Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đây là các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này ở ngoại thành Hà Nội.
Tính đến 6h sáng 6-5, Việt Nam có tổng cộng 1.634 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 64 ca.
Trong đó, Hà Nam có 14 ca, Vĩnh Phúc 15 ca, Hà Nội 5 ca, Hưng yên 2 ca, Đà Nẵng 2 ca, Quảng Nam 1 ca, Yên Bái 1 ca, Đồng Nai 1 ca, Hải Dương 1 ca, và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh là 22 ca.
Hôm qua 5-5, Bộ Y tế, chính quyền TP Hà Nội và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã có hàng loạt quyết định quan trọng, trong đó có việc cách ly y tế bệnh viện này đến ngày 19-5.
Bệnh viện cũng tạm ngưng đón bệnh nhân ngoại trừ bệnh nhân nặng dù đây là cơ sở y tế đầu ngành điều trị các bệnh truyền nhiễm như viêm gan, uốn ván, sốt xuất huyết, cúm, đặc biệt là COVID-19.
Trong ngày 5-5 cũng có thêm hơn 90.000 người được tiêm chủng ngừa COVID-19, nâng số người đã được tiêm tại Việt Nam lên 675.000.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở Việt Nam đến nay là 35 ca. Đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Philippines mở rộng lệnh cấm nhập cảnh, theo đó sẽ cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh từ ngày 7 đến 14-5 nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ.
Trước đó, Philippines đã cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Ấn Độ từ ngày 29-4 đến ngày 14-5 do tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Á này đang trở nên trầm trọng.
Ngày 5-5, cơ quan y tế Philippines thông báo có thêm 5.685 ca mắc mới và 178 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.073.555 ca và 17.800 ca tử vong.
Malaysia đã tái áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) tại thủ đô Kuala Lumpur từ ngày 7 đến 20-5 tới. Đây là lần thứ ba thủ đô của Malaysia được đặt dưới tình trạng MCO để kiểm soát đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, việc di chuyển giữa các quận và giữa các tiểu bang cũng bị cấm trừ trường hợp khẩn cấp và mục đích vì công việc. Ngày 5-5, Malaysia ghi nhận thêm 3.744 ca mắc COVID-19, trong đó có 313 ca tại Kuala Lumpur, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 434.376 ca.
Cho đến giờ, các nước đều nhìn nhận chỉ có giải pháp tiêm vắc xin mới mang tính dài hạn cho việc phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, tại Indonesia, 155.000 binh sĩ và cảnh sát sẽ được triển khai trong khuôn khổ chiến dịch Ketupat Jaya 2021 từ ngày 6 đến 17-5 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo từ ngày 13 đến 14-5.
Lực lượng trên sẽ thiết lập 2.693 chốt kiểm soát, xử lý các hành vi gây rối trật tự, đảm bảo an ninh tại các địa điểm công cộng như trung tâm mua sắm, nhà ga, sân bay, bến xe buýt, cảng biển và các điểm du lịch.
Thái Lan ngày 5-5 cũng ghi nhận 2.112 ca mắc mới và 15 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 74.900 ca, trong đó có 318 ca tử vong. Đa số ca mắc mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô Bangkok tiếp tục là tâm dịch khi ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất với 789 ca.
Hàn Quốc mở cửa cho "hộ chiếu vắc xin"
Hàn Quốc miễn cách ly bắt buộc đối với người được tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19. Theo đó, từ ngày 5-5, những người đã được tiêm đủ liều vắc xin sẽ không phải thực hiện việc cách ly bắt buộc 14 ngày khi trở về Hàn Quốc, kể cả gần đây có tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người trở về từ các nước có số ca mắc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cao như Nam Phi và Brazil.
Ngày 5-5, theo Hãng tin Reuters, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố số liệu nghiên cứu ở 3,5 triệu người Hàn trên 60 tuổi đã được tiêm cho thấy 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca Plc và Pfizer có hiệu quả phòng bệnh đến 87% chỉ sau mũi tiêm đầu.
Hàn Quốc mới chỉ tiêm chủng ngừa COVID-19 được cho 6,7% của dân số 52 triệu dân dù đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số vào tháng 9 tới và đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11-2021.
Tại Việt Nam, trong buổi họp báo Chính phủ chiều 5-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã trả lời một số vấn đề liên quan tới "hộ chiếu vắc xin" COVID-19.
Thoe ông, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai "hộ chiếu vắc xin". Tuy nhiên, "hộ chiếu vắc xin" vẫn là vấn đề đang được nhiều nước nghiên cứu, thảo luận.
"Hộ chiếu vắc xin" chỉ có hiệu quả khi Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. Do đó khi áp dụng "hộ chiếu vắc xin", chúng ta phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận