Đồ họa: THÀNH THÁI
Bản tin sáng 3-7 có 239 ca mắc mới (BN18122-18360), đều là ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (215), Phú Yên (11), Hưng Yên (10), Bạc Liêu (2), Bắc Ninh (1); trong đó 206 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
- 11 ca bệnh (BN18122-BN18128, BN18132, BN18141, BN18144-BN18145) ghi nhận tại tỉnh Phú Yên: là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 1-7 dương tính với COVID-19.
- 2 ca bệnh (BN18129-BN18130) ghi nhận tại tỉnh Bạc Liêu: có tiền sử đi về từ TP.HCM, đã chủ động khai báo y tế và được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 2-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
- 1 ca bệnh (BN18131) ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: nữ, 49 tuổi, địa chỉ tại phường Tiền An, TP Bắc Ninh; trong khu vực phong tỏa. Kết quả xét nghiệm lần 4 ngày 2-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
- 10 ca bệnh (BN18133-18140, BN18142-BN18143) ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên: là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 2-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở Đông Anh.
- 215 ca bệnh (BN18146-BN18360) ghi nhận tại TP.HCM: 182 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 33 ca đang điều tra dịch tễ.
Tính đến 6h ngày 3-7, Việt Nam có tổng cộng 16.524 ca ghi nhận trong nước và 1.836 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay là 14.954 ca, trong đó có 4.621 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 13 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.
Có 10 tỉnh thành không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bạc Liêu. Số ca điều trị khỏi từ đầu mùa dịch là 7.395 ca.
Có thêm gần 27.850 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 2-7, tính đến 16h ngày 2-7, tổng cộng đã thực hiện tiêm gần 3.842.650 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là trên 214.400 người.
Báo cáo tại cuộc họp chống dịch ngày 2-7, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết số ca mắc mới trong thời gian vừa qua tại TP.HCM liên tục nằm ở mức 3 con số, đặc biệt có những ngày ghi nhận trên 500 trường hợp bệnh nhân.
Ông Bỉnh nhận định nguyên nhân do chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này lây nhiễm, bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh...
Các ca khám bệnh lúc đầu chỉ vài ca, từ các ca chỉ điểm rồi phát hiện thêm các ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ tại vùng ven, cụm dân cư huyện ngoại thành. Từ đây xâm lấn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn phức tạp, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch không chỉ khu trú tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh và một số tỉnh xa có mối quan hệ mật thiết với TP.HCM, mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương.
Bên cạnh đó, các ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng xảy ra cao, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Qua đánh giá, thảo luận với các điểm cầu quận huyện cho thấy việc tổ chức công tác xét nghiệm triển khai đồng bộ từ tổ chức lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm, hợp mã để trả kết quả còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Công tác truy vết trong thời gian vừa qua chưa đạt được như mong đợi, khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Với các khu cách ly do quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - yêu cầu không tổ chức cách ly tại trường học, đặc biệt là các trường tiểu học, các khu cách ly cần đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, được lắp đặt camera… theo đúng các quy định.
Ông Phong yêu cầu các địa phương xem xét việc chọn sử dụng các nhà khách, khách sạn trên địa bàn, các khu nhà tái định cư… để tổ chức cách ly, các quận, huyện cần nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly F1 tại nhà.
Đối với vấn đề thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện thành phố đã chuẩn bị phương án 10.000 giường, đồng thời cũng sẽ có kế hoạch mở rộng quy mô để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới.
Trong sáng 2-7, TP.HCM cũng đã tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch từ 12 đơn vị cá nhân, tổ chức với tổng trị giá ước tính lên đến 250 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận