Bác sĩ Lê Thái Bình cùng nhân viên y tế thăm hai bé con của chị V.T.T. - Ảnh: THÁI LÊ
Ngày 22-5, ông Lê Quang Hùng, giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết vừa quyết định tặng giấy khen về thành tích đột xuất trong công tác phẫu thuật và cấp cứu, chăm sóc người bệnh cho kíp trực 7 người đã xử lý thành công ca sản phụ sinh khó ở Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn. "Đó không chỉ là một thành tích, mà còn là một câu chuyện đẹp về tấm lòng người thầy thuốc đối với bệnh nhân" - ông Hùng nói.
Trước đó, khoảng 8h48 ngày 3-5, một phụ nữ mặc đồ công nhân rộng thùng thình, một mình đến Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn nói rằng chị đang phụ hồ thì muốn... đau đẻ. Sản phụ khai tên V.T.T., 28 tuổi, ở xã Phước Quang, H.Tuy Phước (Bình Định), không có chồng.
BS Lê Thái Bình, giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, nhớ lại: "Anh em kíp trực báo với tôi là chỉ kịp đón cô ấy lên bàn sinh chứ không kịp thăm khám gì nữa vì đầu đứa trẻ đã lọt ra bên ngoài rồi".
Hôm ấy, chỉ hơn 2 phút sau khi vào viện, chị T. đã sinh thường được 1 bé gái nặng 2,8kg.
Nhưng trong khi chờ bánh nhau ra ngoài thì kíp trực phát hiện trong bụng chị T. còn một đứa trẻ nữa...
Gian nguy ở chỗ đứa trẻ nằm ngôi ngang, tim thai dần yếu nhưng không thể sinh thường được.
"Nếu không phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp thì cả đứa bé và sản phụ đều bị nguy hiểm tính mạng vì tình trạng băng huyết có thể xảy ra trong chốc lát" - BS Lê Văn Vinh, phó trưởng khoa phụ trách khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, kể.
Theo BS Lê Thái Bình, đúng quy định thì kíp trực phải chờ có sự đồng ý của thân nhân sản phụ mới phẫu thuật. Tuy nhiên, chị T. đến bệnh viện một mình, lại đang trong tình thế cấp bách nên ông Bình quyết định phẫu thuật ngay để cứu người.
Kíp trực triển khai phòng phẫu thuật nhanh chóng và chưa đến 10 phút đã mổ đưa ra ngoài 1 bé trai nặng 2,6kg.
"Chị T. đến viện không mang gì nên anh chị em trong kíp trực phải đi xin quần áo, tã lót của các sản phụ khác đang nằm viện để chăm sóc cho 2 đứa bé và cả cho chị nữa. Anh chị em cũng đi xin sữa cho hai bé bú trong khi mẹ chưa có sữa và góp chút ít tiền mua vài vật dụng cần thiết cho chị T." - BS Bình kể.
Có một chi tiết về hoàn cảnh khó khăn của chị T. mà BS Bình nhớ mãi, đó là khi chị T. đang được phẫu thuật, ông dùng điện thoại của chị để tìm số người nhà gọi thông báo họ đến bệnh viện chăm sóc mẹ con chị.
Tuy nhiên, điện thoại chị T. không còn tiền. Hộ lý bệnh viện mua card 20.000 đồng nộp vào nhưng nhà mạng vẫn báo là còn nợ, không gọi được. Cuối cùng, BS Bình dùng điện thoại của ông để liên lạc với người nhà chị T. báo tin chị đã "mẹ tròn con vuông"...
Ơn này nói sao cho hết!
Sau khi cấp cứu giúp chị T. "mẹ tròn con vuông", các y, bác sĩ thông tin về tình hình khó khăn của chị lên Facebook cá nhân. Từ đó, các nhà hảo tâm đã đề nghị cho địa chỉ để hỗ trợ. Bác sĩ Lê Thái Bình đến ngân hàng lập cho chị T. một tài khoản. Ông cho hay số tiền giúp đỡ chị T. đến nay đã được hơn 60 triệu đồng.
Hiện mẹ con chị T. đã xuất viện về nhà và cả ba đều khỏe mạnh. Nói với chúng tôi qua điện thoại, chị T. không giấu được xúc động: "Nếu không có sự nhiệt tâm cứu giúp, hết lòng vì bệnh nhân và tình người cao cả của các y bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn hôm đó, không biết ba mẹ con tôi có sống được hay không nữa. Các chú, các anh, các chị còn hỗ trợ, tìm cách để nhiều người giúp tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ơn này nói sao cho hết!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận