Phóng to |
Một bạn đọc ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) góp 2 triệu đồng giúp đồng bào miền Trung bị thiên tai - Ảnh: Gia Tiến |
Những tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn cứ lan tỏa tự nhiên và ấm áp như tính cách con người Sài thành lâu nay. Chốc lát lại có một bạn đọc, một công ty, một nhóm bạn... mang đến phòng công tác bạn đọc báo Tuổi Trẻ những phong bì vài trăm ngàn đồng, 5 triệu đồng, 10 triệu đồng...
Không thể dửng dưng
Buổi sáng mấy hôm rồi Sài Gòn chìm trong cơn mưa xám xịt. Mặc cơn mưa tầm tã lạnh lẽo ngoài kia, phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ vẫn ấm áp biết bao với những câu chuyện nhỏ, bình dị mà đầy tình người của bạn đọc, từ người giáo viên nghỉ hưu đến một em học sinh, từ những bạn thanh niên đến những người già. Ai đến quần áo cũng lấm lem ướt. Tất cả đều hướng về miền Trung ruột thịt đang oằn mình sau cơn bão khốc liệt. Họ đến nhờ Tuổi Trẻ chuyển số tiền dành dụm của cá nhân, gia đình đến đồng bào miền Trung với tấm chân tình giản dị hiếm thấy.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hương - nhân viên ban tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến - cho biết: “Ban giám hiệu, giảng viên, cán bộ công nhân viên và sinh viên của trường đã quyên góp được 100 triệu đồng để gửi cho đồng bào miền Trung thông qua báo Tuổi Trẻ. ĐH Văn Hiến có nhiều giảng viên và sinh viên là người miền Trung. Đoàn trường và hội sinh viên sẽ tiếp tục hoạt động này để gửi đến đồng bào miền Trung được nhiều hơn nữa”. |
Nhiều ông lão, bà cụ tóc đã bạc phơ vẫn đòi con cháu đưa đến báo Tuổi Trẻ. Ông Đặng Văn Tâm, 74 tuổi, hiện sống ở Q.10, chia sẻ: “Đọc báo thấy xót xa lắm. Tối qua ăn cơm, các con tôi nói gửi tiền nhờ bố mang đi sớm. Số tiền này là của vợ chồng tôi và mấy đứa con. Còn 500.000 đồng này là của hai cháu nội mới học lớp lá. Bọn trẻ nghe bố mẹ và ông bà nội nói chuyện cũng rủ nhau đập heo đất nhờ ông nội mang đi góp cho mấy bạn nhỏ bị bão”. Ấn tượng nhất là cụ bà Lê Thị Thành, 87 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, đích thân cầm 2 triệu đồng tiền tiết kiệm đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Cụ cười thật hiền bảo: “Sáng đọc báo thấy phóng viên Tuổi Trẻ đến tận nơi tặng tôn cho người dân, tui nghĩ: ờ, Tuổi Trẻ cử người đến tận nơi. Vậy là tiền mình gửi sẽ đến tận tay người dân”.
Bé Nguyễn Ðỗ Hoàng Kim, 11 tuổi, lớp trưởng lớp 6/1 Trường Lê Quý Ðôn (Q.3), tranh thủ buổi sáng chưa đi học nhờ ba chở từ Q.Gò Vấp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ gửi 500.000 đồng tiền tiết kiệm. “Em đọc báo Tuổi Trẻ hôm nay thấy hình hai cha con chú Khảm ở Quảng Bình dọn lại nhà rất tội nghiệp. Mái nhà trống huơ trống hoác. Em thương mấy bạn nhỏ không có nhà, không biết sẽ ở đâu, ngủ đâu, sách vở, quần áo ướt hết làm sao đi học. Không được đi học sẽ thiệt thòi lắm! Số tiền này là tiền mẹ thưởng mỗi khi em làm việc tốt. Mỗi tuần làm được năm việc tốt, mẹ sẽ thưởng cho 50.000 đồng bỏ heo”.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Thơm thảo những tấm lòng...
Một bạn đọc và cũng là nhân vật của Tuổi Trẻ - anh Vũ Hoàng Minh Trọng (nhân vật bài viết “Trọng thợ đụng thành giám đốc - Tuổi Trẻ ngày 30-9-2010) tất tả đến phòng công tác bạn đọc gửi 500.000 đồng ủng hộ đồng bào bị bão lũ, chiếc áo vẫn còn lấm tấm ướt mưa. “Sáng nay đọc báo xong tôi định tranh thủ đến ngay nhưng công việc bận quá giờ mới chạy đến được - anh Trọng cười hiền, nói như giải thích - Khi còn ở Hải Dương, tôi từng chứng kiến rất nhiều cơn bão nhưng ám ảnh mãi là cơn bão năm tôi 13 tuổi. Nhà nghèo, không có tiền mua tôn, mẹ con tôi phải lợp mái nhà bằng rơm rạ. Bão đến, tôi ngồi trong nhà nhìn gió cuốn lật từng mảnh rơm bay đi. Tôi leo lên lấy dây chằng lại thì bị gió thổi bay, may mà rơi xuống đống rơm. Mỗi lần đọc thông tin về bão lũ, những ký ức đó lại ập về, tôi thấy xót xa lắm...”.
Rất nhiều bạn đọc vì bận việc không thể đến trực tiếp thì nhờ xe ôm, bạn bè mang tiền ủng hộ đến tòa soạn Tuổi Trẻ để chuyển đến người dân vùng bão lũ sớm nhất. Bạn đọc Nguyễn Kim Dung từ Mỹ gửi ngay 4 triệu đồng về nhờ chú xe ôm mang đến. Một bạn đọc ở Phú Nhuận đang bận việc cũng nhờ người bạn mang đến 1,2 triệu đồng với lời nhắn: “Rất tin tưởng báo Tuổi Trẻ, nhờ Tuổi Trẻ chuyển giúp tới người dân miền Trung”. Có cô sinh viên hối hả mang đến 5 triệu đồng, xua tay cười khi được hỏi tên: cứ viết em là một bạn đọc Q.10... Những ngày này ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ có rất nhiều bạn đọc như thế, cứ vội đến vội đi, chỉ mỉm cười khẽ từ chối khi được hỏi tên, chỉ mong đóng góp, san sẻ với đồng bào miền Trung một cách âm thầm..
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận