Bằng lăng khóa chúng tôi trồng nở rộ mỗi tháng 5 thương nhớ - Ảnh: ĐẶNG THỊ MINH HẰNG
Thường những gì khó khăn và vui vẻ nhất sẽ để lại ký ức lòng người lâu nhất. Có lẽ vì vậy mà thuở học trò đầy mộng mơ ở Trường THPT Nông Sơn ngày ấy lưu trong tôi nỗi nhớ tràn đầy. Chỉ cần nghĩ tới đã ngồn ngộn hình ảnh thân thương.
Nơi nuôi dưỡng tình yêu văn chương
Nhiều người sẽ khó hình dung về hai ký hiệu đặc biệt dành cho "đặc sản" Trường THPT Nông Sơn của chúng tôi ngày ấy: 2K chính là 2 không (không có cổng, tường rào và không có nhà vệ sinh); ngoài ra còn 2B là bùn và bụi. Con đường đến trường với học trò thời tôi đi học quả là nỗi ám ảnh.
Ấy thế mà những ngày cuối tháng 5 như thế này, khi tiếng ve râm ran, phượng vĩ đua nhau nở, bạn bè nhóm lớp 12/3 ngày đó lại nhắc về trường xưa, lớp cũ. Phan Công Ân, bạn chung lớp, mới gọi điện thoại đã nhắc về Nông Sơn, trong đó có trường cũ khiến tôi nhớ... chính mình.
Là con nhà nghèo đi học trường nghèo, đa số học sinh đều thiếu thốn. Tôi năm nào cũng lo tìm mượn sách cũ của anh chị đi trước hoặc mua lại để không tốn nhiều tiền. Còn vở do là học sinh khá giỏi nên phần thưởng của năm cũ tôi dùng dư cho cả năm học mới.
Chiếc xe đạp cọc cạch tôi đến trường là do má vay mượn của Nhà nước, diện hộ nghèo để sắm cho khi tôi bước vào cấp II. Con đường đến trường của tôi dài hơn 7km đầy đá lởm chởm nên xe cứ hư liên tục. Xin má 500 - 1.000 đồng để bơm, sửa hay vá xe cũng thật khó khăn vì ngày công của người lớn bấy giờ cũng chỉ có 7.000 - 8.000 đồng.
Do vậy, rất nhiều ngày trong túi tôi không có một đồng, tan trường khát nước phải chạy cho nhanh về giữa trưa nắng gắt của xứ Quảng. Có hôm ruột bánh xe lủng do dính gai hoặc đá dăm bén quá thì phải dắt bộ về. Dù vậy, tôi chưa bao giờ nản lòng trong chuyện học. Thầy cô quý mến, động viên tôi cũng chính vì "thương hiệu" học trò nghèo vượt khó ấy.
Năm tôi học lớp 10, thầy Nguyễn Ngọc Sáng, giáo viên trẻ mới ra trường, dạy văn làm chủ nhiệm. Do tôi cũng thích học văn nên thầy vui lắm. Trong lớp, ngoài tôi còn có bạn Đặng Thị Minh Hằng cùng học giỏi văn. Chúng tôi cùng một bạn nữa được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Ngoài học với thầy Sáng, năm đó và cả các năm sau, tôi được dạy nâng cao để đi thi văn cấp tỉnh với các thầy cô như thầy Vinh, thầy Thu, cô Hà... Ai dạy bồi dưỡng cũng hay, rút ruột chia sẻ với học trò. Đặc biệt, thầy Sáng là người thường cho tôi mượn các cuốn sách văn chương mà thầy đem về khi còn học ở Đại học Đà Lạt. Mỗi lần được mượn sách, tôi ngấu nghiến đọc cho thật nhanh để sau đó có thời gian đọc lại bận nữa cho thấm nhuần, rồi trả thầy để mượn thêm quyển khác.
Thực ra, trường tôi không phải chỉ một 2K mà còn 2K khác - không có thư viện và phòng thí nghiệm. Nói đúng hơn là có nhưng bị "đóng băng", chỉ để trang trí cho có chứ học sinh chưa bao giờ được đặt chân vào huống chi mượn sách. Cổng trường ngày ấy để trống không, tường rào nhiều đoạn làm đỡ vỉ gai tre để rào, tránh các con vật hay người ngoài đi vào là chính.
Dù vậy, chúng tôi xa trường 18 năm, vẫn thấy nhớ trường, nhớ lớp cũ của ngày ấy, một khoảng thời gian êm đềm cắp sách. Riêng tôi còn nhớ cả thành tích đoạt giải khuyến khích môn văn cấp tỉnh cùng với Minh Hằng năm lớp 10. Đó là món quà lớn nhất tôi đem về tặng cho má và bà ngoại, hai người đã luôn động viên tôi cố gắng...
Ngôi trường giờ đã khang trang hơn theo sự phát triển chung của huyện miền núi Nông Sơn - Ảnh: NGÔ ĐÌNH TUYẾN
Thanh xuân đó ai còn nhớ không?
Nếu nói về trường cũ, bạn sẽ nhớ gì? Nhớ con đường đến trường đầy bùn và bụi (như mình)? Thời đó, cô Lài dạy địa trường tôi vẫn hay "nhấn nhá" về con đường từ ngã ba Cây Mùn lên đến trường là đường 2B. Thương nhất là mùa mưa, bùn đen sền sệt từ bụi than đá vương lên áo dài trắng. Còn bữa nắng, những chiếc xe tải chở đầy than đá từ mỏ than Nông Sơn cách trường chừng 5km khiến học trò áo trắng trầm mình trong thứ bụi đen ngòm ấy.
Hồi đó, ngoài học sinh xã Quế Trung - địa bàn trường tọa lạc - thì hầu như học sinh các xã khác đều có một chỗ trọ. Các xã miền núi xa xôi hơn, cách trở phải đi canô, vượt đèo trong nguy hiểm để đến trường như Quế Lâm, Quế Phước, Quế Ninh. Các bạn phải xuống gần trường ở trọ hẳn cả tuần mới về. Hành trình tìm chữ thật gian nan.
Còn học sinh Quế Lộc như tôi, trọ chỉ là chỗ để ở tạm thời vài ba bữa khi có mưa lụt lớn, con nước lên xâm xấp mặt đường - không thể lưu thông. Giờ thi thoảng có về thăm quê, tôi vẫn hay đến thăm người chủ trọ với lòng biết ơn vì cho tá túc miễn phí mùa lụt. Có khi còn cho tôi và mấy bạn khác ăn cơm ké khi chưa kịp chở gạo theo.
Bây giờ, đường đến trường đã bon bon, nhất là kể từ khi tách 5 xã miền tây huyện Quế Sơn (từ đèo Le ra) để thành lập huyện mới mang tên Nông Sơn (năm 2008). Trường phổ thông chúng tôi ngày đó nay đã khác nhiều: khang trang hơn, cổng rào đàng hoàng, hai tầng và đặc biệt có nhà vệ sinh dành riêng cho nam nữ.
Thời tôi đi học, sợ nhất là cứ đến giờ chơi - lũ học sinh nam chúng tôi túa lên đồi phía sau trường để "giải quyết". Chuyện nói nghe có vẻ hơi "kinh dị" này thực ra là chuyện quan trọng nhất liên quan đến sức khỏe học trò nhưng lại ít được coi trọng. Có lẽ do trường nghèo. Thành ra, học trò đa số ráng nhịn cả buổi học (nếu mắc cỡ) cũng là chuyện thường.
Nhắc về trường cũ lớp xưa, bạn sẽ nhớ gì? Một vị thầy khả kính, một đứa bạn dễ thương, tình yêu học trò... hay những lần bị ghi tên vào sổ đầu bài? Kỷ niệm nào cũng vui, cũng là ký ức đáng trân trọng, tôi nghĩ thế. Trong tôi còn một nỗi nhớ khác chính là những gốc cây bằng lăng - học sinh 12 khóa 2000 - 2003 được huy động trồng mỗi lớp 1-2 cây - bây giờ đã trổ bông tím cả góc trời.
Minh Hằng - bây giờ về làm giáo viên văn ở chính trường xưa - từng ghi tặng tôi mấy câu thơ của ai không biết, nhưng tôi thuộc lòng đến giờ: "Bằng lăng ơi tím chi mà tím quá/ Màu hoa buồn ở lại nhé tôi đi". Đó là cảm xúc bâng khuâng của học trò cuối cấp. Chúc nhau an lành và hẹn gặp lại. "Giờ chia tay đã đến/ Mới hôm qua ta cùng với nhau/ Tay trong tay vai sát vai ta chung đường...". Hồi đó, có đứa nghe bài hát này của ca sĩ Quang Vinh đã giấu nước mắt, viết vội mấy dòng lưu bút giúi vào tay tôi.
Năm nay, bằng lăng đã nở. Tháng 5 đã trôi hết, hè đã về rồi. Năm nay lại thêm một năm học đặc biệt, hy hữu. Mươi năm sau, học trò các khóa từ 2020 sẽ nhớ trường xưa lớp cũ và chắc không chỉ ký ức có mỗi hoa phượng, hoa bằng lăng tím góc sân mà còn có những thông báo nghỉ học bất ngờ, hè sớm, hoãn thi do dịch giã, chắc cũng bâng khuâng nhiều lắm đây...
Tình yêu học trò và "nhà tư vấn"
Lớp tôi có hai bạn yêu nhau từ năm lớp 11, cũng là bạn thân của tôi. Đó là Văn và Tâm. Hai bạn thường chia sẻ chuyện tình với tôi và nhờ tôi... tư vấn. Thường tôi giúp hai bạn làm hòa với nhau. Vậy đó, nhưng tôi thương người khác thì không dám nói, đến lúc nói thì đã xa vì cuối cấp III. Chúng tôi tạm biệt trong tiếc nuối, dở dang vì thời gian xa cách và những mối bận tâm khác. Có lẽ như Hồ Dzếnh nói: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở".
Văn và Tâm bạn tôi sau đó vài năm đã kết hôn, vẹn tròn được tình yêu, con gái đầu nay đã trở lại ngôi trường xưa của ba mẹ, theo học lớp 10. Nhờ làm tư vấn cho hai bạn mình, sau này tôi bén duyên với vai trò làm "chuyên gia tâm lý" cho Góc tâm tình, xuất hiện trên tập san Áo Trắng gần 10 năm với bút danh Anh Long Alô.
*******
Ngày hội khóa, hai đứa bồi hồi đứng lặng dưới gốc phượng góc sân trường. Cây phượng già đã chứng kiến bao lá thư trao tay học trò.
>> Kỳ tới: Lá thư trao tay dưới gốc phượng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận