Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tính từ 18h chiều 23-6 đến 6h sáng 24-6, Bộ Y tế xác định 42 ca mắc mới (BN13948-13989) gồm 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (4), Tây Ninh (1). Trong số 37 ca ghi nhận trong nước, gồm tại TP.HCM (26), Thái Bình (3), Bắc Giang (3), Tây Ninh (2), Long An (2), Khánh Hòa (1); trong số này có 28 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
- 26 ca bệnh (BN13962-BN13987) ghi nhận tại TP.HCM gồm 24 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 2 ca đang điều tra dịch tễ.
- 3 ca bệnh (BN13949, BN13951-BN13952) ghi nhận tại tỉnh Thái Bình đang điều tra dịch tễ. Các ca này đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
- 3 ca bệnh (BN13955-BN13956, BN13988) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.
- 2 ca bệnh (BN13958-BN13959) ghi nhận tại tỉnh Tây Ninh có 1 ca có tiền sử đi về từ Đà Nẵng đã được cách ly từ trước, 1 ca đang điều tra dịch tễ.
- 1 ca bệnh (BN13960) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa là nữ, 53 tuổi, địa chỉ tại TP Nha Trang, liên quan đến BN12190.
- 2 ca bệnh (BN13961, BN13989) ghi nhận tại tỉnh Long An: liên quan đến Công ty Dinsen. Bệnh nhân hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An.
Đáng chú ý là trường hợp BN13957 (nữ, 35 tuổi, địa chỉ tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Ngày 6-5, người này từ Malaysia nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH9322 và QH3324 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tiền Giang.
Sau khi hoàn thành cách ly tập trung 21 ngày, chuyển tự cách ly tại nhà ở tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 23-6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Trong ngày 23-6 có thêm gần 100.400 người được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Tính đến 16h ngày 23-6, tổng cộng đã thực hiện tiêm trên 2.626.300 liều vắc xin ngừa COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là gần 137.700 người.
Trước đó, trong cuộc làm việc với tỉnh Bình Dương ngày 23-6, đoàn công tác của 2 thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Nguyễn Trường Sơn đã khuyến cáo Bình Dương siết chặt giãn cách xã hội tại thành phố Thuận An. Hiện Thuận An đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ, đây là địa bàn giáp giới với nhiều địa phương, trong đó có cả TP.HCM.
Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
Tính đến 6h sáng 24-6, Việt Nam có tổng cộng 12.264 ca ghi nhận trong nước và 1.725 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 10.694 ca, trong đó có 2.910 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Dữ liệu: XUÂN MAI - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Dự kiến 8 triệu liều vắc xin về Việt Nam trong tháng 7
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 chiều 23-6, có thể có khoảng 8 triệu liều vắc xin từ các nguồn về Việt Nam trong tháng tới.
Theo đó, dự kiến đến quý 3-2021 sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên, trong đó đủ số lượng vắc xin để tiêm cho lực lượng sản xuất.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp. Trong số 6 điểm lưu ý tại cuộc họp, ông Đam nêu: căn cứ vào tiến độ, loại vắc xin dự kiến về Việt Nam, tình hình dịch bệnh và thứ tự đối tượng ưu tiên, Bộ Y tế triển khai tiêm trên tinh thần trước mắt bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng theo nguyên tắc tiếp cận công bằng vắc xin của Liên Hiệp Quốc; tiếp đến, công bằng giữa các đối tượng, có xem xét đến sự đóng góp của các ngành kinh tế, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch.
Nhật duy trì mức tiêm 1 triệu liều/ngày
Tốc độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 ở Nhật Bản đang gia tăng khi tỉ lệ tiêm chủng theo ngày đã đạt mức 1 triệu liều với nỗ lực thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân.
Con số này là một mốc quan trọng mà Thủ tướng Suga Yoshihide đã đặt ra nhằm bảo đảm nhóm người cao tuổi (chiếm phần lớn dân số Nhật) được tiêm chủng vào cuối tháng 7 tới và tất cả người trưởng thành được tiêm chủng vào tháng 11.
Sân vận động Noevir ở Kobe (Nhật) được trưng dụng dùng làm trung tâm tiêm chủng - Ảnh: REUTERS
Nhật đang đẩy mạnh chương tình tiêm chủng khi bắt đầu triển khai tiêm vắc xin tại nơi làm việc trên cả nước từ ngày 21-6. Đến ngày 23-6, Nhật Bản tiếp tục đạt mốc 1 triệu liều/ngày.
Theo số liệu của Hãng tin Reuters, hiện có 18% trong tổng số 125 triệu dân Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Đây là mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn, khi mà chỉ còn 1 tháng nữa sẽ diễn ra Thế vận hội mùa hè và Paralympic Tokyo.
Nhật Bản bắt đầu chương trình tiêm chủng từ giữa tháng 2-2021 nhưng tốc độ tiêm chủng thời gian đầu khá chậm do khan hiếm nguồn cung. Tuy nhiên, khi nguồn cung gia tăng, tình trạng thiếu nhân viên y tế và vướng mắc ở khâu hậu cần đã cản trở chiến dịch tiêm chủng tại nước này.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Chính phủ Nhật Bản đã mở các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do Bộ Quốc phòng điều hành, đồng thời nới lỏng những quy định về người được tiêm chủng và những đối tượng thực hiện công tác tiêm chủng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận