Việt Nam có nhiều lợi thế trở thành trung tâm chế biến chế tạo của thế giới - Ảnh: N.KH.
Đây là một trong những nội dung trong trao đổi với Tuổi Trẻ của ông Trương Thanh Hoài - cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương).
Ông Hoài cho biết đó là một cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu xu thế đầu tư nước ngoài mới nhờ lợi thế khi tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do.
“Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là thiếu nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ (gồm cả công nghiệp vật liệu) chưa phát triển. Trong khi đó, nhân tố lao động giá rẻ không còn nhiều sức hấp dẫn” - ông Hoài đánh giá.
* Thưa ông, những điểm yếu của công nghiệp hỗ trợ hiện nay nếu không khắc phục dẫn đến hệ lụy gì?
- Nếu chỉ phát triển các ngành công nghiệp lắp ráp trong bối cảnh chi phí nhân công đang tăng, các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia sẽ sớm rời bỏ Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI chú trọng đầu tư sản xuất tại nơi có thể tận dụng ngành công nghiệp hỗ trợ tốt, đáp ứng được nhu cầu cung ứng linh kiện. Khi lợi thế dân số trẻ không còn, các doanh nghiệp FDI sẽ chuyển sang nước khác có năng lực cung ứng tốt hơn.
Việc này sẽ dẫn đến việc suy giảm các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ kéo theo sự suy giảm các ngành dịch vụ, tiêu dùng và gia tăng nạn thất nghiệp, kéo theo nhiều hệ lụy về mặt an sinh, xã hội. Từ đó, đất nước sẽ có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Do đó, nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.
Ông Trương Thanh Hoài - cục trưởng Cục Công nghiệp
* Vậy Bộ Công thương sẽ làm gì để hiện thực hóa chính sách có hiệu quả?
- Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng khi đưa ra những giải pháp mới, căn cơ. Bộ Công thương sẽ xây dựng kế hoạch hành động triển khai chi tiết các nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung và xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách.
Đồng thời, xây dựng các chính sách cho các ngành công nghiệp hạ nguồn nhằm tạo dung lượng thị trường phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa và thu hút đầu tư. Đơn cử như xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày; sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm ôtô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong nước; chính sách phát triển ngành cơ khí trọng điểm…
Cần thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, R&D trong nước. Khuyến khích sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, đặc biệt là tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước hợp tác với nước ngoài trong các chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh…
* Trong dài hạn Việt Nam cần làm gì để trở thành trung tâm chế biến chế tạo?
- Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm. Cùng với đó là phát triển ngành dịch vụ phân phối và dịch vụ cho các nhà sản xuất để tạo động lực kép thúc đẩy tăng trưởng.
Nguồn lực xã hội nên tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Đồng thời, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận