng hạ lưỡi cưa nhằm điều chỉnh độ dày của miếng ván hoặc thanh gỗ cưa theo ý muốn. Việc căng lưỡi cưa được thực hiện bằng hệ thống thủy lực có trang bị đồng hồ áp suất chỉ lực căng nên đảm bảo lực căng ổn định, giảm tối thiểu sự cố đứt lưỡi cưa.
Sản phẩm này đã xuất sắc giành giải nhất trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang năm 2016. Kỹ sư Phạm Việt Hồng, phó ban thường trực ban giám khảo hội thi này, cho biết: "Sáng kiến của anh Thắm gần như thay thế toàn bộ những khiếm khuyết của máy cưa thủ công lâu nay vốn có năng suất thấp, chi phí cao, thiếu an toàn.
Nhờ được tự động hóa bằng lập trình của mình, máy cưa do anh Thắm sáng chế có tính tự động cao, dễ sử dụng, giá thành hạ nên có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập trong khi chất lượng vẫn đảm bảo, thậm chí vượt trội".
Chọn đến nhà máy
Người dân địa phương gọi Thắm là "kỹ sư Hai Lúa" và kể về sự ham học hỏi của anh. Sinh ra trong gia đình nghèo khó ở huyện Tân Phú Đông, một huyện cù lao nghèo lọt thỏm giữa hai con sông Cửa Đại và Cửa Tiểu thuộc tỉnh Tiền Giang, anh Thắm đã sớm ý thức chỉ có con đường học mới thoát được nghèo.
Nhà đông anh em, được người anh lớn nhường "suất học", Thắm theo học ngành cơ khí của Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM). Với niềm đam mê cơ khí chế tạo từ nhỏ, ngoài giờ học trên lớp, anh đến những xưởng cơ khí nhỏ xin học thực tế.
Và anh chọn thực tập tại Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP.HCM). "Tại đây, tôi đã học tập được nhiều kiến thức bổ ích nhưng chỉ làm ở một công đoạn nên sau khi ra trường tôi tiếp tục xin vào các xưởng đóng tàu khác để tìm tòi" - anh Thắm cho biết.
Sau thời gian làm ở TP.HCM, anh về lại quê Tiền Giang và đảm trách công đoạn cân chỉnh máy cho các xưởng đóng tàu tại thành phố Mỹ Tho, sau đó nhận thêm công việc tại các xưởng xẻ gỗ ở miền Tây.
Nhận thấy các nhược điểm của máy xẻ gỗ truyền thống, anh Thắm rẽ sang con đường mới là nghiên cứu khắc phục các điểm yếu của máy cưa.
Đến năm 2010 anh cho ra đời máy cưa gỗ CD tự động đầu tiên và năm 2012 anh Thắm cùng em trai của mình là Phạm Hồng Thơm (34 tuổi) thành lập Công ty TNHH MTV cơ khí và tự động hóa Tân Phước Đông ở quê nhà Tân Phú Đông.
Công ty vừa mở thêm một xưởng sản xuất ngay tại TP Mỹ Tho để tiện giao dịch và giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Anh Nguyễn Minh Cẩm, tốt nghiệp Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, hiện là công nhân tại công ty này với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng cho biết: "Mức lương này ở quê có dư dả do không tốn chi phí thuê trọ, vật giá thấp, lại được gần nhà lo cho gia đình".
Nhiều sản phẩm sáng tạo
Máy cưa CD tự động của công ty anh Thắm có mặt ở khắp các tỉnh như Bến Tre, Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai... Cộng thêm việc xuất khẩu sang thị trường châu Phi, mỗi năm công ty thu về khoảng 6 tỉ đồng.
Ngoài sản phẩm cưa CD tự động, anh Thắm còn sáng chế "Máy bấm me lưỡi cưa CD" và máy mài CD tự động. Tất cả những sản phẩm này đều được bán rộng rãi khắp nước và trên thế giới. Sắp tới đây, anh dự định cho ra sản phẩm lưỡi cưa có gắn thép gió để tăng độ bền và cắt gọt tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận