Các tàu đánh bắt bất hợp pháp chuyển thủy sản lên tàu đông lạnh (giữa) và tiếp tục đánh bắt dài ngày trên biển - Ảnh: Simon Ager
“Đánh bắt bất hợp pháp liên quan chặt chẽ đến một số tội phạm, nhất là làm giấy tờ giả, rửa tiền, buôn người và lao động nô lệ.
Báo cáo của C4ADS, tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh xuyên quốc gia
Từ thập niên 1970, Muto cầm đầu băng Ndrina Muto ở Cetraro chuyên bảo kê tàu cá đánh bắt dọc bờ biển Tyrrhenum dài 200km.
Tháng 7-2016, lực lượng đặc nhiệm chống mafia bắt giữ Muto cùng 56 đồng bọn. Sau thời gian ăn cơm tù, tháng 9-2019 Muto bị quản chế tại nhà trong 7 năm 10 tháng theo quy định dành cho phạm nhân trên 70 tuổi có sức khỏe kém.
Những lỗ hổng trong khai thác thủy sản
Chuỗi giá trị trong khai thác thủy sản gồm các công đoạn chuẩn bị tàu cá và ra biển, đánh bắt, dỡ cá, sơ chế, vận chuyển và xuất khẩu thủy sản tươi sống và chế biến, cuối cùng là bán hàng cho người tiêu dùng. Tổ chức phi chính phủ Stop Illegal Fishing (đấu tranh chống đánh bắt bất hợp pháp ở châu Phi) thừa nhận: "Chuỗi giá trị này còn nhiều lỗ hổng mà các băng nhóm tội phạm không ngần ngại lợi dụng".
Mối liên hệ giữa đánh bắt IUU (đánh bắt trái phép, không báo cáo và không theo quy định) với bọn tội phạm xuyên quốc gia đã được Đại hội đồng LHQ ghi nhận trong nghị quyết 64/72 ngày 4-12-2009. Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) phân biệt có hai nhóm tội phạm liên quan.
Nhóm thứ nhất gồm bọn mafia chính hiệu như Franco Muto chuyên bảo kê nghề cá. Tại Nam Phi, bọn buôn ma túy địa phương đã câu kết với các băng đảng Tam hoàng 14K và Wo Shing Wo (Hòa Thắng Hòa) bán ma túy lấy bào ngư của ngư dân.
Tại vịnh California ở Mexico, các băng người Hoa rửa tiền bằng cách buôn cocaine sang Mỹ để đổi lấy bong bóng cá totoaba quý hiếm. Bong bóng cá này được gọi là "cocaine của biển", có giá đắt hơn vàng (hơn 50 USD/gram).
Nhóm thứ hai gồm bọn tội phạm cổ cồn trắng trong các công ty thủy sản hợp pháp. Trùm cá tuyết Carlos Rafael ở North Dartmouth (bang Massachusetts) kiểm soát 1/5 thị trường cá tuyết vùng New England (Đông Bắc Mỹ) với 36 tàu cá và một nhà máy chế biến thủy sản.
Rafael sa lưới pháp luật vào tháng 11-2017, bị kết án 46 tháng tù và 3 triệu USD tiền phạt về 28 tội danh, bao gồm rửa tiền, hợp thức hóa thủy sản đánh bắt trái phép, làm giấy tờ đăng ký giả. Tháng 8-2019, sự nghiệp của Rafael chính thức kết thúc. Chính phủ Mỹ cấm Rafael khai thác thủy sản vĩnh viễn tại các ngư trường Mỹ.
Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng (C4ADS - tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh xuyên quốc gia) đã bỏ ra 15 tháng điều tra hơn 2.000 thực thể gồm các công ty, cá nhân và tàu thuyền liên quan đến 29 mạng lưới tội phạm về đánh bắt IUU kiểm soát 150 tàu cá trên thế giới.
Trong báo cáo với tiêu đề Câu kết: Khám phá các mạng lưới trên bờ là nguồn gốc đánh bắt IUU được công bố vào tháng 8-2019, C4ADS kết luận đánh bắt IUU có thể gây nguy cơ đối với chủ quyền, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế của nhiều nước.
Theo báo cáo, hành vi phổ biến của đánh bắt IUU là đánh lạc hướng hoặc tắt thiết bị tự động nhận dạng AIS (hơn 80% số vụ), thay đổi định danh tàu hoặc đăng ký cờ (60% số vụ) và chuyển tải thủy sản trên biển (30% số vụ).
Báo cáo ghi nhận ngay cả khi các tàu bị bắt quả tang đánh bắt bất hợp pháp, công ty chủ tàu thường thoát thân với mức phạt quá ít. Một số tên công ty liên quan như Pingtan Marine Enterprise (Trung Quốc), Honglong Ocean Fishing (Trung Quốc), Fuzhou Honglong Ocean Fishing (Trung Quốc), PT. RMI và PT. Media Maritim Tegal (Indonesia), Sea Group (Tây Ban Nha), Sajo Systems (Hàn Quốc).
Báo cáo lưu ý đánh bắt IUU liên quan chặt chẽ đến một số tội phạm, nhất là gian lận giấy tờ và hải quan, buôn người, lao động cưỡng bức, rửa tiền. Do đó muốn ngăn chặn đánh bắt IUU cần phải đồng loạt tấn công vào các loại hình tội phạm nêu trên.
Trùm cá tuyết Carlos Rafael đã bị cấm đánh bắt thủy sản vĩnh viễn ở Mỹ - Ảnh: AP
Treo cờ thuận tiện và chuyển tải thủy sản
Cái khó trong công tác đấu tranh chống đánh bắt IUU là tính chất xuyên quốc gia. Các băng nhóm tội phạm thường lợi dụng chế độ treo cờ thuận tiện hoặc chuyển tải thủy sản trên biển để tiêu thụ cá đánh bắt trái phép.
Luật hàng hải quốc tế cho phép chủ tàu chọn quốc gia để treo cờ. Tàu cá đăng ký ở một nước không phải là quốc gia mà chủ tàu mang quốc tịch thì gọi là tàu treo cờ thuận tiện. Các tàu cá thường đăng ký treo cờ ở một quốc gia xa xôi nào đó (thường là nước nghèo) nhằm mục đích được hưởng các ưu đãi như làm thủ tục nhanh gọn, chi phí thấp, dễ tuyển thuyền viên, tránh kiểm tra về an toàn. Một số tàu cá đã lợi dụng chế độ treo cờ thuận tiện để đổi tên tàu hoặc sử dụng giấy tờ giả.
Các tàu cá còn chọn cảng thuận tiện để tiêu thụ thủy sản đánh bắt trái phép. Cảng thuận tiện là nơi mà khâu kiểm tra không có hoặc hết sức lơi lỏng. Kiểu làm ăn bất chính này có thể tác động đến giá cả thị trường. Năm 2012, một số tàu cá Nga đã từng chở ồ ạt cua hoàng đế Kamchatka đánh bắt trái phép vào Mỹ và Nhật. Ngay sau đó giá cua giảm đến 25%.
Theo Tổ chức Lương - nông Liên Hiệp Quốc (FAO), một trong những thách thức khó vượt qua nhất để ngăn chặn đánh bắt IUU là chuyển tải thủy sản trên biển. Chuyển tải thủy sản có nghĩa là các tàu đánh bắt chuyển cá sang các tàu đông lạnh và chế biến trên biển, đổi lại nhận được nhiên liệu, thực phẩm, ngư cụ hoặc thuyền viên. Hầu hết các tàu chuyển tải đều treo cờ thuận tiện mà phổ biến nhất là cờ của Comoros và Vanuatu.
Chuyển tải thủy sản xảy ra giữa biển nên ngoài tầm kiểm soát. Các tàu cá có thể trộn cá đánh bắt hợp pháp với cá đánh bắt trái phép nhằm dễ bề tiêu thụ và khai gian sản lượng. Sau khi chuyển tải, tàu cá tiếp tục đánh bắt mà không tốn thời gian và xăng dầu vào cảng. Một đội tàu khoảng 6.000 người có thể ở lại trên biển đánh bắt một năm hoặc hơn. Tàu cá không vào bờ dài ngày rất dễ phát sinh nạn bóc lột lao động trên biển.
Tạp chí khoa học Science Advances (Mỹ) ngày 26-2-2020 đã đăng bài viết của năm nhà nghiên cứu Canada, Úc và Trung Quốc ước tính mỗi năm có từ 7,7-14 triệu tấn thủy sản đánh bắt trái phép được giao dịch.
Nghiên cứu xác định có ba cơ chế tiêu thụ cá đánh bắt trái phép. Đầu tiên là chuyển tải thủy sản, chiếm khoảng 16% lượng cá xuất khẩu từ vùng biển Tây Phi. Kế đến là cách thức vận chuyển cá xuất khẩu. Khoảng 84% lượng cá xuất khẩu từ Tây Phi được vận chuyển trong container đông lạnh lớn vốn không yêu cầu khai báo và kiểm tra nghiêm ngặt. Cuối cùng là đưa thủy sản lậu vào thị trường địa phương và khu vực gần đó để đội lốt cá đánh bắt hợp pháp.
Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (PSMA) là thỏa ước quốc tế đầu tiên mang tính ràng buộc nhằm ngăn chặn các tàu thuyền đánh bắt IUU sử dụng cảng và đưa cá vào bờ. PSMA được thông qua vào tháng 11-2009 (có hiệu lực ngày 5-6-2016) dưới sự bảo trợ của FAO. Đến nay đã có 64 quốc gia và Liên minh châu Âu tham gia PSMA nhưng không có Trung Quốc. PSMA có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 2-2-2019.
Tổ chức Oceana ghi nhận trong 4.968 cảng trên thế giới có thể dỡ cá xuống, 1.998 cảng không bắt buộc thực hiện PSMA.
Lãi vay cắt cổ 20%/tháng vẫn còn "tử tế", thực tế có những mức lãi vay đứng, vay nằm lên đến 30 - 35%/tháng, thậm chí còn cao hơn nữa. Những cảnh đời nào lỡ sa chân vào các vòi bạch tuộc bẫy nợ này thì may mắn không mất nhà cũng chỉ còn cách bỏ trốn mất tích như chính câu nói khét tiếng của dân cho vay: "Còn cái mả cha nhà mày tao không khiêng được, chứ khiêng được tao cũng xiết".
Những câu chuyện thực tế đến rợn người của các nạn nhân trong vòi bạch tuộc cho vay nặng lãi...
MỜI ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ MỚI:
>>Trong vòi bạch tuộc bẫy nợ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận