Nhân viên y tế Mỹ được tiêm thuốc kháng thể thử nghiệm của Regeneron Pharmaceuticals - Ảnh: Getty Images
Theo thông báo của tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 11-8-2021, thử nghiệm được thực hiện tại hơn 600 bệnh viện ở 52 quốc gia.
"Chúng tôi cam kết ít nhất ba phương pháp điều trị mới sẽ được cấp phép vào tháng 10-2021.
Cao ủy y tế EU STELLA KYRIAKIDES
Điều trị bằng kháng thể đơn dòng
Soridarity Plus là dự án tiếp theo của chương trình Soridarity do WHO chủ trì khởi động từ tháng 3-2020.
Hoạt chất artesunate thuộc nhóm thuốc kháng virus, là liệu pháp đầu tiên được sử dụng điều trị bệnh sốt rét ác tính.
Artesunate đã chứng minh tác dụng ức chế SARS-CoV-2 và chống viêm qua nghiên cứu trong ống nghiệm. Imatinib thuộc nhóm thuốc điều chỉnh phản ứng miễn dịch đã đạt hiệu quả đối với một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu, bệnh u mô đệm đường tiêu hóa, rối loạn máu.
Dữ liệu cho thấy imatinib có thể có hoạt tính chống SARS-CoV-2. Trong khi đó, infliximab là kháng thể đơn dòng được chỉ định điều trị viêm như viêm khớp dạng thấp, viêm ruột mãn tính, viêm cột sống dính khớp.
Trong năm phương pháp điều trị COVID-19 được Ủy ban châu Âu (EC) công bố cuối tháng 6-2021, có bốn phương pháp sử dụng kháng thể đơn dòng gồm:
* Casirivimab+imdevimab của Công ty công nghệ sinh học Regeneron Pharmaceuticals (Mỹ).
* Bamlanivimab+etesevimab của Công ty dược phẩm Eli Lilly (Mỹ) hợp tác với Công ty công nghệ sinh học AbCellera (Canada).
* Regdanvimab của Công ty sinh học dược Celltrion (Hàn Quốc).
* Sotrovimab của Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh) hợp tác với Công ty miễn dịch học lâm sàng Vir Biotechnology (Mỹ).
* Phương pháp điều trị thứ năm là phân tử ức chế miễn dịch baricitinib (Olumiant) của Eli Lilly.
Điều trị bằng kháng thể đơn dòng là bào chế kháng thể rồi sử dụng một hoặc nhiều kháng thể tấn công protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2 để ngăn cản virus xâm nhập tế bào.
Còn điều trị bằng phân tử baricitinib có tác dụng làm giảm phản ứng thái quá của hệ miễn dịch để tránh xảy ra bão cytokine trong phổi. Phân tử này thuộc loại "hoạt chất cũ, tác dụng mới" được chỉ định điều trị cho các bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm da dị ứng.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) dự kiến sẽ tiếp tục chọn lọc thêm để đến tháng 10-2021 danh mục thuốc điều trị COVID-19 sẽ tăng lên ít nhất 10 phương pháp điều trị.
EMA dự kiến từ đây đến cuối năm 2021 sẽ cấp phép cho năm phương pháp điều trị mới, trong đó có ba phương pháp được cấp phép vào tháng 10-2021.
Cuối tháng 7-2021, GlaxoSmithKline và đối tác Vir Biotechnology đã ký hợp đồng với EC cam kết cung cấp 220.000 liều sotrovimab. Trong khi đó, thuốc regdanvimab (CT-P59) của Công ty Celltrion đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.
Theo kết quả ban đầu công bố vào giữa tháng 6-2021, thuốc đã cải thiện điều trị nơi người mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình và giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong (72%). Người có nguy cơ cao mắc COVID-19 thể nặng sử dụng CT-P59 đã hồi phục sớm hơn gần năm ngày.
Tại Mỹ, bamlanivimab là kháng thể đơn dòng điều trị COVID-19 đầu tiên được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 11-2020.
Các hỗn hợp bamlanivimab+etesevimab và casirivimab+imdevimab cũng như sotrovimab lần lượt được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Thuốc hỗn hợp asirivimab+imdevimab của Regeneron Pharmaceuticals mang tên REGEN-COV™ ở Mỹ và Ronapreve™ ở các nước khác đã được sử dụng khẩn cấp hoặc tạm thời ở hơn 20 nước.
Cuối tháng 7-2021, Nhật là quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng rộng rãi thuốc này trong điều trị bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ đến trung bình.
Mỹ ưu tiên thuốc kháng virus
Để giải quyết vấn đề thuốc điều trị COVID-19, theo thông báo ngày 17-6 của TS Anthony Fauci - cố vấn y tế Nhà Trắng, Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư 3,2 tỉ USD trong khuôn khổ Chương trình chống các virus gây đại dịch (APP) để thúc đẩy phát triển thuốc kháng virus mới an toàn và hiệu quả sử dụng qua đường uống.
Chương trình APP quy tụ nhiều cơ quan nghiên cứu sẽ ưu tiên phát triển các phương pháp điều trị chống SARS-CoV-2 và các chủng virus corona, đồng thời mở rộng đối phó với các chủng virus có khả năng gây đại dịch trong tương lai.
APP tập trung vào các loại thuốc ức chế các virus hệ ARN. Thuốc kháng virus được quan tâm sẽ là các hoạt chất mới và các liệu pháp sinh học mới ngăn chặn trực tiếp virus.
Thuốc phải có cấu hình an toàn phù hợp để sử dụng rộng rãi trong điều trị ngoại trú (dạng thuốc viên uống hoặc thuốc xông mũi).
TS Anthony Fauci giải thích chương trình APP sẽ bao gồm hai trụ cột chính gồm phát triển và khám phá. Trụ cột phát triển nghĩa là chú trọng tăng tốc thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc kháng virus đầy hứa hẹn đang nghiên cứu.
Ông nêu một số ví dụ như chất ức chế protease của Pfizer (thuốc PF-07321332), chất ức chế ARN polymerase của Roche-Atea (thuốc AT-527), hợp chất nucleoside của Merck, thuốc molnupiravir (EIDD-2801) của Merck và nhiều loại khác. Trụ cột khám phá nghĩa là khám phá thêm nhiều loại thuốc kháng virus mới.
Trong 3,2 tỉ USD đầu tư cho APP có 500 triệu USD dành cho nghiên cứu cơ bản và hỗ trợ các phòng thí nghiệm, 1 tỉ USD cho đánh giá thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng, 700 triệu USD cho phát triển và sản xuất thông qua Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) và 1 tỉ USD hỗ trợ thành lập "Trung tâm Khám phá thuốc kháng virus cho các tác nhân gây đại dịch".
Nếu kế hoạch suôn sẻ, Mỹ hy vọng sẽ có thuốc điều trị COVID-19 sử dụng rộng rãi trước cuối năm 2021.
EU chú trọng các phương pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng, vì sao Mỹ lại ưu tiên thuốc kháng virus?
Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) giải thích thuốc kháng virus dạng uống có thể được dùng phổ biến, dùng tại nhà khi mới mắc COVID-19 để ngăn ngừa virus lây nhiễm, tránh nhập viện ồ ạt dẫn đến quá tải bệnh viện và giảm tử vong.
Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu thuốc kháng virus điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nằm viện nhưng chưa thành công như mong đợi, các nhà khoa học Mỹ đang nhắm đến thuốc uống cho những người mắc COVID-19 khi mới có triệu chứng.
"Phép mầu" từ Israel
Thủ tướng Benjamin Netanyahu khen ngợi GS Nadir Arber (bìa trái) hồi tháng 2-2021 - Ảnh: Facebook
Trong khuôn khổ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II thuốc hít EXO-CD24, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Y khoa Sourasky ở Tel Aviv (Israel) đã cho 90 bệnh nhân mắc COVID-19 từ trung bình đến nặng tại Athens (Hy Lạp) sử dụng thuốc. Thử nghiệm kết thúc hôm 3-8 với kết quả 93% xuất viện sau năm ngày điều trị hoặc ít hơn.
Dược chất EXO-CD24 được GS Nadir Arber nghiên cứu ban đầu để điều trị ung thư buồng trứng, sau mới chuyển hướng điều trị COVID-19. Thuốc được hít thẳng vào phổi mỗi ngày. Thử nghiệm được tiến hành ở Hy Lạp do Israel không đủ bệnh nhân thích hợp.
GS Nadir Arber giải thích: "Mục đích chính của nghiên cứu lần này là xác định xem thuốc có an toàn hay không. Đến giờ chúng tôi chưa ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào".
Trong thử nghiệm giai đoạn I tại Israel hồi tháng 2-2021, 30/30 bệnh nhân mắc COVID-19 từ trung bình đến nặng dùng EXO-CD24 đã hồi phục.
29 người hồi phục từ 3 - 5 ngày và một người hồi phục chậm hơn. Thủ tướng Benjamin Netanyahu lúc đó đã phấn khởi gọi đó là "phép mầu chữa bệnh".
Theo báo The Jerusalem Post, thử nghiệm lâm sàng tiếp theo sẽ tiếp tục được tiến hành với 155 bệnh nhân COVID-19 và kết thúc vào cuối năm nay.
Đối với người mắc bệnh COVID-19, nguyên nhân chính gây suy giảm lâm sàng dẫn đến tử vong do bão cytokine trong phổi.
Phương pháp điều trị EXO-CD24 dựa vào exosome (túi ngoại bào trong các chất dịch cơ thể) mang phân tử CD24. Phân tử này có tự nhiên trong cơ thể bám vào màng tế bào giữ vai trò điều chỉnh để hệ miễn dịch hoạt động cân bằng hơn.
*********
Uống thuốc ngừa COVID-19 như thuốc cảm thông thường: ước mơ này sắp trở thành hiện thực với viên thuốc đột phá molnupiravir?
>> Kỳ tới: Ước mơ viên thuốc dễ uống tại nhà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận