Xưởng sản xuất dây khóa kéo hiệu Hùng Dinh của Công ty TNHH thương mại Hùng Chi chỉ duy trì 8 người lao động theo mô hình "3 tại chỗ" - Ảnh: TUYỀN KHANH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lâm Tuyền Khanh - giám đốc Công ty TNHH thương mại Hùng Chi - cho biết doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện các thủ tục để áp dụng mô hình "3 tại chỗ", duy trì sản xuất phụ kiện cho áo quần bảo hộ y tế song lại bị yêu cầu dừng sản xuất.
Cụ thể, bà Khanh cho hay xưởng sản xuất dây khóa kéo của doanh nghiệp này đặt tại ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP.HCM) trên diện tích 2.000m², với quy mô chỉ 18 người vận hành máy móc.
Khi UBND TP.HCM ra quy định áp dụng mô hình "3 tại chỗ", doanh nghiệp này đã chủ động thực hiện các quy trình, trong đó đã gửi văn bản xây dựng phương án sản xuất "3 tại chỗ" đến UBND xã Tân Phú Trung từ giữa tháng 7 thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, có người ký nhận.
Để chủ động phòng dịch, doanh nghiệp này đã giảm số lượng người từ 18 xuống còn chỉ 8 người (chia 2 ca), đưa vào lưu trú, ăn ở tập trung tại nhà xưởng và thuê bệnh viện đến xét nghiệm COVID-19.
Tuy nhiên, ngày 26-7, ông Bùi Thanh Tòng - cán bộ xã Tân Phú Trung - và trưởng ấp Đình đã đến kiểm tra doanh nghiệp, lập biên bản yêu cầu doanh nghiệp dừng sản xuất với lý do "mặt hàng sản xuất dây kéo không nằm trong mặt hàng thiết yếu".
Cụ thể, tại văn bản lập vào hồi 14h trưa 26-7 có nội dung như sau: Cơ sở sản xuất dây kéo Hùng Dinh đang hoạt động sản xuất dây kéo với số lượng lao động là 8 lao động. Căn cứ văn bản số 6916/UBND-VP ngày 24-7 của UBND huyện Củ Chi thì mặt hàng sản xuất dây kéo không nằm trong mặt hàng thiết yếu theo quy định trong văn bản.
Theo bà Khanh, doanh nghiệp giải thích đây là hàng sản xuất để may quần áo bảo hộ y tế và đã gửi hồ sơ đăng ký sản xuất "3 tại chỗ" đến UBND xã song vẫn bị yêu cầu dừng sản xuất.
Đến ngày 27-7, bà Khanh đã làm văn bản kiến nghị và tiếp tục đến UBND xã Tân Phú Trung để đề nghị được hoạt động. Tuy nhiên, xã hướng dẫn lên huyện, đến UBND huyện Củ Chi thì bà lại được hướng dẫn doanh nghiệp dưới 10 người phải đem hồ sơ về lại xã.
Ngày 29-7, bà tiếp tục liên lạc với Trung tâm Y tế huyện Củ Chi để mời đến doanh nghiệp thẩm định.
"Tôi đã liên hệ các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được phúc đáp thỏa đáng để cho doanh nghiệp sản xuất, trong khi đây là mặt hàng cấp thiết, các doanh nghiệp sản xuất đồ bảo hộ y tế đang rất cần, nếu không có dây kéo làm sao ra được một bộ đồ hoàn thiện" - bà Khanh bức xúc.
Sau khi Tuổi Trẻ Online cung cấp thông tin, chiều 30-7, ông Nguyễn Quốc Tuấn - chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung - cho biết: "Chúng tôi đang liên hệ với chủ doanh nghiệp để hướng dẫn mà không liên hệ được. Mặc dù sản xuất mặt hàng y tế, doanh nghiệp cũng phải xây dựng phương án đảm bảo phòng chống dịch".
Theo ông Tuấn, việc yêu cầu doanh nghiệp chấp hành các quy định nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho doanh nghiệp và người dân tại địa phương, còn với mặt hàng thiết yếu "không ai cấm", "anh em nhiều khi coi vô văn bản không kỹ do nhiều công việc trong phòng chống dịch".
Trước nội dung ông Tuấn chia sẻ, bà Khanh cho hay doanh nghiệp đã xây dựng và nộp phương án "3 tại chỗ" nhưng đến nay cơ quan tiếp nhận vẫn chưa phúc đáp.
Đồng thời, bà Khanh cũng cung cấp cho phóng viên Tuổi Trẻ Online bộ hồ sơ đề xuất phương án sản xuất "3 tại chỗ" đã được doanh nghiệp xây dựng từ ngày 13-7.
Việc doanh nghiệp phản ánh đã gửi phương án "3 tại chỗ" đến UBND xã nhưng không được phúc đáp, thẩm định, ông Tuấn cho hay "sẽ cho kiểm tra lại".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận