Giao diện dự án sàn giao dịch Cổng Trời - Ảnh chụp màn hình
Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đã nhiều lần đến bến đò sau khi con thuyền nghệ thuật thế giới đã rời bến, đến trong hối hả nhưng vô vọng.
Những năm 1970 - 1980, các nhà sưu tập quốc tế đổ về Việt Nam như một mảnh đất chưa khẩn hoang để mua kỳ hết những tác phẩm nghệ thuật chất lượng với mức giá rất hời. Với chuyến đò lần thứ nhất, chúng ta không lên kịp.
5 năm trước, một số ít tác phẩm của danh họa Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mới được chú ý trên sàn đấu giá quốc tế. Trong khi ấy, các tác phẩm nghệ thuật đương đại đã khuynh đảo ở đó nhiều năm. Chuyến đò lần thứ hai e là chúng ta cũng trễ.
Và chỉ một vài tháng trở lại đây, thị trường nghệ thuật thế giới bỗng xê dịch. Một sự chú ý chưa từng có dành cho các nghệ phẩm NFT gia tăng đến chóng mặt. Lần này, nghệ thuật Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để bắt kịp.
Cơ hội thưởng lãm tác phẩm hiếm
NFT (hay Token không thể thay thế) ra đời từ năm 2017 nhưng mới được biết đến rộng rãi từ nửa năm nay. Thuật ngữ công nghệ này dùng để chỉ một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu.
Tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT luôn là bản gốc, không thể sao nhái. Chính vì vậy, người mua có thể truy nguyên tác giả sở hữu mà không cần đơn vị trung gian hay nhà đấu giá nào đứng ra xác tín.
Nói nôm na, cái gì cũng có thể NFT hóa (tức vật phẩm ảo hóa) được chứ không riêng nghệ thuật. Vậy mà cơn sốt này lại gắn chặt chẽ với giới nghệ thuật. Những album ca nhạc được bán ra vài triệu USD.
Bức tranh Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple đạt đấu giá lên mức 69,3 triệu USD, đưa tác giả trở thành một trong ba nghệ sĩ còn sống có giá trị đấu giá cao nhất.
Dự án Cổng Trời ra mắt chỉ nửa tháng sau khi bức tranh của Beeple được săn lùng có thể nói là một bước đi rất kịp thời trong bối cảnh nghệ thuật thế giới đang chuyển dòng.
Cổng Trời (tên miền: www.congtroi.org) là sàn giao dịch NFT. Theo đó, tác phẩm của các nghệ sĩ được NFT hóa và do một đội ngũ giám tuyển mỹ thuật chọn lọc. Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được đăng tải lên sàn đi kèm chữ ký số của chính tác giả.
Theo anh Phạm Toàn Thắng - người sáng lập dự án, Cổng Trời được anh thai nghén từ tháng 10-2020, ngay khi NFT trở thành một xu hướng được nhiều người quan tâm.
Anh đã liên hệ với một nhóm du học sinh từng làm việc cho Google và đang thực hiện KardiaChain (nền tảng blockchain đầu tiên của Việt Nam) để hiện thực hóa ý tưởng.
Để lý giải thêm điều này, anh Thắng kể lại cuộc trò chuyện với giáo sư - họa sĩ Phạm Công Thành.
Có những bức tranh được họa sĩ Phạm Công Thành vẽ từ năm 1960 nhưng không bán vì gia đình muốn giữ lại. Tuy vậy, nếu được số hóa NFT thì ông đồng ý, vì ông vẫn sở hữu được tranh thật (bản gốc), trong khi có thể bán được tranh ảo và để công chúng thưởng lãm.
Công nghệ NFT có thể giới thiệu đến người xem những tác phẩm nghệ thuật chưa từng được trưng bày, chỉ nghe danh mà chưa thấy mặt. Bức tranh vẽ trên hai mặt toan của họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Thành Chương cũng nằm trong số tác phẩm hiếm hoi ấy.
Nếu chẳng may (mà cũng đã có nhiều cái "chẳng may" như vậy) tranh thật bị cháy, công chúng tương lai vẫn được xem lại các tác phẩm đã được số hóa, có đóng chữ ký của chính nghệ sĩ.
Những lần giao dịch sẽ được lưu lại trên hồ sơ số của tác phẩm. NFT chính là cách để khán giả lần ngược lại quá khứ sống động của một nghệ phẩm.
Phòng hờ trước thị trường mới nổi
Thị trường nghệ thuật NFT rất hấp dẫn. Nếu là miếng bánh, NFT được giới đầu tư xem là ổ gatô béo ngậy với những thức trái cây đủ vị, đủ hương rải lên trên.
Tuy nhiên, mọi người luôn giữ thái độ phòng hờ trước thị trường mới nổi này. Không ai dám chắc vài ba năm nữa, tác phẩm NFT không bị rớt giá thảm hại.
Phạm Toàn Thắng chia sẻ rằng anh không quan tâm mấy đến làn sóng NFT đang kéo ào ào vào bờ.
"Thay vì để ý đến cơn sốt đầu tư NFT, tôi nghĩ nhiều hơn về khả năng của công nghệ này. Tưởng tượng rằng vài trăm năm nữa chúng ta vẫn được nhìn ngắm những tác phẩm chính chủ, kể cả khi bức tranh thật đã bị thời gian làm hư mục.
Xa hơn là nhiều ngàn năm sau, chúng ta không thể bảo quản hết số lượng tác phẩm khổng lồ, còn công nghệ thì có. Di sản văn hóa không nhất thiết phải lưu dưới dạng vật thể, giá trị của chúng là bất biến thì chúng ta phải nghĩ ra phương pháp bảo tồn bất biến tương ứng".
Cổng Trời cũng đang nghiên cứu kết hợp sàn giao dịch với một ứng dụng về gallery ảo. Qua đó, nhà sưu tập có thể trưng bày tác phẩm của mình trong một không gian giả lập và giới thiệu đến người xem.
Hiện nay trên trang Cổng Trời, tác phẩm Góc riêng của họa sĩ Lương Lưu Biên đang nhận được mức giá cao nhất: gần 1.000 USD. Sàn giao dịch sẽ thu phí 10% cho mỗi tác phẩm bán thành công để phục vụ công tác số hóa và chi trả cho giám tuyển.
Họa sĩ Siu Quý - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho biết ông rất hứng thú trước NFT, tuy nhiên vẫn cần phải có một số lưu ý cho nghệ sĩ khi tham gia thị trường này: "Yếu tố tiên quyết là họa sĩ phải đảm bảo chất lượng của tác phẩm và phải chắc chắn chỉ có một bản sao duy nhất. NFT là một thị trường mới, nếu ngay từ đầu chúng ta không trung thực sẽ khiến giá cả bị nhiễu loạn và gây tổn hại đến chính tên tuổi nghệ sĩ, xa hơn là cách thế giới nhìn vào Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận