PGS.TS Lê Quang Huấn (giữa) cùng cộng sự trong phòng nghiên cứu thuốc Vipdervir từ thảo dược Việt Nam - Ảnh: NVCC
Công bố chất ức chế tiềm năng kháng virus SARS-CoV-2
Tại Việt Nam, từ những ngày đầu bùng phát dịch, các nhà khoa học đã tìm kiếm các giải pháp khống chế, trong đó có nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19.
Sau nhiều nỗ lực, nhóm nghiên cứu của TS Ngô Sơn Tùng - Trường ĐH Tôn Đức Thắng cùng các đồng nghiệp từ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Viện Khoa học vật liệu (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam - VAST), Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (VAST), Cincinnati Children’s Hospital Medical Center (Mỹ) và một số trường, viện khác đã tìm ra hàng chục chất ức chế tiềm năng có thể kháng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch, bằng mô phỏng tính toán hóa lý và học sâu (deep-learning).
SARS-CoV-2 main protease (Mpro) là một enzyme đóng vai trò quan trọng trong sự nhân bản của virus gây đại dịch COVID-19. Tìm ra các hợp chất ức chế được enzyme này thì có thể tiến tới nghiên cứu khả năng ứng dụng trong điều chế thuốc điều trị COVID-19.
Nhóm nghiên cứu của TS Ngô Sơn Tùng sử dụng các phương pháp tính toán để ước tính hoạt tính các chất ức chế tiềm năng SARS-CoV-2 Mpro trên nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có các hợp chất nguồn gốc tự nhiên.
Nhóm đã sàng lọc, đánh giá trên 4.600 hợp chất từ cơ sở dữ liệu hợp chất tự nhiên từ thảo dược Việt Nam, trong đó có hơn 340 hợp chất tự nhiên tiêu biểu của thảo dược trong nước, gần 700 hợp chất từ nấm biển...
Nhóm nghiên cứu nhận thấy hoạt tính của các hợp chất tự nhiên này đối với SARS-CoV-2 Mpro tương đối tốt so với các chất ức chế hiện hành.
Tiêu biểu có thể kể như chất isoacteoside (từ cây ngọt nai), hay 3-O-(6-O-α-L-arabinopyranosyl)-β-D-glucopyranosyl-1,4-dimethoxyxanthone), wailupemycins H, cottoquinazolines B, và wailupemycins... (từ các loại nấm biển); tomatine (từ cây cà chua) và EGCG (từ cây trà xanh). Nhóm đã tìm ra khoảng 50 chất ức chế tiềm năng kháng virus SARS-CoV-2 từ hơn 50.000 hợp chất tiềm năng.
"Với nồng độ ức chế tối thiểu dự toán trong khoảng nanomole, khả năng ứng dụng các hợp chất tự nhiên này vào kháng virus SARS-CoV-2 là khả quan, tất nhiên kết quả phải được xác nhận bởi thực nghiệm và lâm sàng nữa" - TS Ngô Sơn Tùng đánh giá.
Bắt đầu thực hiện nghiên cứu từ đầu năm 2020, đến nay nhóm nghiên cứu đã có 6 công bố khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín (SCIE) về tương tác giữa SARS-CoV-2 Mpro và các chất ức chế tiềm năng.
Kết quả nghiên cứu của nhóm được cộng đồng khoa học đón nhận khá tích cực với đánh giá đáng tin cậy. Trong đó, một công bố trên tạp chí Journal of Chemical Information and Modeling lọt vào top 1% trích dẫn nhiều (theo cơ sở dữ liệu WebofScience) và một công bố nằm trong nhóm những công bố hot năm 2021 của tạp chí khoa học RSC Advances.
SARS-CoV-2 đột biến tương đối nhanh, khiến việc phát triển thuốc kháng virus rất cấp bách.
TS Ngô Sơn Tùng cho biết nhóm tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu. Hiện họ chuẩn bị công bố một số kết quả liên quan đến khả năng ức chế SARS-CoV-2 Mpro của tomatine và các dẫn xuất, EGCG, các peptide ngắn, các hạt nano...
Ngoài ra, nhóm cũng đang nghiên cứu cơ chế phối tử PF-07321332 liên kết với SARS-CoV-2 Mpro với mong muốn làm nền tảng phát triển, sàng lọc, thiết kế chất ức chế một cách hiệu quả hơn (PF-07321332 là thuốc kháng virus dựa trên cơ chế ức chế SARS-CoV-2 Mpro đang được Pfizer thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3).
"Các nhà khoa học như chúng tôi làm việc với mong muốn cùng nhau đóng góp vào các nghiên cứu chung trong nước và thế giới, nhằm mục tiêu có thể tạo ra thuốc điều trị COVID-19 đặc hiệu sớm nhất, hiệu quả nhất" - TS Tùng nói.
Thuốc Vipdervir điều trị COVID -19 điều chế từ thảo dược Việt Nam đang được thử nghiệm lâm sàng - Ảnh: NVCC
Thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 của Việt Nam
Thuốc điều trị COVID-19 Vipdervir hiện đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Bộ Y tế đồng ý cho thử nghiệm lâm sàng trên người nhiễm SARS-CoV-2. Đây là loại thuốc từ thảo dược đầu tiên điều trị COVID-19 của Việt Nam được cho phép thử nghiệm lâm sàng.
Với kinh nghiệm nghiên cứu các hợp chất trong thảo dược Việt Nam và khả năng kháng virus của nó, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, PGS.TS Lê Quang Huấn cùng các cộng sự thuộc Viện Công nghệ sinh học (VAST) nhận định nhiều loại thảo dược trong nước có triển vọng điều chế thuốc điều trị COVID-19. Từ đó, ông đã chủ trì nhóm nghiên cứu thuốc ức chế virus SARS-CoV-2 từ thảo dược.
Trải qua quá trình từ nghiên cứu cơ bản đến thử nghiệm trên động vật (thỏ), thận trọng đánh giá tính an toàn, ổn định và khả năng ức chế tăng sinh của virus SARS-CoV-2, cuối cùng ông và các cộng sự đã cho ra đời thuốc điều trị COVID-19 có tên Vipdervir.
Nhóm đã sử dụng công nghệ hiện đại tin sinh học để sàng lọc các hoạt chất chính có trong các thảo dược Việt Nam để tạo được tổ hợp những loại thảo dược chứa các hoạt chất đã sàng lọc nhằm tạo ra sản phẩm có hiệu quả điều trị cao.
Trong đó, các mục tiêu gồm: thứ nhất là ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ; thứ hai, ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào (đối với những virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ); thứ ba là kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ virus.
"Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để chúng tôi đề nghị tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị COVID-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng" - ông Huấn khẳng định.
Sau khi đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân COVID-19 được chấp thuận, Bộ Y tế chỉ định Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Đống Đa và Bệnh viện Đức Giang tham gia tuyển đối tượng nghiên cứu lâm sàng loại thuốc này.
Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã đánh giá tính an toàn ở người tình nguyện khi sản phẩm sử dụng thảo dược nên cho phép triển khai ngay giai đoạn 2, 3 trên đối tượng là bệnh nhân.
Bộ Y tế hy vọng khoảng 2 -3 tháng sẽ hoàn thành xong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thuốc và thêm khoảng 1, 2 tháng đánh giá tổng kết, dự kiến cuối năm 2021 Việt Nam có thể cấp phép lưu hành thuốc điều trị COVID-19 Vipdervir này.
Hiện nhóm nghiên cứu thuốc đã xây dựng quy trình tạo viên nén trên cơ sở các thảo dược Việt Nam, đảm bảo khả năng sản xuất kịp thời phục vụ phòng chống dịch.
TS Nguyễn Ngô Quang, phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho biết những thành quả nghiên cứu khoa học trong hành trình tìm thuốc điều trị COVID-19 ở Việt Nam cho thấy vai trò và sự phối hợp của các nhà khoa học (cả khối nghiên cứu cơ bản và khối lâm sàng), nhà sản xuất, nhà tài trợ và cơ quan quản lý với phương pháp nghiên cứu tiên tiến, tiếp cận công nghệ mới cùng các y văn xưa, nay trong điều chế thuốc.
TS Ngô Sơn Tùng cho biết việc dùng phương pháp tính toán, học sâu và sử dụng trí tuệ nhân tạo đã rút ngắn thời gian nghiên cứu, cho kết quả chính xác.
Việc tìm ra 50 chất ức chế tiềm năng kháng virus SARS-CoV-2 của nhóm nghiên cứu đã được thực hiện chính xác trong một thời gian siêu ngắn bằng các phương pháp tính toán hiện đại như docking phân tử, mô phỏng động lực học phân tử (MD), xác định ái lực liên kết tự do...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận