15/07/2019 14:42 GMT+7

San lấp ao hồ để xây thành phố, Campuchia sẽ trả giá bằng ngập lụt?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Thành phố Phnom Penh của Campuchia đang đi theo "vết xe đổ" của nhiều đô thị Đông Nam Á trong quy hoạch phát triển. Ngập lụt, môi trường sống xuống cấp... là những hậu quả nhãn tiền khi môi trường bị đánh đổi để lấy tăng trưởng.

San lấp ao hồ để xây thành phố, Campuchia sẽ trả giá bằng ngập lụt? - Ảnh 1.

Một người đàn ông đánh cá trên hồ Boeung Tompoun, cạnh một khu vực vừa bị san lấp ở TP Phnom Penh - Ảnh: SCMP

15/25 hồ nước đã bị san lấp

Gia đình bà Lay Sremeth sinh sống ở dải đất hẹp cạnh hồ Boeung Tompoun (TP Phnom Penh, Campuchia) trong suốt 30 năm nhờ trồng lúa và đánh bắt cá. 

Nhưng cách đây 10 năm, khi chính quyền thành phố thông qua kế hoạch lấp một phần hồ nước để xây chung cư và trung tâm thương mại, sinh kế của họ cũng không còn nữa, theo Hãng tin Reuters.

Hiện nay khu vực này chỉ còn vài đầm lầy sót lại, bà Lay Sremeth và những người hàng xóm sợ mất luôn ngôi nhà đang ở vì họ không có giấy tờ.

Một khu phức hợp thương mại khổng lồ đang xây dựng, đã lấn át những ngôi nhà gỗ lụp xụp của hơn 60 gia đình, gây ngập lụt nặng hơn vào mùa mưa vì nước không còn chỗ thoát.

"Thời chúng tôi mới dọn đến, đây chỉ là vùng đất trống. Chúng tôi có thể kiếm đủ thức ăn và sống dễ dàng, còn giờ chúng tôi phải lao động trong nhà máy, lái xe tuk-tuk để có tiền mua thực phẩm" - bà Lay Sremeth kể.

Theo Tổ chức bảo tồn Wildfowl and Wetlands Trust (WWT), Campuchia lệ thuộc lớn vào hệ thống ao hồ và đất ngập nước, với gần một nửa dân số kiếm sống trên các khu vực ngập nước theo mùa, đánh bắt cá và trồng lúa trên đó.

Nhưng 15 năm qua, một nửa diện tích đất ngập nước ở Campuchia đã biến mất do đô thị hóa. Điều này không đâu rõ hơn ở thủ đô Phnom Penh, nơi 15/25 hồ nước đã bị san lấp, số còn lại bị lấp một phần hoặc đã có kế hoạch, theo Tổ chức Sahmakum Teang Tnaut (STT).

"Những người sống cạnh vùng nước dễ bị tổn thương vì họ thường không có giấy tờ đất, ít khả năng được nhận đền bù khi bị giải tỏa. Họ là nạn nhân của tình trạng phát triển, chỉnh trang đô thị thiếu quy hoạch" - ông Isaac Daniels, cố vấn nghiên cứu thuộc STT, nhận xét.

San lấp ao hồ để xây thành phố, Campuchia sẽ trả giá bằng ngập lụt? - Ảnh 2.

Phụ nữ Campuchia làm việc trên ruộng rau muống ở Phnom Penh - Ảnh: AFP

Nguy cơ ngập nước

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ hơn 1/5 trên tổng dân số 16 triệu của Campuchia sống ở thành thị, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ gần 50% ở các nước Đông Nam Á khác. 

Theo thời gian, cùng với việc các đô thị như Phnom Penh mở rộng, ngày càng nhiều dân nhập cư từ nông thôn chuyển đến kiếm việc làm.

Nằm bên bờ sông Tonle Sap, Mekong và Bassac, thành phố Phnom Penh dễ bị lũ đe dọa, nhất là vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10.

Báo cáo năm 2017 của WB nêu rõ: "Việc san lấp các hồ nước làm nghiêm trọng thêm vấn đề thoát nước của thành phố; chủ trương này được tiến hành mà không cân nhắc đầy đủ tác động đến môi trường".

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) dự báo những năm sắp tới, các quốc gia Đông Nam Á sẽ chứng kiến lượng mưa lớn hơn do nền nhiệt toàn cầu tăng, gây ngập lụt ở các thành phố lớn như Bangkok, Manila, TP.HCM…

Hoạt động san lấp các vùng trũng như cách Phnom Penh và nhiều nơi đang làm, chỉ khiến tình hình thêm trầm trọng, bởi không chỉ là vùng đệm giúp thoát nước cho thành phố, ao hồ còn giúp bổ sung nước ngầm, làm mát và tăng chất lượng không khí.

"Thực tế của biến đổi khí hậu đồng nghĩa chúng ta phải có cái nhìn dài hạn trong phát triển đô thị: bảo tồn các vùng đất ngập nước có sẵn dễ hơn là tạo ra chúng trong một khu vực mới xây dựng, nơi giá đất cao ngất ngưởng" - chuyên gia Diane Archer, thuộc Viện Môi trường Stockholm (Bangkok), nhận định.

Thái Lan xây dựng

Dự án đầu tiên tại khu vực thường xuyên bị ngập lụt Asok-Din Daeng sẽ được đưa vào sử dụng ngay trong tháng 8 tới.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp