07/06/2017 14:31 GMT+7

“Săn nhân tài” từ trường học

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - “Kinh nghiệm là con số không”, “mất nhiều thời gian đào tạo lại”... là lý do phần lớn doanh nghiệp không muốn tuyển sinh viên mới ra trường mà thường ưu tiên tuyển ứng viên đã có kinh nghiệm.

Bà Vinitaa Jayson - phó chủ tịch nhân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn P&G gặp gỡ và chia sẻ với SV tại Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - Ảnh: Ngân Hà
Bà Vinitaa Jayson - phó chủ tịch nhân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn P&G gặp gỡ và chia sẻ với SV tại Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - Ảnh: Ngân Hà

Trong khi đó, vẫn có một số doanh nghiệp (DN) chọn con đường chông gai hơn: tìm kiếm, đào tạo nhân tài từ các trường đại học, tạo cơ hội cho người trẻ tham gia các dự án lớn.

Thị trường việc làm ngày càng sôi động

Ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay hầu hết đều có bộ phận phụ trách kết nối DN, thông tin việc làm cho sinh viên (SV) nên DN có nhiều thuận lợi.

“Các DN thường săn nhân lực từ gốc bằng cách tìm đến các trường đại học, cao đẳng, thường là các ngành cơ khí, kỹ thuật, công nghệ thông tin... Hầu hết các trường đều tổ chức ngày hội việc làm, giao lưu, gặp gỡ DN, nhà tuyển dụng, các cuộc thi tìm kiếm nhân tài do DN, tập đoàn tổ chức. Họ cũng cấp học bổng cho SV giỏi” - ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết.

Theo ông Tuấn, khoảng cách giữa lý thuyết tại trường và thực tiễn khá lớn khiến DN không thể không đào tạo lại. Tuy nhiên với những DN lớn, tập đoàn uy tín, phát triển ổn định và luôn đặt tiêu chí phát triển nhân tài lên hàng đầu thì họ không ngại tìm kiếm, đào tạo SV mới ra trường. Đó thường là các tập đoàn đa quốc gia có chính sách thăng tiến rõ ràng, minh bạch.

Bà Vinitaa Jayson, phó chủ tịch nhân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn P&G, cho biết đa số nhân viên được tuyển dụng vào công ty khi vừa rời ghế ĐH và được trao tất cả cơ hội và thử thách để không ngừng thăng tiến trong công việc nhờ vào chính sách thăng tiến nội bộ.

“Phần lớn các vị trí quản lý cấp cao tại VN đều được xây dựng nội bộ. Chính văn hóa tin tưởng, phát triển và trao quyền cho nhân tài này đã tạo ra sự gắn bó của họ với công ty. Trường hợp gắn bó với công ty từ 20 năm trở lên là chuyện rất bình thường” - bà chia sẻ thêm trong buổi gặp gỡ với SV tại Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM vừa qua.

Chính bà cũng gắn bó với P&G trên 20 năm từ sau khi ra trường và thăng tiến, đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Tại VN, P&G thường xuyên tổ chức P&G Career Day, P&G Leadership Talk, P&G CEO Academy định kỳ để định hướng nghề nghiệp cho SV, đồng thời tổ chức các chương trình nhằm đào tạo và phát triển nhân tài thường niên.

Cơ hội trong tay người trẻ

“Nhiều DN tìm đến tận trường học đặt hàng nhà trường đào tạo thêm một số kỹ năng DN cần, thay vì họ phải đào tạo khi tuyển dụng về” - ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết. Đó là một trong nhiều cách để DN hạn chế việc đào tạo lại khi tuyển SV.

Tuy nhiên theo ông Hưng, quan trọng nhất là thái độ của SV khi bước vào môi trường thực tiễn, làm việc tại các DN.

“SV có thể hạn chế về kinh nghiệm, điều đó chấp nhận được. Nhưng không ít SV tự tước đi cơ hội khi vào thực tập tại các DN lớn mà chỉ muốn hoàn thành cho xong kỳ thực tập với việc xin số liệu, nhận xét, chữ ký và từ chối thực hiện công việc được phân công vì chưa làm bao giờ. Tôi đặc biệt quý những SV kiên nhẫn học hỏi, rèn luyện những kỹ năng cần cho công việc...” - ông Hưng nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn cũng nêu thực tế: “Nhiều SV rất thờ ơ, bàng quan với những ngày hội việc làm, không có bất cứ sự liên hệ, trao đổi nào đối với các DN tham gia tuyển dụng để tìm hiểu nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng đối với ngành học của mình ra sao. Đối với người trẻ, nên tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu, trải nghiệm càng nhiều càng tốt, không nên đặt nặng vấn đề chức vụ, lương bổng...” - ông nói.

Câu chuyện thực tập của bạn Trần Khắc Hào - giám đốc chăm sóc ngành hàng tóc của P&G VN - là điển hình cho “liều thuốc” chữa bệnh e sợ của nhiều bạn trẻ. Tuổi đời mới 28 nhưng trong hơn 5 năm làm việc, anh đã có cơ hội tiếp cận ở các thị trường quốc tế như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan trước khi về VN.

Theo Hào, cơ hội là không giới hạn, tùy thuộc vào việc các bạn trẻ có nắm bắt được hay không. Hào kể khi đang là SV năm 3 Đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM, anh trở thành thực tập sinh người VN đầu tiên được trao cơ hội thực tập tại văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của P&G (đặt tại Singapore), sau khi tham gia một cuộc thi dành cho SV. Chỉ trong hai tháng thực tập, chàng SV năm 3 non nớt đã được công ty giao cho chiến dịch tung một thương hiệu chăm sóc tóc cao cấp mới, trị giá hàng triệu đôla Mỹ tại thị trường VN.

“Vào thời điểm ấy, yêu cầu đó với một SV năm 3 chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc gần như là bất khả thi. Nhưng gạt qua nỗi sợ ban đầu, tôi đã cùng các đồng nghiệp khác thực hiện thành công chiến dịch” - Hào kể.

Từ một thực tập sinh vào năm 2011, anh nhanh chóng trở thành phó giám đốc nhãn hiệu toàn cầu của tập đoàn tại thị trường Singapore sau khi kỳ thực tập hai tháng kết thúc với kỳ tích đáng nể. Thăng tiến nối tiếp khi anh tiếp tục hoàn thành những dự án mới đầy gian nan.

Đức tính cần thiết của người trẻ

Bạn Trần Khắc Hào chia sẻ hai đức tính cần thiết với bạn trẻ khi làm việc là không sợ sai và kiên trì đến cùng.

Ngoài ra, người trẻ cần trau dồi ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp và luôn trong tư thế sẵn sàng để đảm nhận những thách thức mới.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp