15/11/2013 05:00 GMT+7

Săn vé... xuất ngoại

KHÁNH LY
KHÁNH LY

AT - Được tham gia các hội thảo, chương trình giao lưu quốc tế là mơ ước của không ít bạn trẻ. Vậy cần tích lũy những kỹ năng nào để “lọt vào mắt xanh” của ban tuyển chọn để cầm trên tay chiếc vé... xuất ngoại?

otPmPxUg.jpgPhóng to
Lê Thị Bảo Ngọc - Ảnh: nhân vật cung cấp

Cùng lắng nghe những “tuyệt chiêu” của bốn bạn trẻ - những “thợ săn thứ thiệt” các chương trình thanh niên thế giới.

* Lê Thị Bảo Ngọc (ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Sở hữu tài lẻ là “đòn” quyết định

- Tham gia Lễ hội văn hóa dân gian quốc tế Surin (Surin International Folklore Festival) tại Thái Lan trong ba năm 2011, 2012 và 2013

- Thành viên Diễn đàn văn hóa thanh niên Asean (ASEAN Youth Cultural Forum) tại Brunei năm 2012

- Tham gia chương trình Khám phá Asean (ASEAN Discover) tại Myanmar và là đại biểu Tàu thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) năm 2013

Việc đầu tiên các bạn cần làm là trau dồi ngoại ngữ, bởi vốn tiếng Anh lưu loát là điều kiện tiên quyết trong bất cứ chương trình quốc tế nào.

Điều lưu ý là bạn cần làm tỏa sáng hồ sơ của mình nhưng nên thể hiện có chừng mực. Hồ sơ phải chuẩn bị thật chi tiết, nêu bật điểm mạnh của bản thân, có thể chèn hình tham gia các hoạt động vào phần bài luận để thêm phần thu hút. Bên cạnh đó, bạn cần tham khảo càng nhiều bài luận càng tốt (các trang web như www.bestessaywriting.org, www.getessay.com, www.essaybuilder.net...) vì bài luận quyết định rất lớn đến việc ứng viên có được chọn vào vòng phỏng vấn hay không. Sở hữu một tài lẻ nào đó có thể là “đòn” quyết định của bạn trong trường hợp nhiều ứng viên đều có ngoại ngữ và kiến thức tốt. Đó có thể là năng khiếu về thư pháp, hát, múa, diễn kịch…

Để phỏng vấn thành công, bạn cần đầu tư phần giới thiệu bản thân sao thật ấn tượng, chuẩn bị trước câu hỏi phỏng vấn, có thể dự đoán các tình huống thông qua việc tìm hiểu kỹ chương trình. Cuối cùng, hãy luôn tự tin và mỉm cười.

F0AxXA6S.jpgPhóng to
Đặng Huỳnh Mai Anh

* Đặng Huỳnh Mai Anh (ĐH Ngoại thương CS2 - TP.HCM):

Xây dựng mạng lưới thông tin

- Chương trình Đại sứ môi trường Bayer tại Đức và Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới (Global Youth Summit) năm 2012

- Chương trình Tìm hiểu nước Mỹ dành cho thủ lĩnh sinh viên (Study of US Institutes for Student Leaders) năm 2013 và là đại biểu VN duy nhất tại Diễn đàn thanh niên châu Á - Thái Bình Dương xoay quanh vấn đề miền núi và kế hoạch phát triển đến năm 2015 tại Nepal.

Những cơ hội bước ra thế giới của mình phần nhiều nhờ thông tin từ bạn bè trong mạng lưới. Vì vậy, xây dựng một mạng lưới bạn bè có cùng sở thích, mối quan tâm là vô cùng quan trọng. Mối quan tâm ấy có thể là về môi trường, quyền con người, phong trào thanh niên hay giáo dục - nhận thức...

Kế đến, đó là sự nhạy cảm với cơ hội của bạn. Hãy luôn dành thời gian để xem xét và cân nhắc tất cả những cơ hội đến với mình. Đừng bỏ qua bất kỳ cơ hội nào, nhưng cũng đừng quá ôm đồm. Tập trung vào những cơ hội phù hợp và có khả năng thành công nhất. Nên nhớ rằng cơ hội chỉ đến với những người có sự chuẩn bị tốt. Vì vậy, đừng quá mải mê đi tìm kiếm những cơ hội mà quên dành thời gian để trau dồi và phát triển bản thân.

Bí quyết của mình để có bộ hồ sơ nổi bật là có những ý tưởng khả thi và sáng tạo bởi ý tưởng và suy luận sẽ là cái cần ở những hội thảo. Các bạn hoàn toàn có được những ý tưởng tuyệt vời bằng cách quan sát nhiều hơn và kết nối những kiến thức và trải nghiệm mình đã có.

Trước khi chuẩn bị hồ sơ, mình luôn tự hỏi bản thân: “Nếu được chọn, tôi sẽ mang được gì đến cho chương trình?”. Những giá trị bạn mang đến cho chương trình phải là giá trị thật của bạn, chứ không phải là giá trị tạo dựng. Chẳng hạn khi soạn hồ sơ tham gia hội thảo về miền núi ở Nepal, mình đã nhìn lại xem mình có gì liên quan đến miền núi. Sau đó, mình nhận ra: bản thân lớn lên ở TP Đà Lạt nên có điều kiện quan sát đời sống và lợi thế của khu vực miền núi. Mình cũng nhận ra với chuyên ngành kinh doanh, mình có thể áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế miền núi.

slSDdSia.jpgPhóng to
Trần Nguyễn Vũ

* Trần Nguyễn Vũ (ĐH Ngân hàng TP.HCM):

Xác định rõ mục đích tham gia chương trình

- Giao lưu sinh viên ASEAN - Ấn Độ và Hội thảo quốc tế về lãnh đạo trẻ trong thiên niên kỷ mới tại Malaysia năm 2012

- Đại biểu Việt Nam tham gia Tàu thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) năm 2013

Để có cơ hội tham gia các chuyến xuất ngoại này, với mình đó là mục đích rõ ràng cộng với chút may mắn. Đầu tiên, mình luôn xác định rõ mục đích tham gia chương trình là gì để từ đó tìm ra cách thức thể hiện những mong muốn đó.

Các chương trình giao lưu quốc tế rất phong phú và không thiếu cơ hội cho các bạn trẻ. Với mình, đó là tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, các chương trình tình nguyện cùng lúc trau dồi vốn tiếng Anh, và chỉ chờ cơ hội đến là nắm bắt ngay.

Những chương trình giao lưu có uy tín thường tuyển chọn đại biểu khắt khe và làm sao để “lọt vào mắt xanh” cùng là điều mình từng “vò đầu bứt tóc”. Và “bí kíp” chính là tự tin vào những gì mình đã làm và đã cố gắng. Muốn gây ấn tượng với ban tuyển chọn, bạn phải thể hiện được thành tích và cá tính của bản thân nhưng tránh liệt kê thành tích mà hãy chứng tỏ mình phù hợp và mong muốn tham gia chương trình với một lòng nhiệt huyết. 

8Otb0izi.jpgPhóng to
Tôn Nữ Tường Vy

* Tôn Nữ Tường Vy (ĐH Mở TP.HCM): Đầu tư tìm hiểu nghiêm túc về chương trình

- Tham gia Hội nghị đổi mới giáo dục toàn cầu (World Innovation Summit for Education) tại Qatar năm 2011

- Hành trình hòa bình Mekong (Mekong Peace Journey) và Hội thảo xây dựng hòa bình trên thế giới tại Thái Lan năm 2012

- Diễn đàn xây dựng hòa bình trên thế giới và hòa giải xung đột (AMAN School of Peace Studies and Conflict Transformation) ở Thái Lan năm 2013.

Từ kinh nghiệm bản thân, mình có ba điều chia sẻ đến các bạn:

Thứ nhất, tham gia hoạt động xã hội phong phú. Trong thời gian đại học, mình “đánh trên mọi mặt trận” từ tình nguyện Mùa hè xanh, Giờ trái đất, các hoạt động Đoàn, khoa, trường cho đến các CLB về dịch thuật, viết báo, biên tập... Vì vậy, khi nộp đơn bất cứ chương trình nào, mình đều có thể chọn lọc các hoạt động có liên quan để trình bày.

Thứ hai, bạn nên đào sâu suy nghĩ. Dù tham gia các chương trình lớn hay nhỏ, trong hay ngoài nước, thì mình đều chọn ra một số điểm thú vị để tự đặt câu hỏi, tự trả lời, hỏi người khác hay đọc sách… Vì vậy, trong bài luận hoặc lúc phỏng vấn, khi đưa vấn đề mình trăn trở ra cùng “mổ xẻ”, ban giám khảo chắc hẳn sẽ “lưu ý” đến bạn. Cuối buổi phỏng vấn, khi được hỏi: “Bạn có câu hỏi nào không?”, mình luôn tận dụng thời gian chủ động này để thể hiện với ban giám khảo rằng mình đã đầu tư tìm hiểu nghiêm túc với chương trình như thế nào.

Cuối cùng, đó là sự chân thành. Kể cả trong bài luận lẫn khi phỏng vấn, mình không cố gắng biến bản thân thành một ai khác: chỉ nói những gì mình biết, cái gì không chắc thì nói là không chắc và đề nghị họ chia sẻ quan điểm của họ về điều mình còn lờ mờ. Hãy thể hiện sự quan tâm của mình một cách chân thành nhưng quyết tâm.

Thông tin về chương trình quốc tế

• Các nhóm Google:

The FFL Journal Opportunity ()

Mơ xa chân đạp đất ()

Thế hệ xanh ()

Facebook:

My Your Opportunity (www.facebook.com/MyYourOpportunities)

Y-Box (www.facebook.com/Yboxvn)

Youth Opportunities (www.facebook.com/YouthOpportunitiesNews)

Asean Youth Volunteer Network (www.facebook.com/AseanYouthVolunteers)

• Các website của Thành Đoàn, Trung ương Đoàn và Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.

egpoOpIQ.jpgPhóng to

Áo Trắng số 20 ra ngày 1/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

KHÁNH LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp