Phóng to |
Súng điện được trưng bày tại một cửa hàng được phép bán công cụ hỗ trợ - Ảnh: S.Bình |
Theo ông Nguyễn Nguyệt Hà - phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Gươm (một đơn vị được phép bán công cụ hỗ trợ như roi điện, súng điện, dùi cui), thời gian qua nhiều khách hàng là chủ tiệm vàng, doanh nghiệp đến công ty hỏi mua roi điện, súng điện nhưng họ không được phép sử dụng.
Ông Hoàng Khương Sinh, phụ trách kinh doanh công cụ hỗ trợ Công ty Tân Hồng (P.Cầu Kho, Q.1) - một trong năm địa chỉ kinh doanh được cấp phép tại TP.HCM - nói: “Những người tìm mua roi điện, súng điện là những người khá giả, lo ngại chuyện trộm cướp”. Theo ông Sinh, do không mua được bằng con đường chính thống, một số người tìm mua roi điện, súng điện trên mạng hoặc hàng bán trôi nổi.
Lần tìm những nơi có nhu cầu, chúng tôi tìm gặp anh Công Chính (28 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông ở Q.1). Anh Chính cho biết một số người bạn có đặt hàng mua súng điện, súng bắn hơi cay để phòng thân. “Bọn cướp sử dụng toàn dùi cui, roi điện, súng điện để cướp trong khi người bị hại không có gì để phòng thân, nguy hiểm lắm” - anh Chính nói.
Ông Anh Tuấn (ngụ P.9, Q.Gò Vấp) tâm sự phải trực khuya cho công ty và thường xuyên mang theo nhiều tiền nên muốn tự trang bị cho mình một cây súng điện.
Chiều 29-10, khi hỏi về nhu cầu bảo vệ tiệm vàng, chủ tiệm vàng Kim Xuân (đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) trả lời gọn lỏn: “Giờ cần thêm súng điện cho an toàn nhưng chưa được cấp phép”.
Riêng ông Đặng Ngọc Ẩn, bảo vệ khu C chung cư Ehome 2 (P.Phước Long B, Q.9) - người từng chứng kiến những vụ cướp táo tợn, bức xúc: “Hôm trước, khi taxi chở một chị về chung cư, chúng tôi thấy bốn đối tượng lạ mặt đi hai xe máy bám theo. Lát sau nghe tri hô “cướp”, chúng tôi chạy đến thì thấy họ cầm hai con dao, hai súng điện bấm nổ lét đét, chúng tôi chỉ có gậy gỗ nên để bọn chúng tẩu thoát”.
Chiều 27-10, chúng tôi dừng trước cổng chợ đầu mối (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) điện thoại cho “cò” Tí (ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) nói muốn mua một số roi điện, súng điện. Tí bảo dạo này có nhiều người đặt “hàng” và yêu cầu chúng tôi đưa tiền, một tuần sau đến nhận. Về nguồn gốc “hàng”, Tí cho biết các xe tải, xe container chạy tuyến Bắc - Nam sẵn sàng mang roi điện, súng điện, mã tấu... từ Lạng Sơn về TP.HCM. Cũng theo Tí, một số nơi có những mặt hàng roi điện, súng điện nhưng phải thông qua người quen mới mua được.
Trung tá Trần Văn Tâm - đội trưởng đội quản lý đặc doanh Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM - cho hay thực tế nhiều người tìm mua công cụ hỗ trợ để phòng thân nhưng không biết pháp luật cấm. Thời gian qua, phòng đã kết hợp với một số cơ quan chức năng bắt giữ một số vụ mua bán roi điện, súng điện.
Theo ông Tâm, những công ty được cấp phép kinh doanh các loại công cụ hỗ trợ được quản lý rất nghiêm ngặt. Những người được trang bị sử dụng loại này phải là nhân viên bảo vệ của Nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP được Chính phủ cho phép làm thí điểm...
Đi cướp bằng roi điện Anh H.C. (32 tuổi) cho biết vợ anh là nạn nhân của vụ cướp trắng trợn đêm 21-10 tại sảnh chung cư Ehome 2. “Vợ tôi đi công tác từ Hà Nội về đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 23g và cùng hai người bạn đón taxi về nhà. Đến sảnh chung cư, khi đang ngồi trên xe bất ngờ hai thanh niên lao đến. Một người gí dùi cui điện vào tài xế, người khác gí dao vào cổ vợ tôi ép đưa túi xách. Giằng co chớp nhoáng, tên cướp dùng dao đâm một nhát sượt vào đùi vợ tôi rồi giật túi xách lên xe bỏ chạy”. Anh C. cho biết vụ cướp khiến vợ anh mất 7 triệu đồng và nhiều giấy tờ quan trọng. Trước đó tối 3-8, khi anh chở vợ rẽ từ đường Đỗ Xuân Hợp vào chung cư Ehome 2 cũng bị bọn cướp chạy xe gắn máy vụt qua giật túi xách mất gần 3 triệu đồng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận