10/08/2021 11:01 GMT+7

Săn lùng thuốc điều trị COVID-19 - Kỳ 1: Ivermectin, 'thần dược' tẩy giun

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Ngoài vắc xin, các nhà khoa học đang đau đáu nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 nhằm giảm biến chứng, tránh nhập viện và giảm tử vong để có thể dập tắt đại dịch, hay ít nhất là bước sang thời kỳ 'bình thường mới sống chung với virus'.

Săn lùng thuốc điều trị COVID-19 - Kỳ 1: Ivermectin, thần dược tẩy giun - Ảnh 1.

Thuốc ivermectin bán tại Indonesia - Ảnh: Facebook

Chưa có dữ liệu đầy đủ về tính an toàn và hiệu quả của ivermectin trong điều trị COVID-19.

Nhà sản xuất MERCK khuyến cáo hồi tháng 2-2021

Quá trình nghiên cứu hơn một năm qua gặp rất nhiều thất bại. Nhưng điều đáng mừng là Liên minh châu Âu và Mỹ đã xác định được một số phương pháp điều trị COVID-19 bước đầu khả quan. Thuốc điều trị COVID-19 có thể sẽ trong tầm tay.

Trung tuần tháng 7-2021, Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm quốc gia Indonesia (BPOM) thông báo cho phép sử dụng ivermectin để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 cùng bảy loại thuốc khác.

Một tuần sau đó, BPOM ban hành công văn giải thích ivermectin chỉ được sử dụng khẩn cấp trong khuôn khổ chương trình Tiếp cận mở rộng (EAP) chứ chưa có giấy phép lưu hành, do đó yêu cầu các công ty dược ngưng quảng bá ivermectin như thuốc điều trị chính thức.

Thuốc thú y dùng cho người

Hoạt chất ivermectin do TS Satoshi Ōmura ở Nhật phát hiện đã được sử dụng rộng rãi từ năm 1981 để chống giun ký sinh, côn trùng, ve, bọ chét, chấy rận dành cho trâu, bò, ngựa, dê, heo, chó, mèo, thỏ, thú cảnh. Sau đó, Hãng dược phẩm Merck (Mỹ) đã sản xuất ivermectin thành thuốc điều trị nhiễm ký sinh trùng trong các bệnh về giun, ghẻ dành cho người.

Từ thập niên 1990, nhiều công ty khác cũng sản xuất thuốc với hoạt chất tương tự. Ivermectin càng có giá hơn khi hai nhà khoa học Satoshi Ōmura và William C. Campbell (Mỹ) được trao nửa giải Nobel y sinh học năm 2015 nhờ công phát hiện ivermectin chống bệnh mù sông do giun chỉ Onchocerca và bệnh giun chỉ bạch huyết (nhiễm ký sinh trùng giun chỉ).

Đại dịch COVID-19 bùng phát. Có bệnh thì vái tứ phương, thiên hạ rần rần tìm mua thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine vì nghe đồn có thể trị bệnh COVID-19. Sau đó, họ lại săn lùng thuốc tẩy giun ivermectin. Báo Le Monde ghi nhận một vỉ thuốc ivermectin 10 viên bình thường chỉ có 4 USD đã được kê giá cao gấp 15 lần trên thị trường chợ đen Nam Phi.

Tại Ấn Độ, nhiều người mới có kết quả dương tính với COVID-19 đã vội tìm mua ivermectin tự điều trị tại nhà. Đến khi bệnh trở nặng phải nhập viện thì bác sĩ "bó tay". Tại Indonesia, giá một lọ ivermectin 175.000 rupiah (khoảng 270.000 đồng Việt Nam) đã tăng gấp ba lần.

Dù đến nay chỉ mới có kết quả nghiên cứu ivermectin trong phòng thí nghiệm chứ ivermectin chưa qua các giai đoạn thử nghiệm trên người, trong bối cảnh thiếu thuốc điều trị COVID-19, không ít quốc gia vẫn cho phép sử dụng khẩn cấp ivermectin trong điều trị COVID-19. Hầu hết là các nước đang phát triển không đủ nguồn lực mua sắm vắc xin.

Tại Nam Mỹ, ivermectin được sử dụng rộng rãi từ mùa xuân năm 2020 ở Bolivia, Guatemala, Honduras và một số bang Mexico. Tại châu Âu, Slovakia đã cho phép sử dụng tạm thời ivermectin hồi tháng 1-2021. Hai tháng sau đến lượt Cộng hòa Czech.

Tại châu Á, ivermectin được sử dụng phổ biến ở nhiều bang Ấn Độ.

Tại Philippines, cơn sốt ivermectin lên đến mức trong buổi điều trần trước Ủy ban Chính phủ tốt và trách nhiệm giải trình công của hạ viện hôm 7-6, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque III đã phân trần: "Đây là lần cuối cùng tôi phát biểu về vấn đề này, vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn khẳng định ivermectin có thể được dùng để điều trị hoặc ngăn ngừa COVID-19".

Dù vậy cũng như Indonesia, song song với sử dụng khẩn cấp ivermectin trong sáu bệnh viện để điều trị COVID-19, ngày 1-8 Đại học Philippines-Bệnh viện Đa khoa Philippines (UP-PGH) bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đối với ivermectin.

Thử nghiệm kéo dài tám tháng trên 1.464 bệnh nhân Philippines mắc COVID-19 không có triệu chứng và mắc bệnh nhẹ trong các trung tâm cách ly. Mục đích thử nghiệm nhằm cung cấp dữ liệu về hiệu quả, tính an toàn và tác động về thanh thải virus của ivermectin.

Săn lùng thuốc điều trị COVID-19 - Kỳ 1: Ivermectin, thần dược tẩy giun - Ảnh 3.

Một phụ nữ ở Quezon City (Philippines) nhận thuốc ivermectin do hai nghị sĩ cấp phát hồi tháng 4-2021 Ảnh: Inquirer

4 lý do chưa cho phép sử dụng

Vì sao loại thuốc tẩy giun như ivermectin lại được các bác sĩ điều trị bệnh COVID-19 quan tâm? Theo trang web gavi.org, câu chuyện khởi đầu vào tháng 6-2020, các nhà khoa học Úc đã công bố một nghiên cứu chưa qua bình duyệt ghi nhận trong vòng 48 tiếng, ivermectin có thể giảm tải lượng virus SARS-CoV-2 đối với tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Lúc bấy giờ một số quốc gia dựa vào nghiên cứu này đã cho phép kê đơn ivermectin trong điều trị COVID-19 nhưng sau đó phải rút lại.

Cuối năm 2020, một nhóm nghiên cứu Ấn Độ đã phân tích bốn nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy ivermectin có thể cải thiện tỉ lệ tử vong nơi bệnh nhân COVID-19 dùng ivermectin kết hợp với một số liệu pháp khác. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu đã thận trọng lưu ý do chất lượng chứng cứ còn thấp nên cần tiếp tục nghiên cứu thêm.

Sau đó đã xảy ra tranh luận về một bài báo của nhóm FLCCC ở Mỹ (Front Line COVID-19 Critical Care Alliance bao gồm nhiều bác sĩ và nhà nghiên cứu). Bài báo tóm tắt một số nghiên cứu quy mô nhỏ về tác dụng của ivermectin đối với người mắc COVID-19.

Tạp chí Frontiers in Pharmacology đã đăng bài báo đó vào tháng 1-2021 nhưng hai tháng sau rút bài xuống với lý do nghiên cứu chưa cung cấp đủ chứng cứ và các tác giả đã quảng cáo thuốc "trá hình".

Đến tháng 3-2021, các nhà nghiên cứu Colombia công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên 476 bệnh nhân cho thấy ivermectin không có tác dụng giảm triệu chứng nơi người lớn mắc COVID-19 dạng nhẹ và đề nghị tiếp tục thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn hơn.

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều khuyến cáo không nên sử dụng ivermectin trong điều trị hoặc ngăn ngừa COVID-19 ngoài phạm vi thử nghiệm lâm sàng. Các cơ quan nêu trên đưa ra bốn lý do chủ yếu như sau:

- Hầu hết các nghiên cứu được những người ủng hộ sử dụng ivermectin trích dẫn là nghiên cứu chưa được giới khoa học bình duyệt.

- Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện không đúng phương pháp như cỡ mẫu quá ít, khó so sánh giữa các nhóm tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, nghiên cứu không theo phương pháp ngẫu nhiên, thiếu các tiêu chí khách quan và đo lường để đánh giá.

- Ivermectin được dùng trong thử nghiệm đôi khi có liều lượng cao hơn so với liều dùng thông thường.

- Các tế bào sử dụng trong một số thử nghiệm ở phòng thí nghiệm không phù hợp. Ví dụ trong nghiên cứu của Úc công bố hồi tháng 6-2020, tế bào được sử dụng khác với tế bào con người khi xuất hiện phản ứng kháng virus.

Ivermectin là loại thuốc rẻ tiền, dễ kiếm, vì vậy các nghiên cứu khả năng sử dụng ivermectin để điều trị cho người mắc COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Tổng cộng có 76 thử nghiệm ngẫu nhiên đánh giá chức năng điều trị COVID-19 của ivermectin với hơn 20.000 người ở 30 quốc gia tham gia và 11 thử nghiệm ngẫu nhiên đánh giá chức năng ngăn ngừa COVID-19 của ivermectin với hơn 9.000 người tham gia.

Kỳ vọng nhất là nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) được thực hiện trong chương trình "Nền tảng thử nghiệm ngẫu nhiên về các biện pháp can thiệp chống COVID-19 ở người lớn tuổi" do Chính phủ Anh tài trợ.

Nghiên cứu bắt đầu từ cuối tháng 6-2021 theo phương pháp thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên trên quy mô lớn vốn là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá hiệu quả thuốc. GS Chris Butler, một trong các nhà nghiên cứu chính, đánh giá đây sẽ là nghiên cứu cuối cùng giải tỏa mọi nghi vấn về thuốc ivermectin...

----------------------

Vì sao cần bào chế thuốc điều trị COVID-19 trong khi đã có vắc xin? Vì sao đến nay vẫn chưa có "thần dược" được mong đợi?

Kỳ tới: Gian nan bào chế thuốc điều trị COVID-19

Hôm nay 8-8: 10.000 lọ thuốc Remdesivir được phân bổ điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM Hôm nay 8-8: 10.000 lọ thuốc Remdesivir được phân bổ điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM

TTO - Bộ Y tế cho biết ngày 8-8 bắt đầu phân bổ lô thuốc Remdesivir đầu tiên 10.000 lọ cho khoảng 8-10 bệnh viện ở TP.HCM để đưa vào sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp