Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cúm A/H5N6 đã xuất hiện ở 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Lạng Sơn và Lào Cai. Đây là lần đầu tiên virut cúm A/H5N6 được ghi nhận tại Việt Nam, là chủng virut có độc lực cao. Trước tình hình xuất hiện chủng virut cúm A/H5N6 đàn vịt nuôi tại huyện Kỳ Anh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tuyến huyện tăng cường giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm nếu bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính nặng, đặc biệt các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Nếu phát hiện, kịp thời triển khai các biện pháp cách ly, điều trị và biện pháp phòng chống; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tiếp xúc gia cầm ốm, chết. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc...; khi có dấu hiệu bệnh cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị...
Để chủ động thực hiện phòng chống lây nhiễm cúm A/H5N6, TP.HCM đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện ngăn chặn nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, thông báo kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm cho ngành Y tế để phối hợp giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A (H5N6) ở người.
TP.HCM cũng yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng vi rút cúm độc lực cao, đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch...
Tỉnh Quảng Nam cho biết, để chủ động phòng, chống lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phòng chống dịch bệnh này. Trong đó, tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện điều tra, ngăn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối...
Tại tỉnh Cao Bằng, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu, khu vực biên giới; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh; chuẩn bị phương tiện, cơ số thuốc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, kinh phí cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có dịch bệnh xảy ra…
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận