02/08/2021 09:24 GMT+7

Sản xuất mì ăn liền cũng gặp khó

T.V.NGHI - N.TRÍ
T.V.NGHI - N.TRÍ

TTO - Người dân khó mua hàng thì dùng tạm mì ăn liền. Nhưng đến nay, sản xuất mì ăn liền cũng có nguy cơ bị đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất lý giải những nghịch lý, khó khăn kèm đề xuất để không bị đứt gãy sản xuất.

Sản xuất mì ăn liền cũng  gặp khó - Ảnh 1.

Cần nhiều giải pháp tháo gỡ kịp thời để ngăn đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh nhiều ngành - Ảnh: T.L.

Công ty thực phẩm N.P (TP.HCM) - DN chuyên cung cấp các gói gia vị đi kèm trong mì gói - đã bị ngưng sản xuất 14 ngày do có lao động dương tính COVID-19. 

DN này đã không thể cung cấp cho đối tác là một thương hiệu mì gói lớn gần 450 tấn gia vị nói trên trong suốt thời gian bị đóng cửa nhà máy.

Thay phụ gia có phải đổi bao bì?

Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA), đã phải có kiến nghị: Trường hợp các nhà cung cấp nguyên liệu, phụ gia cho sản xuất mặt hàng này có công nhân bị dính F0, buộc phải ngưng sản xuất thì cho phép các DN trong ngành thực phẩm có thể tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp (mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm).

Đơn cử như đối với nhóm mì ăn liền, các nguyên liệu phụ như hành lá khô, tiêu... DN sản xuất có thể chủ động gia giảm phù hợp, tùy theo nguồn cung đang có, nếu DN cung ứng mặt hàng bị ngừng sản xuất.

Theo bà Chi, theo Luật an toàn thực phẩm và các quy định liên quan, với những điều chỉnh nói trên, DN phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì. 

Trong khi thời điểm này làm như thế sẽ mất nhiều thời gian, nhất là khâu in lại bao bì chi phí phát sinh sẽ rất lớn, bao bì cũ còn nhiều bỏ đi sẽ rất lãng phí, dẫn đến khả năng các DN sẽ phải tạm ngưng sản xuất rất cao.

Do đó, theo bà Chi, đề nghị cho phép FFA được thay thế các thủ tục nói trên bằng cách cho DN gửi báo cáo chi tiết bằng văn bản đến các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cùng các thông tin minh bạch đến người tiêu dùng.

Vẫn tắc dù đã "3 tại chỗ"

Trong khi đó, từ việc xuất khẩu hàng trăm tấn cá basa mỗi tháng, hai DN sản xuất thủy sản xuất khẩu là Ngọc Xuân và Sông Tiền (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã chịu thiệt hại nặng khi phải ngưng hoạt động hơn 1 tháng vì yêu cầu từ chính quyền và nguy cơ mất thêm đơn hàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-8, bà Nguyễn Thị Ánh - chủ tịch HĐQT hai đơn vị này - cho biết đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 100 tấn cá tra, nhưng đến nay lại nghe tỉnh Tiền Giang thông báo từ ngày 5-8 phải dừng hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

"Chúng tôi đã xét nghiệm nhiều đợt cho hàng trăm công nhân, chuẩn bị sản xuất theo nguyên tắc "3 tại chỗ" và chủ trương sản xuất ở quy mô nhỏ để quản lý, nhưng giờ nếu tỉnh buộc ngưng sản xuất tiếp thì thiệt hại nặng do mất khách hàng, hàng tồn hơn 500 tấn; chưa kể cá dưới ao ngày một lớn, nếu vượt kích cỡ thì rất khó xuất khẩu", bà Ánh lo.

Theo bà Ánh, chính quyền nếu cần thì ngưng những DN nào không đáp ứng được quy định "3 tại chỗ", không đảm bảo phòng chống dịch, thậm chí xử phạt. Còn DN đáp ứng được nên để hoạt động có kiểm soát, không nên cào bằng.

Ông V.P., tổng giám đốc DN đang có gần 6.000 lao động may mặc với các nhà máy đặt ở TP.HCM, Bình Dương và Long An, cho hay áp lực mà DN đang đối mặt vô cùng căng thẳng.

"Cả ba nhà máy chúng tôi đều đang áp dụng sản xuất "3 tại chỗ", chưa phát hiện ca nhiễm. Vì các đơn hàng đang làm đều thuộc diện không thể trì hoãn giao do đã được đối tác dời lại vài lần, nên việc tổ chức sản xuất tại chỗ đều được thực hiện theo đúng quy định hướng dẫn. 

Nhưng chúng tôi rất lo vì chỉ cần có một ca nhiễm là mọi thứ lập tức bị đình lại. Mà chúng tôi làm sao biết ca nhiễm khi nào xuất hiện để mà phòng tránh, để thực hiện cam kết với chính quyền địa phương?", ông V.P. băn khoăn.

Cần lực lượng hỗ trợ chuyên biệt

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ánh, thời gian qua công ty có đơn gửi đến nhiều tổ chức để xin tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 cho 20 công nhân tuyến đầu như bảo vệ, tài xế, kiểm hàng... nhằm đảm bảo sản xuất, đơn vị chấp nhận trả chi phí này nhưng đều không được.

"Chúng tôi đang rất khát vắc xin, chỉ cần tiêm cho vài chục người là yên tâm để sản xuất. Do đó, hơn lúc nào hết, các cấp cần xem xét ưu tiên vấn đề này cho DN sản xuất", bà Ánh kiến nghị.

Để giải quyết khâu ách tắc hàng nông sản trong khi nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu vẫn có, theo ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM), các tỉnh thành nên xem xét phân bổ lượng tiêm vắc xin chống COVID-19 cho lực lượng tham gia thu hoạch sản xuất nông sản, hoặc đưa lực lượng quân đội, tình nguyện viên vào hỗ trợ khâu này.

Một số chuyên gia cũng cho rằng trước tình trạng có tỉnh phải tiêu hủy gà vì không tiêu thụ được, nông sản khó bán thì nên tổ chức những lực lượng chuyên biệt với khả năng dễ di chuyển, như quân đội, công an, tình nguyện viên từ cơ quan chức năng... để hỗ trợ vận chuyển, giải cứu cả nơi thiếu hàng và nơi thừa hàng, góp phần kéo giảm khó khăn, bức xúc không đáng có.

Bà Lý Kim Chi nhấn mạnh ngành thực phẩm đóng cửa sản xuất thì lấy đâu lương thực cung ứng cho xã hội. Do đó, bà đề nghị TP.HCM hỗ trợ mạnh mẽ, dứt khoát theo hướng "giúp DN xử lý sớm và dứt điểm lao động nhiễm COVID-19 ra khỏi nhà máy. 

Sau đó cho phép DN tiếp tục sản xuất sau khi sàng lọc lực lượng lao động còn lại, hoặc bố trí cho các F1, F2 làm việc tại bộ phận tiếp tục được kiểm soát theo quy trình kín".

Thành phố cũng cần xúc tiến việc trao đổi, hợp tác mạnh mẽ hơn với chính quyền các tỉnh thành lân cận có vùng nguyên liệu lớn để đưa ra các cam kết chung, cùng hành động. 

Trong đó, TP đưa nhu cầu thị trường, các phương án bao tiêu và đề nghị các tỉnh mở rộng quy mô sản xuất. Cần lập tổ công tác liên tỉnh cùng với đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và đảm bảo lưu thông thuận lợi.

Nhiều mảng gặp khó vì không thể "3 tại chỗ"

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM) - một đơn vị xuất khẩu nông sản lớn, do các địa phương áp dụng nghiêm ngặt quy định không cho tập trung, di chuyển nên hiện nay việc thu hoạch trái cây của đơn vị ở hầu hết các tỉnh phía Nam gặp khó.

"Muốn thu hoạch trái cây phải di chuyển, không thể thực hiện "3 tại chỗ" như công nghiệp. Do đó, nhiều ngày qua lượng trái cây đơn vị mua vào chỉ bằng 30 - 40% so với bình thường nên ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, nhiều nông dân trồng dừa Bến Tre, thanh long Long An, Tiền Giang, nhãn Đồng Tháp... đang kêu cứu vì lượng tồn đọng nhiều nhưng cũng đành chịu nếu không được sự hỗ trợ từ chính quyền.

Bà Phan Thị Thanh Xuân (phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN):

Đề xuất "2 tại chỗ" cho dệt may, da giày

Đặc điểm của ngành may mặc và da giày là quy mô từ hàng ngàn lên đến hàng chục ngàn lao động, nên các quy định "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" này chỉ có thể thực hiện được tại các DN có ký túc xá tại chỗ hoặc các DN nhỏ.

Hầu hết lao động lại là nữ và có người phụ thuộc (cha mẹ già, con nhỏ) cần được chăm sóc tại nhà.

Nếu phải dừng sản xuất sẽ dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tôi đề xuất phương án "2 tại chỗ".

Cụ thể là cho phép người lao động ở nhà nếu người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm thiểu di chuyển, tuân thủ các biện pháp kiểm tra sức khỏe người lao động tại nơi làm việc, đảm bảo an toàn và phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt, kể cả đưa vào áp dụng xét nghiệm nhanh tại nhà máy ở diện rộng trước khi vào làm việc.

Doanh nghiệp kêu cứu vì bị dừng sản xuất dù đã chi hàng chục tỉ đồng cho Doanh nghiệp kêu cứu vì bị dừng sản xuất dù đã chi hàng chục tỉ đồng cho '3 tại chỗ'

TTO - Dù đã chi hàng chục tỉ đồng để duy trì sản xuất '3 tại chỗ', chưa có trường hợp F0 nhưng doanh nghiệp vẫn bị tỉnh Tiền Giang yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất.

T.V.NGHI - N.TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp